Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: “Mẹ không có HIV- Con không nhiễm HIV”
(QT) - Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (LTMC) là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đã được triển khai trong nhiều năm qua ở Việt Nam. Nhờ chương trình này, số trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ đã giảm, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, góp phần làm giảm tỉ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Năm 2019, chương trình này được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị với nhiều hoạt động thiết thực xuyên suốt mà tập trung là “Tháng cao điểm dự ...

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: “Mẹ không có HIV- Con không nhiễm HIV”

(QT) - Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (LTMC) là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đã được triển khai trong nhiều năm qua ở Việt Nam. Nhờ chương trình này, số trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ đã giảm, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, góp phần làm giảm tỉ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Năm 2019, chương trình này được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị với nhiều hoạt động thiết thực xuyên suốt mà tập trung là “Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” (từ 1 - 30/6/2019) với chủ đề: “Mẹ không có HIV - Con không nhiễm HIV”.

Chủ động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vì tương lai con trẻ​

Mang thai ở tháng thứ sáu, chị Lê Thị H. ở xã Hải Quế, huyện Hải Lăng lần đầu tiên được tư vấn, xét nghiệm HIV trong một đợt Khoa Phòng chống HIV/AIDS tổ chức tư vấn, xét nghiệm cho phụ nữ mang thai (PNMT) tại cộng đồng. Chị H. cho biết: “Trước đây tôi chưa hề đi xét nghiệm HIV vì nghĩ rằng mình không thuộc nhóm có hành vi nguy cơ cao nên không sợ bị nhiễm HIV cũng như lây nhiễm cho con. Sau đợt này tôi mới biết được lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng LTMC sớm cũng như biết các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV”. Cũng như chị H., nhiều PNMT khác cho hay họ không để ý đến việc đi xét nghiệm HIV trước lúc kết hôn, trước khi có ý định có thai, lúc mới mang thai.

Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân nhiều PNMT chưa chủ động tiếp cận các dịch vụ dự phòng LTMC, Bác sĩ Nguyễn Đức Tài, Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu là do người dân còn thiếu thông tin, kiến thức về phòng, chống HIV nói chung và dự phòng LTMC nói riêng. Một số khác lại cho rằng mình có đầy đủ kiến thức, có lối sống lành mạnh nên thường chủ quan không tham gia hưởng ứng các hoạt động truyền thông, tư vấn, xét nghiệm HIV và chưa chủ động tìm kiếm dịch vụ phù hợp cho mình. Ngoài ra, nhiều trường hợp PNMT nhiễm HIV lo sợ cộng đồng xa lánh, sợ bị phân biệt kì thị nên đã giấu bệnh dẫn đến kết quả không mong muốn là đứa trẻ sinh ra có nguy cơ cao bị nhiễm HIV”.

Hướng đến mục tiêu “Giảm tỉ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/ AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Tháng cao điểm Dự phòng LTMC năm 2019 được thực hiện nhằm khuyến khích PNMT đi xét nghiệm HIV để biết tình trạng HIV của mình và được tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tại Quảng Trị, tháng cao điểm đã diễn ra các hoạt động truyền thông, vận động cộng đồng tham gia hưởng ứng. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV; lợi ích của dự phòng sớm lây nhiễm HIV; điều trị ARV sớm để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; quyền sinh con của phụ nữ nhiễm HIV với đầy đủ thông tin; quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng LTMC sẵn có tại địa phương. Truyền thông đại chúng qua báo, đài; truyền thông trực tiếp như nói chuyện, tư vấn, thăm hộ gia đình do cộng tác viên phòng, chống HIV/AIDS xã, phường, thị trấn thực hiện. Tổ chức giám sát hoạt động dự phòng LTMC tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản và các cơ sở Sản khoa trên địa bàn.

Cụ thể, ngành Y tế Quảng Trị đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện, thăm hộ gia đình, thảo luận nhóm... về dự phòng LTMC với 3.250 người tham gia; tổ chức 4 đợt truyền thông lưu động cho hơn 11.500 người dân; phát sóng thông điệp truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh với tổng số thời lượng là 6.290 phút trong 530 lượt phát sóng. Thống kê trong tháng 6 năm 2019 cho thấy, số phụ nữ mang thai được tư vấn trước xét nghiệm HIV là 2.460 người, tăng 32% so với cùng kì năm 2018; 1165 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV tự nguyện (trong đó có 855 phụ nữ được xét nghiệm HIV trong thời kì mang thai, 370 phụ nữ được xét nghiệm HIV trong lúc chuyển dạ), tăng 61%; 1.045 phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV quay lại lấy kết quả, tăng 45% so với cùng kì tháng 6 năm 2018.

Riêng trong Tháng cao điểm dự phòng LTMC năm nay, Khoa Phòng chống HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị đã treo 10 băng rôn vượt đường với nội dung tuyên truyền về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tổ chức 14 điểm tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho 378 phụ nữ mang thai, trong đó có 302 người thực hiện xét nghiệm. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2019, khoa đã cung cấp 2.500 test xét nghiệm HIV để sàng lọc cho phụ nữ mang thai tại 9 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố. Dự kiến trong những tháng cuối năm, khoa sẽ tổ chức thêm 45 buổi tư vấn, xét nghiệm HIV cho khoảng 1.200 phụ nữ mang thai trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời tăng cường giám sát hoạt động dự phòng LTMC tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản và cơ sở sản khoa trên địa bàn, tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao kiến thức và kĩ năng truyền thông phòng chống HIV/ AIDS cho cán bộ chuyên trách HIV/AIDS, nữ hộ sinh các trạm y tế, nhân viên y tế thôn bản của 9 huyện, thị xã, thành phố.

Một trong ba đường lây truyền HIV chủ yếu là truyền từ người mẹ sang người con qua bánh rau khi có thai, qua máu và dịch âm đạo khi chuyển dạ đẻ, qua sữa khi cho con bú. Nếu không được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV mang thai sẽ có khoảng 35 trẻ sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Nhưng nếu được điều trị dự phòng đúng cách thì chỉ có 5% trẻ sinh ra bị lây truyền HIV từ mẹ. Vì vậy, việc dự phòng LTMC có ý nghĩa rất quan trọng. “Để chủ động phòng tránh LTMC, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 49 tuổi) không nên quan hệ tình dục trước hôn nhân; chung thủy một vợ một chồng, không quan hệ tình dục với nhiều người; sử dụng bao cao su đúng cách trong mỗi lần quan hệ tình dục; phụ nữ mang thai nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm; phụ nữ mang thai nếu được phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV và điều trị đúng phác đồ, kết hợp với chăm sóc, can thiệp thích hợp trước sinh, trong khi sinh và sau khi sinh thì tỉ lệ LTMC giảm từ 30-40% (nếu không điều trị) xuống còn dưới 2-5%”, Bác sĩ Nguyễn Đức Tài khuyến cáo.

Để thực hiện thành công mục tiêu “Giảm tỉ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% vào năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, thời gian tới ngành Y tế tỉnh Quảng Trị tiếp tục mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, tư vấn, đặc biệt là dịch vụ cung cấp bơm kim tiêm sạch và bao cao su cho các đối tượng nguy cơ cao. Đẩy mạnh công tác tư vấn xét nghiệm HIV cho PNMT, mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV cho PNMT tại tuyến xã; đảm bảo đủ test nhanh để xét nghiệm HIV cho PNMT và đối tượng có nguy cơ cao; đảm bảo phụ nữ mang thai nhiễm HIV được đồng thời chăm sóc thai nghén và điều trị bằng thuốc ARV. Đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi, giảm kì thị và phân biệt đối xử với PNMT nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Bích Nga