Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
(QT) - Hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, những người lính trở về cuộc sống đời thường tiếp tục tiên phong hưởng ứng các phong trào thi đua giúp nhau làm ăn kinh tế giỏi, vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị cho biết: “Các hội viên như: Nguyễn Văn Thanh, thôn Văn Phong, xã Hải Chánh, Hải Lăng; Thái Văn Oánh, thôn Tây Trường, xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh; Nguyễn Thân Thiết, thành phố Đông Hà, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tuấn ...

Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

(QT) - Hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, những người lính trở về cuộc sống đời thường tiếp tục tiên phong hưởng ứng các phong trào thi đua giúp nhau làm ăn kinh tế giỏi, vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị cho biết: “Các hội viên như: Nguyễn Văn Thanh, thôn Văn Phong, xã Hải Chánh, Hải Lăng; Thái Văn Oánh, thôn Tây Trường, xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh; Nguyễn Thân Thiết, thành phố Đông Hà, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tuấn Tiến là những gương điển hình CCB sắp được vinh danh trong Đại nhạc hội tôn vinh CCB làm kinh tế giỏi tổ chức trên địa bàn tỉnh”. Góp sức vì sự phát triển chung

CCB Nguyễn Thân Thiết tại trụ sở công ty

“Thương người như thể thương thân”, CCB Nguyễn Thân Thiết, trú tại thành phố Đông Hà, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tuấn Tiến luôn tâm niệm như vậy. Ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Cơ điện tại Đồng Hới thì có lệnh tổng động viên cho chiến trường Campuchia. Tháng 8/1978 ông tình nguyện lên đường nhập ngũ tham gia chiến trường K và đến tháng 10/1987, nghỉ chế độ bệnh binh 2/4 trở về quê sinh sống. Lúc bấy giờ hoàn cảnh kinh tế gia đình ông khó khăn vất vả, đồng lương ít ỏi không đủ trang trải nên CCB Nguyễn Thân Thiết cùng 5 đồng đội thành lập tổ xây dựng nhận công trình tư nhân. 7 năm lăn lộn mà kinh tế không được khấm khá, tháng 9/1994, ông quyết định vào thị xã Đông Hà lập nghiệp. Ông nhớ lại: “Buổi đầu tôi đưa vào tổ thợ 12 người nhận các công trình vừa và nhỏ thi công tạo cơ ngơi ban đầu. Sau 5 năm làm ăn, kinh tế có phần khấm khá tạo được một số vốn. Sau khi Chính phủ ban hành Luật Doanh nghiệp, tháng 12/2000, tôi thành lập Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Tuấn Tiến (nay là Công ty TNHH Xây dựng Tuấn Tiến). Đây cũng là tên của 2 con trai. Cháu đầu đã tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, hiện là Phó Giám đốc Công ty; cháu thứ 2 học Đại học Bách khoa năm thứ 3. Trong xu thế đổi mới của Đảng và Nhà nước, để đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động, năm 2003 tôi đã thành lập Công đoàn công ty; năm 2004 thành lập Chi bộ trực thuộc Đảng bộ thành phố Đông Hà”. Trên cương vị là Bí thư Chi bộ, Giám đốc điều hành công ty, hơn 8 năm qua ông điều hành công ty hoạt động có hiệu quả, doanh thu nộp ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước từ 15-50%. Năm 2005, doanh thu 3,2 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 90 triệu đồng thì đến năm 2011 doanh thu 21 tỷ đồng, nộp ngân sách 1,2 tỷ đồng. Hiện nay hơn 100 công nhân của công ty có thu nhập ổn định với lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Chi bộ 5 năm liên tục được Thành ủy Đông Hà công nhận Chi bộ trong sạch vững mạnh; công ty 5 năm liên tục được UBND tỉnh tặng 4 bằng khen và 1 cờ đua; Cục Thuế tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua về thành tích “Đơn vị hoàn thành vượt mức kế hoạch nộp ngân sách nhà nước”; Công đoàn 5 năm liên tục được các cấp khen thưởng (trong đó Công đoàn Xây dựng Việt Nam tặng 2 bằng khen, LĐLĐ tỉnh Quảng Trị tặng 2 bằng khen, Công đoàn ngành Xây dựng tặng 3 giấy khen). Riêng bản thân CCB Nguyễn Thân Thiết được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam... tặng nhiều bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong các hoạt động kinh tế, đóng góp cho xã hội. Người ta tâm đắc ở người CCB này là tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ những khó khăn với người gặp hoạn nạn. Hiện nay ông đang đỡ đầu 3 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thời gian 5 năm (từ năm 2009-2013), mỗi gia đình 100.000 đồng/tháng. Gia đình ông tích cực ủng hộ các chương trình do Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học phát động mỗi năm trên 70 triệu đồng. Bắt đất trả lời

CCB Nguyễn Văn Thanh chăm sóc đàn lợn

“Thắng không kiêu, bại không nản”, CCB Nguyễn Văn Thanh, Bí thư chi bộ thôn Văn Phong, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng luôn lấy đó làm lẽ sống để công tác và học tập. Ông có một bề dày thành tích đáng tự hào với nhiều bằng khen như: Sản xuất dịch vụ giỏi 2003-2007; phong trào thi đua xây dựng hội vững mạnh 2004-2009; gương điển hình tiên tiến trong sản xuất giỏi 2005-2009; gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước 2005- 2010; bằng khen phong trào thi đua yêu nước 2005-2009; tích cực thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” 2007-2009. Năm 1990, Nguyễn Văn Thanh hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương. Đời sống gia đình thời điểm đó gặp nhiều khó khăn, bố là thương binh, mẹ già sức yếu. Nhớ lại thời điểm đó, ông tâm sự: “Lúc nào trong tôi cũng canh cánh câu hỏi: Phải làm gì đây để phát triển kinh tế thoát nghèo, tạo điều kiện tốt cho con cái học hành? Tôi đem những nỗi niềm ấy tâm sự với bố tôi - người CCB trải qua 2 cuộc kháng chiến, để rồi bố con cùng đi đến thống nhất: “Chỉ có lòng kiên trì và học tập áp dụng khoa học kỹ thuật bắt đất trả lời”. Từ đó ông bắt đầu mày mò qua sách báo, ti vi và đưa vào thử nghiệm trên mảnh vườn nhà nhiều giống cây trồng, vật nuôi nhưng không đạt hiệu quả như ý muốn. Thất bại trong làm kinh tế có lúc làm ông rơi vào chán nản. Chính lúc này những người thân và các tổ chức đoàn thể như: Hội nông dân, hội CCB, chi đoàn thanh niên luôn động viên gia đình cố gắng vượt lên những khó khăn để thoát nghèo. Được sự động viên đó, ông Nguyễn Văn Thanh quyết tâm thay đổi giống cây trồng, con nuôi cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn, trong đó chú trọng đầu ra của các sản phẩm. Đồng thời vay vốn ngân hàng để đầu tư loại máy móc phục vụ phát huy nghề truyền thống của quê hương là làm chổi đót. Ông cho biết: “Nhận thấy hướng làm ăn có hiệu quả, tôi tiếp tục vay vốn để mở rộng nghề làm chổi đót, hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật và huy động khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có trên vùng rừng núi tự nhiên theo mùa vụ để làm sản phẩm trong suốt thời gian nông nhàn. Bước đầu đã giải quyết việc làm có thu nhập đáng kể cho một số lao động dư thừa và các cháu học sinh, sinh viên nghỉ hè. Nguồn thu từ chổi đót đem lại từ 30-35 triệu đồng/năm. Gia đình còn sản xuất các loại cây trồng xen canh như: lạc, sắn, ngô, đậu xanh vừa bán ra thị trường, vừa đưa vào chăn nuôi. Trong chuồng thường xuyên có từ 20-30 con lợn thịt và 3- 4 lợn nái để lấy giống nuôi”. Bên cạnh đó, ông còn chăn nuôi từ 250-300 con gà, vịt, ngan. Hàng năm ông thu lãi từ chăn nuôi các loại được từ 100-110 triệu đồng. Hiện nay, tổng thu nhập của gia đình ông gần 200 triệu đồng/năm. Gia đình từ hộ nghèo đã vươn lên xây dựng nhà cửa kiên cố, khang trang với nhiều tiện nghi phục vụ sinh hoạt. Hàng năm ông còn cho một số hộ gia đình nghèo trong thôn mượn trên 20 triệu đồng không lấy lãi, đồng thời hướng dẫn về kỹ thuật làm chổi đót, chăn nuôi để thoát nghèo. Triệu phú vùng Bàu Bạc

CCB Thái Văn Oánh đang kiểm tra chất lượng mủ cao su

Bước vào ngôi nhà xây khang trang nằm trong khuôn viên rợp mát của trang trại cao su khép tán đã xua đi bao nỗi vất vả mà chúng tôi trải qua trong suốt chặng đường đến vùng rừng Bàu Bạc, nơi CCB Thái Văn Oánh, trú tại thôn Tây Trường, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh đang làm kinh tế trang trại. Ông Oánh cho biết: “Năm 1997 gia đình tôi nhận 10 ha đất trống của chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc để trồng cây lâm nghiệp, trong đó chủ yếu là cây cao su. Những năm đầu, phải đối mặt với nhiều khó khăn, đất đai xấu phải đầu tư nhiều trong khi đó tôi lại phải phụng dưỡng mẹ già, nuôi các con ăn học nên không có vốn đầu tư ban đầu. Quyết không lùi bước, tôi vay vốn ngân hàng cùng với sự giúp đỡ của người thân để chăm sóc những vườn cây cao su. Sau 8 năm cao su đã cho sản phẩm, thu nhập bình quân hàng năm trên 500 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 7 lao động thường xuyên với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng”. Ngoài vườn cây cao su, ông Oánh còn trồng thêm 10 ha cây tràm lai, cứ 5 năm lại thu hoạch một lần cho thu nhập thêm 30 triệu đồng. Kết hợp với trồng rừng, ông còn còn chăn nuôi thêm gà, lợn, đào ao nuôi cá; hàng năm nuôi khoảng 100 con lợn, 300 con gà, 5 tạ cá, thu nhập từ chăn nuôi khoảng 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Linh cho biết: “Điều đáng quý ở CCB Thái Văn Oánh chính là tinh thần trách nhiệm vì sự phát triển của quê hương. Hàng năm ông hỗ trợ địa phương hàng chục triệu đồng để làm đường liên thôn. Ông còn giúp chi hội CCB thôn Tây Trường một khoản tiền lớn để gây vốn cùng nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo”. Ông Oánh tâm sự: “Có được thành quả như hôm nay, ngoài ý chí vươn lên của bản thân còn có sự giúp đỡ của bạn bè và chính sách đúng đắn của nhà nước, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, các ngành. Trong thời gian tới, tôi sẽ cố gắng duy trì và phát triển tốt hơn nữa mô hình kinh tế đã có để tạo ra của cải vật chất cho gia đình và xã hội”. Với bản chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, dù trong hoàn cảnh nào, các thế hệ hội viên CCB luôn nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, giàu lòng nhân ái, thủy chung, luôn nêu gương sáng trong thời bình. Từ những việc làm thiết thực và giàu ý nghĩa đó, các CCB tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, được đông đảo nhân dân hưởng ứng noi theo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bài, ảnh: MINH PHƯƠNG