Lách luật
(QT) - 1. Thực hiện những giải pháp chủ yếu nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thận trọng; điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là các loại lãi suất và lượng tiền cung ứng để bảo đảm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực thi chính sách tín dụng của ngân hàng chưa mang lại kết quả như mong muốn, một số Ngân hàng thương mại (NHTM) luôn tìm cách luồn lách để thoát ra khỏi sự quản lý của Ngân hàng nhà nước (NHNN).
Để thực thi đúng với tinh thần pháp luật qui định, ngoài việc các cơ quan chức năng tăng cường công tác giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; công khai, minh bạch mọi hoạt động (trừ những vấn đề liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh quốc gia), xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình vi phạm, thì mọi công dân Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước cần phải có lòng tự trọng, nêu cao tinh thần tự giác, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, cùng nhau xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiến bộ, văn minh. |
Khi NHNN qui định lãi suất huy động tiền gửi tối đa không quá 14 %/năm thì các NHTM ồ đạt đưa ra các chính sách khuyến mãi, chi phí môi giới để thu hút khách hàng đến gửi tiền, làm cho lãi suất tiền gửi thực có khi lên đến 18,19%/ năm, vượt qui định của NHNN. Thấy chưa đảm bảo chặt chẽ, vẫn còn kẽ hở để các NHTM huy động vốn với lãi suất tiền gửi vượt trần, mới đây NHNN tiếp tục siết chặt chính sách tín dụng, qui định lãi tiền gửi kể cả phần khuyến mãi, môi giới tối đa không quá 14%/năm,nếu ngân hàng nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Nhưng một số ngân hàng thương mại cũng có cách để lách khỏi trần huy động đó, đưa ra loại tiền gửi kỳ hạn ngày với mức lãi suất hấp dẫn (13,8%/năm) mà trước đây chưa hề có. 14%/ năm là lãi suất của năm, nhưng khi đưa ra kỳ hạn ngày thì lãi đẻ ra lãi liên tục và lãi suất huy động thực lại vượt xa trần qui định. Táo bạo hơn, có ngân hàng còn ký hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với khách hàng, lãi suất 14%/năm, trong đó có điều khoản qui định nếu ngân hàng không hoàn trả đúng hạn thì bị phạt một khoản tiền cố định, tính ra thì khoản tiền sẽ bị phạt này tương đương với lãi suất 5%/năm. Và trong thực tế ngân hàng này đã hoàn trả chậm một ngày để chịu phạt cho khách hàng như hợp đồng đã ký (số tiền bị phạt hơn 500 triệu đồng), như vậy thực chất ngân hàng đã huy động với lãi suất 19%/ năm. Với kiểu “ tự phạt” này thì NHNN cũng chào thua vì không phạm luật. Tôi đem những băn khoăn về chính sách tín dụng trao đổi với một số cán bộ ngân hàng về lý do vì sao NHNN không quản đầu ra là qui định lãi suất cho vay tối đa, còn lãi suất tiền gửi nên giao cho các NHTM chủ động, họ sẽ biết đưa ra mức lãi suất huy động phù hợp để kinh doanh có hiệu quả thì được chia sẻ: Để quản được lãi suất cho vay thực khó hơn nhiều so với quản lãi suất tiền gửi, vì có nhiều cách để lách qui định hơn. 2. Nhằm kiềm chế lạm phát, Nghị quyết 11 của Chính phủ qui định “Tạm dừng trang bị mới xe ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng “, nhưng một số cơ quan, đơn vị, cán bộ nhà nước lại không chấp hành bằng cách ghi lùi lại thời gian ký hợp đồng trước ngày Nghị quyết có hiệu lực (24/2/2011), hoặc ngụy biện rằng các tài sản này dùng cho hoạt động nghiệp vụ, không phải thiết bị văn phòng nên cứ như thế mà mua sắm, thanh toán qua cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát chi tiêu của nhà nước. Hay như theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay thời hạn cho việc cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 đã quá hơn hai tháng nhưng một số địa phương vẫn nại ra đủ thứ lý do để chưa cắt giảm, ngừng khởi công mới các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tổng hợp số liệu cho thấy có tới 638 dự án có sử dụng vốn ngân sách nhưng không thuộc đối tượng được khởi công mới trong năm 2011 song vẫn được các tỉnh thành bố trí 1.763 tỷ đồng để thực hiện. Ngoài ra các tỉnh thành cũng chưa cắt giảm 2.000 dự án khác sử dụng vốn của ngân sách địa phương nhưng không thuộc đối tượng khởi công mới trong năm 2011, làm giảm hiệu quả của Nghị quyết. Xin quay lại đầu đề bài viết, việc lách luật xưa nay thì nhiều nhưng chỉ xin dẫn vài ví dụ mà hiện đang diễn ra liên quan đến việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ để bàn về ý thức chấp hành pháp luật. Đối tượng ở đây là những người giữ vị trí lãnh đạo trong các doanh nghiệp, cán bộ công chức, viên chức nhà nước, những người lẽ ra phải gương mẫu chấp hành trước tiên thì lại tìm mọi kẽ hở của pháp luật để luồn lách do ý thức kém hoặc vì lợi ích cục bộ, cá nhân, làm ảnh hưởng đến việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước ban hành pháp luật để quản lý xã hội, mục đích làm cho xã hội tốt đẹp hơn, mọi công dân đều có nghĩa vụ chấp hành đúng pháp luật. Tuy nhiên, các nhà làm luật dù có tài giỏi đến mấy cũng không thể rào đón, dự liệu được tất cả các tình huống có thể xảy ra, còn người thực thi lại cứ tìm cách để lách luật theo kiểu “ tình gian lý ngay” như vậy thì nhà nước khó quản lý xã hội tốt được. Tôi cứ nhớ mãi nội dung câu nói có tính “nguyên lý” của một đồng chí trong cơ quan khi trao đổi về các qui định nhằm quản lý cán bộ: Làm sao mà quản lý con người một cách thấu đáo được khi họ thiếu đi lòng tự trọng. Nghe bi quan nhưng ngẫm nghĩ cũng phải. Vì vậy, để thực thi đúng với tinh thần pháp luật qui định, ngoài việc các cơ quan chức năng tăng cường công tác giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; công khai, minh bạch mọi hoạt động (trừ những vấn đề liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh quốc gia), xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình vi phạm, thì mọi công dân Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước cần phải có lòng tự trọng, nêu cao tinh thần tự giác, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, cùng nhau xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiến bộ, văn minh. TÙNG LÂM