Sáng mãi tấm gương anh bộ đội Cụ Hồ
(QT) - “Bản thân tôi cũng tàn tật nên hiểu được phần nào những thiệt thòi mà các cháu phải gánh chịu. Tôi rất tiếc là không làm được nhiều hơn để giúp đỡ các cháu” - Ông Lê Quang Bảo, thương binh hạng 2/4, trú tại phường 3, thị xã Quảng Trị đã tâm sự như vậy trong một lần gặp tôi. Những “cánh rừng đồng đội” Chiều hè ở đất Thành Cổ, ánh nắng cuối ngày khẽ lách mình qua từng kẽ lá rọi thẳng xuống khoảng sân rộng trước mặt. Trong ngôi nhà ba gian nhỏ, nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà mái bằng ...

Sáng mãi tấm gương anh bộ đội Cụ Hồ

(QT) - “Bản thân tôi cũng tàn tật nên hiểu được phần nào những thiệt thòi mà các cháu phải gánh chịu. Tôi rất tiếc là không làm được nhiều hơn để giúp đỡ các cháu” - Ông Lê Quang Bảo, thương binh hạng 2/4, trú tại phường 3, thị xã Quảng Trị đã tâm sự như vậy trong một lần gặp tôi. Những “cánh rừng đồng đội” Chiều hè ở đất Thành Cổ, ánh nắng cuối ngày khẽ lách mình qua từng kẽ lá rọi thẳng xuống khoảng sân rộng trước mặt. Trong ngôi nhà ba gian nhỏ, nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà mái bằng kiên cố, ông Bảo bày tỏ: “Ngôi nhà này tôi xây dựng bằng chính mẻ xi măng Đông Hà đầu tiên. Qua bao năm, tường gạch vẫn nhẵn bóng như mới. Thật đáng tự hào bởi thành quả của ngành công nghiệp tỉnh Quảng Trị”. Cởi mở, thân thiện, dòng hồi tưởng của người thương binh già đã dẫn tôi quay trở lại một thời hoạt động cách mạng sôi nổi của chàng thanh niên yêu nước Lê Quang Bảo. 16 tuổi, ông Bảo đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, thuộc C230, D240 Tỉnh đội Quảng Trị. Trong kháng chiến chống Pháp, trong một trận càn của địch, ông bị mất cánh tay trái cùng nhiều thương tích trên cơ thể. Đồng đội chuyển ông về hậu cứ miền Bắc chữa trị vết thương. Giữa nỗi đau đất nước chia cắt, trong lòng người chiến sĩ trẻ vẫn không nguôi quyết tâm sẽ trở vào miền Nam cùng đồng đội chiến đấu.

Chăm sóc cây cảnh là cách thư giãn tốt nhất ông Bảo lựa chọn sau một ngày tất bật với các hoạt động từ thiện.

Sau một thời gian học tập, trau dồi kiến thức tại miền Bắc, ông Bảo tiếp tục trở vào Nam trong vai trò là một cán bộ chính trị cốt cán, sát cánh cùng đồng đội đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược. Những sáng kiến, ýtưởng của ông đóng góp, tham mưu với đồng đội đã góp phần giúp đơn vị làm nên những thắng lợi vẻvang trong từng trận đánh. Đất nước thống nhất, người thương binh ấy lại góp sức dựng xây ngành công nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển. Ông là một trong những người tiên phong xây dựng nhà máy xi măng Long Thọ (Thừa Thiên Huế) ngày nay và góp phần cho ra đời mẻ xi măng Đông Hà đầu tiên. Đến tuổi về hưu, ông Bảo cùng các con quyết tâm lao động sản xuất, nỗ lực làm giàu chính đáng trên quê hương. “Tại sao ông lại chọn mảnh đất cách thị xã Quảng Trị hơn 50 km để làm trang trại?”, tôi hỏi. Mắt ông Bảo nhòa đi, hướng về một chốn xa xăm. Cơ duyên làm trang trại đến với ông Bảo sau nhiều lần ông cất công đi tìm đồng đội ở Trung Sơn (Gio Linh). Ông kể, trong một trận càn của địch, 5 đồng đội cùng chiến đấu với ông đã hy sinh, vĩnh viễn nằm lại ở vùng đất có tên là Khe Đá, thuộc xã Trung Sơn (Gio Linh). May mắn sống sót trở về, ông Bảo quyết tâm tìm hài cốt đồng đội để đưa về với quê hương, người thân. Mặc dù đã cẩn thận vẽ lại bản đồ vị trí mai táng đồng đội song sau nhiều lần ông Bảo trở lại chiến trường xưa tìm kiếm vẫn không có kết quả, các anh đã mãi mãi hóa thân vào lòng đất mẹ. Cuối cùng, ông quyết định chọn mảnh đất nơi chiến trường xưa để dựng cơ nghiệp, đưa sự sống đến với các anh. “Chỉ có lên đây lập nghiệp tôi mới có điều kiện bầu bạn, trò chuyện, nhang khói thường xuyên cho các đồng đội”, ông Bảo tâm sự. Dốc hết số vốn dành dụm được từ đồng lương hàng tháng cùng sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, trang trại tổng hợp như ông Bảo hằng ước mơ đã nên hình. “Ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, vượt quãng đường xa xôi, cha con chúng tôi lên đóng lán trại cả tháng trời trên núi để vỡ hoang đất, cơm nắm muối vừng như thời còn chiến đấu cùng đồng đội. Vất vả nhưng lại vui, đất vỡ hoang đến đâu mầm cây xanh mọc lên đến đấy. Dưới lớp đất kia là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của đồng đội tôi, còn bên trên là những mầm xanh căng tràn nhựa sống. Chính các anh đã góp phần làm nên màu xanh của những cánh rừng. Từ đấy, tôi đặt tên những cánh rừng nơi đây là “rừng đồng đội”, ông Bảo kể. Đến bây giờ, trang trại tổng hợp của ông Bảo ở Trung Sơn (Gio Linh) với 10 ha rừng tràm và cao su đã khép tán xanh tốt. Trên miền đất đỏ ba zan trù phú ấy, ông còn khai hoang thêm 7 ha để trồng sắn KM94, lạc, đỗ các loại, gần 1 ha đào ao nuôi cá. “Gia đình tôi bây giờ đã khá giả, hàng năm các con có thu nhập ổn định từ trang trại từ 70-80 triệu đồng, cuối năm nay cây cao su và tràm cũng đến lúc khai thác nhựa và gỗ. Cuộc sống đã hồi sinh nơi mảnh đất hoang sơ. Sự no ấm hôm nay có sự đóng góp rất lớn của các anh, những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để giữ gìn màu xanh trên từng tấc đất”, ông Bảo xúc động cho biết.

Ông Lê Quang Bảo cùng chị Nguyễn Thị Xanh tại Hội thi thể thao người khuyết tật tỉnh.

Để thuận lợi cho việc chăm sóc rừng và trang trại, ông Bảo còn cất ngôi nhà kiên cố, có sân vườn thoáng mát, đây còn là nơi đón tiếp các đồng đội của ông mỗi khi trở về thăm chiến trường xưa. Sau những ngày tất bật với công tác từ thiện, ông Bảo thường trở lại với cánh rừng xanh, lại thắp nắm hương trầm cắm lên mô đất bên Khe Đá, lặng lẽ trò chuyện với đồng đội của mình. Chính lúc ấy, ông đã thực sự tìm được sự bình yên trong cõi lòng, nơi ấy lưu giữ mãi ký ức đẹp của tuổi đôi mươi bên đồng đội. Hết mình với người khuyết tật Đến Trung tâm thể thao người khuyết tật thị xã Quảng Trị, tôi còn được nghe các VĐV gọi ông bằng một cái tên rất trìu mến, thân mật: “bác Bảo”. Đối với những VĐV nơi đây, “bác Bảo” vừa là người cha, người anh, người bạn và cũng là ân nhân. Bởi người thương binh già ấy từng ngày đã lặng lẽ tìm lại niềm tin cuộc sống, nhen lên khát vọng và ý chí cho những mảnh đời không may mắn. Chiến tranh đi qua, mảnh đất Thành Cổ nham nhở vết thương chiến tranh đang dần được bàn tay con người hàn gắn. Song, vẫn còn đấy rất nhiều mảnh đời bất hạnh cần sự giúp đỡ, chở che của cộng đồng xã hội. Trong số họ, có người tàn tật do bẩm sinh, bệnh tật, có người bị ảnh hưởng bởi di chứng của chất độc da cam nhưng tất cả đều cùng chung nỗi đau thiệt thòi, mất mát và mất niềm tin trong cuộc sống. Là người mang trên mình thương tật, hơn ai hết ông Bảo hiểu và cảm thông cùng những nỗi đau ấy. Ông tâm sự: “Đa số các cháu khuyết tật đều mang tâm lý tự ti, mặc cảm. Là người mang trên mình thương tật, tôi hiểu rất rõ sự thiệt thòi, mất mát đó. Tôi quyết tâm đến từng nhà, tìm hiểu hoàn cảnh của từng người khuyết tật, sau đó vận động họ tham gia CLB thể thao người khuyết tật, tạo điều kiện để mỗi người tự khẳng định mình. Sau khi giành được thành tích tại các hội thi thể thao, niềm tin cuộc sống trong các cháu được nhân lên. Đến nay, hầu hết các VĐV khuyết tật trên địa bàn đều có kinh tế vững và hòa nhập tốt với cộng đồng”. Những sáng tinh mơ hay khi bóng xế trên bầu trời Thành Cổ, mỗi tuyến phố, ngõ hẻm thân quen của thị xã Quảng Trị vẫn in hình bóng ông, người thương binh già với một cánh tay còn lại trên chiếc xe đạp cũ. Ông Bảo đến tận từng nhà có con em khuyết tật để tìm hiểu cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của họ. Từ đó tìm cách thuyết phục gia đình cho con cháu tham gia CLB thể thao người khuyết tật, tạo cơ hội để người khuyết tật được hòa nhập cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Xanh bị liệt bẩm sinh, mọi sinh hoạt đi lại đều nhờ vào xe lăn. Chị sống khép mình, vô cảm, trở thành gánh nặng trong một gia đình nghèo khó. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh, ngày nào ông Bảo cũng đến tận nhà chị Xanh, gần gũi động viên giúp chị tự tin vào cuộc sống, thuyết phục chị tham gia vào CLB thể thao người khuyết tật. Sau khi hướng chị Xanh tham gia vào môn xe lăn dành cho người khuyết tật, ông Bảo đã học hỏi thêm những kinh nghiệm về môn xe lăn để truyền dạy cho chị. Qua mỗi buổi tập luyện, những câu chuyện đời thường, cùng sự chia sẻ trong cuộc sống đã giúp chị Xanh dần lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Niềm tin ấy trở thành động lực giúp chị vững tin giành chiến thắng trên mỗi đường đua. Đến tận bây giờ, gia đình anh Nguyễn Xuân Phương (bị thiểu năng trí tuệ) vẫn không thể tin rằng anh có thể giành được huy chương vàng toàn quốc môn điền kinh dành cho người khuyết tật. Đều đặn mỗi buổi chiều, người dân xung quanh Thành Cổ vẫn thường thấy hình ảnh người thương binh già chỉ với một cánh tay dẫn dắt cậu thanh niên bị thiểu năng trí tuệ tập chạy. Mỗi lần cậu thanh niên ngã, người thương binh ấy nhẹ nhàng đến bên đỡ dậy, hai người trò chuyện với nhau điều gì đó rồi họ lại vui cười vững vàng hơn trên bước chạy tiếp theo. 6 tháng sau ngày ấy, cậu bé bị thiểu năng trí tuệ ngày nào đã mang về tấm huy chương vàng điền kinh toàn quốc. Và, một điều kỳ diệu hơn, bệnh tật của Phương đã có nhiều tiến triển tốt. Ngoài vai trò là một huấn luyện viên cho VĐV khuyết tật, ông Bảo còn thường xuyên gần gũi, tìm hiểu gia cảnh của từng VĐV để tìm cách giúp đỡ. Bản thân không đủ khả năng, ông kêu gọi địa phương, các tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm cùng tham gia. Nhờ vậy, đã có nhiều VĐV khuyết tật có nhà ở, được hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế, được học nghề để tự lập cho bản thân. Để tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cho những người khuyết tật, ông Bảo nhận đấu thêm quầy bán hàng lưu niệm tại Thành Cổ để các VĐV có việc làm thường xuyên. Nhờ vậy, tính đến nay CLB thể thao người khuyết tật đã có 17 triệu đồng quỹ vốn, số tiền này được các VĐV vay quay vòng để phát triển kinh tế với lãi suất thấp, ưu tiên đối với những hộ khó khăn. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, ông Bảo đã thực sự tỏa sáng niềm tin yêu cuộc sống bằng chính ý chí và nghị lực của mình. Bước qua tuổi 70 với một thương binh 2/4 có thể xem là lúc nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già song với ông Lê Quang Bảo tất cả chỉ mới bắt đầu. Hơn 35 năm sau ngày đất nước thống nhất, ý chí của người lính Cụ Hồ vẫn còn mãi với ông Bảo, sáng ngời giữa cuộc sống đời thường. Bài, ảnh: LỆ NHƯ