(QT) - Thấy rõ vai trò, vị trí quan trọng của việc phát triển y học cổ truyền (YHCT) và Hội Đông y các cấp để chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn, ngày 4/7/2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa X đã ban hành Chỉ thị số 24 “Về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, trong đó nêu rõ: Phát triển nền đông y Việt Nam vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội. Phát triển nền đông y Việt Nam là góp phần bảo tồn bản sắc, phát huy và phát triển một bộ phận văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần độc lập và tự cường của dân tộc Việt Nam. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, giữ gìn tính đặc thù của nền đông y Việt Nam, đưa nền đông y Việt Nam thành một ngành khoa học mạnh, góp phần tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ đông y.
Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình hành động và các kế hoạch để thực hiện. Báo cáo tổng kết của Tỉnh ủy Quảng Trị về 10 năm thực hiện Chỉ thị 24/2008 cho thấy công tác quản lý lĩnh vực YHCT và hoạt động của Hội Đông y các cấp trên địa bàn tỉnh nền nếp, có bước phát triển, trong đó tổ chức bộ máy quản lý nhà nước YHCT trên địa bàn tỉnh có 3 cấp, gồm cấp tỉnh, huyện và xã. Hệ thống khám chữa bệnh YHCT không ngừng được mở rộng, phát triển. Tuyến tỉnh có 3/4 bệnh viện có Khoa Đông y, tăng 3 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị 24/2008, có 70 giường bệnh YHCT trên tổng số 800 giường bệnh, tăng hơn 3,3 lần. Sở Y tế và các ngành liên quan cũng đã chuẩn bị các điều kiện để thành lập Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng của tỉnh. Tuyến huyện có 9/10 trung tâm y tế huyện có cơ sở điều trị YHCT với 105 giường bệnh YHCT trên tổng số 835 giường bệnh, tăng 3 lần so với năm 2008; 141/141 trạm y tế xã có cán bộ YHCT. Nhiều đơn vị từ tuyến tỉnh đến xã được trang bị máy móc, các phương tiện hiện đại phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân YHCT.
Trong công tác khám, chữa bệnh bằng YHCT, việc kết hợp với y học hiện đại ngày càng đáp ứng được nhu cầu của người bệnh, nhiều bệnh khó được điều trị có chuyển biến tốt như: Di chứng bại liệt do tai biến mạch máu não, hen phế quản, thoát vị đĩa đệm cột sống, viên gan, viêm thận…Bình quân mỗi năm có 144.000 lượt bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh bằng YHCT; 75.930 lượt bệnh nhân điều trị bằng phương pháp xoa bóp, châm cứu không dùng thuốc. Điều này cho thấy nhu cầu về khám chữa bệnh bằng YHCT là rất lớn, nhất là đối với nhóm người cao tuổi và nhóm bệnh mãn tính.
Cùng với các cơ sở điều trị của nhà nước, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 28 cơ sở chẩn trị YHCT của tư nhân. Có 25 cơ sở nuôi trồng dược liệu và 25 cơ sở thu mua dược liệu trong nước, tăng 5 lần so với trước đây. Một số địa phương từng bước hình thành các vùng dược liệu như các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, Hướng Hóa đang thử nghiệm trồng các cây đinh lăng, cà gai leo, cao lá vằng, nghệ... Trong 2 năm gần đây các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh triển khai 3 đề tài liên quan đến YHCT, trong đó có 2 đề tài trồng các loại thảo dược mới như ngưu tất, trạch tả, hoài sơn với nguồn vốn 3,2 tỉ đồng…
Xác định Hội Đông y các cấp có vai trò nòng cốt trong phát triển nền đông y Việt Nam, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội quan tâm chăm lo với những việc làm cụ thể. Năm 1990, Hội Đông y Quảng Trị được thành lập, năm 2017 UBND tỉnh có quyết định sáp nhập Hội Châm cứu vào Hội Đông y. Hội có 3 đơn vị trực thuộc, 9 hội cấp huyện, 42 chi hội đông y cấp xã với 583 hội viên. Trong 10 năm qua (2008-2018), Hội đã lập được danh mục gồm 85/13 vị và 56/60 cây thuốc thiết yếu theo quy định của Bộ Y tế. Hội Đông y tỉnh phát hiện 60 cây thuốc đang tồn tại trên địa bàn tỉnh nhưng chưa tìm được tên khoa học và một số cây đã xác định tên khoa học nhưng chưa đưa vào cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS. Đỗ Tất Lợi. Hội cũng tập hợp 409 bài thuốc dân gian có trong cộng đồng, từ đó tuyển chọn 50 phương thuốc hay của các lương y giỏi để in trong tập san phổ biến đến hội viên. Hội Đông y cấp huyện cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo để giới thiệu các bài thuốc hay, cây thuốc quý của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó Hội Đông y tỉnh mở được 4 lớp tập huấn về điện châm, mảng châm, quy trình kỹ thuật về đông y và phác đồ đông y chữa các bệnh thường gặp cho hơn 200 hội viên và cán bộ y tế làm công tác đông y trên địa bàn tỉnh, mở một lớp y sĩ đông y với 50 học viên tham gia.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 24/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, hoạt động khám chữa bệnh bằng YHCT và xây dựng Hội Đông y các cấp có chuyển biến tích cực. Tuy vậy đến nay hệ thống khám chữa bệnh bằng YHCT vẫn chưa hoàn thiện; đội ngũ thầy thuốc về đông y thiếu về số lượng và chất lượng chưa cao; năng lực chẩn trị của các cơ sở chưa ngang tầm nhiệm vụ. Đã qua nhiều lần họp bàn, xây dựng đề án nhưng đến nay vẫn chưa hình thành được Bệnh viện YHCT. Công tác quy hoạch, trồng, chế biến, nghiên cứu, sản xuất thuốc địa phương còn hạn chế… Đó là những vấn đề cần được tháo gỡ, khắc phục để việc thực hiện Chỉ thị 24/2008 của Ban Bí thư “Về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”ngày càng đạt được hiệu quả cao hơn.
Phước An