Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 141 xã, phường, thị trấn, trong đó có 128 xã, thị trấn ở khu vực nông thôn, miền núi chiếm 90% tổng số xã, phường trong toàn tỉnh; ở các xã, thị trấn nông thôn đã có tổ chức cơ sở Đảng, các thôn, bản đều có đảng viên nhưng đảng viên có tuổi trung bình cao, một số thôn, bản có số lượng đảng viên ít nên chưa có điều kiện thành lập chi bộ riêng, hiện đang sinh hoạt chi bộ ghép. Nhận thức được việc phát triển đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên để bổ sung nguồn sinh lực mới cho Đảng, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, những năm qua cấp uỷ cơ sở đã tổ chức thực hiện đồng bộ từ xây dựng kế hoạch tạo nguồn quần chúng cảm tình Đảng, phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ, rèn luyện quần chúng nên công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, miền núi nói riêng tăng về số lượng, chất lượng được nâng lên, cơ cấu đảng viên đã tương đối hợp lý, góp phần tăng thêm sức chiến đấu và Đảng, phần nào đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn CNH, HĐH nông thôn; đã xoá thôn, bản không có đảng viên. Công tác phát triển đảng viên mới ở khu vực nông thôn, miền núi thực hiện bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục quy định của Trung ương. Hầu hết, số đảng viên mới nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, phát huy tốt vai trò đảng viên trong các mặt công tác nơi cư trú. Tuy nhiên, công tác kết nạp đảng viên ở khu vực nông thôn, miền núi còn có nhiều hạn chế: Trong số đảng viên mới kết nạp từ năm 2005 đến nay còn 0,2% trình độ bậc tiểu học, phấn lớn trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn thấp, tỷ lệ đảng viên nữ chỉ đạt 35%, đảng viên là người dân tộc 10%. Một số chi bộ chưa xây dựng được kế hoạch phát triển đảng viên, chưa đề ra được những biện pháp cụ thể để tạo nguồn kết nạp nên kết quả đạt thấp; nhiều chi bộ 2 năm không kết nạp được được đảng viên. Số đảng viên mới kết nạp là nông dân, trực tiếp lao động sản xuất đạt tỷ lệ thấp, chưa có những cá nhân lao động, sản xuất kinh doanh giỏi được kết nạp vào Đảng. Chất lượng cán bộ, đảng viên ở các xã nông thôn, miền núi còn thấp so với các khu vực khác ở cùng địa phương, nên chưa đáp ứng kịp thời với yêu cầu lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn. Trong khi đó, một số cấp uỷ chi bộ, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của công tác kết nạp đảng viên nên thiếu chủ động, tích cực khắc phục khó khăn trong vận động, giáo dục, rèn luyện quần chúng. Một số quần chúng chưa xác định đúng mục đích, động cơ phấn đấu vào Đảng, sau khi được kết nạp vào Đang lại thiếu tu dưỡng, rèn luyện nên bị xoá tên trong danh sách đảng viên dự bị, ảnh hưởng tới phong trào của địa phương. Qua thực tiễn, để phát triển đảng viên mới ở khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh trong những năm tới, trước hết, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở khu vực nông thôn miền núi. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, nâng cao dân trí, bài trừ các tập quán lạc hậu. Đây là tiền đề đầu tiên để nhân dân thấy được vai trò lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Đồng thời, phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, lối sống và tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện Di chúc của Người; coi công tác kết nạp đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng để giáo dục cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu tuyên truyền, vận động quần chúng ưu tú tự nguyện phấn đấu vào Đảng; Cấp uỷ các cấp tập trung lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chi bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới nhận thức, cách đánh giá và nhận xét về quần chúng là đoàn viên thanh niên phù hợp với giai đoạn CNH, HĐH nông thôn và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Chú ý quan tâm các đối tượng là quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cá nhân lao động sản xuất giỏi, những người đã tốt nghiệp trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học ở lại tham gia lao động sản xuất hoặc công tác tại địa phương; có kế hoạch tuyên truyền, bồi dưỡng, giao nhiệm vụ cụ thể để thử thách, rèn luyện.
Tập trung củng cố các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị ở những nơi còn yếu, chỉ đạo thành lập mới ở những nơi chưa có tổ chức đoàn thể. Các tổ chức đoàn thể thường xuyên phát động phong trào thi đua với nội dung thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của địa phương để bồi dưỡng, giáo dục, lựa chọn quần chúng ưu tú giới thiệu với tổ chức Đảng. Ban tổ chức cấp uỷ chủ động giúp cấp uỷ xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đảng viên hàng năm; tổ chức tốt việc tập huấn cho cấp ủy Đảng, đảng viên nắm vững và thực hiện đúng phương châm, phương hướng, tiêu chuẩn, điều kiện và nguyên tác thủ tục kết nạp đảng viên, công nhận đảng viên chính thức theo quy định của Điều lệ Đảng; thường xuyên trong đảng bộ, chi bộ. Qua đó, chi bộ thực sự trở thành hạt nhân lãnh đạo nhân dân thực đúng chủ trương của Đảng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) và Chương trình hành động của Tỉnh uỷ Quảng Trị về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời hội nhập kinh tế quốc tế. Nguyễn Quốc Thanh