Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị nối dài thành tích trên hành trình bảo vệ công lý
QTO - * LÊ HỒNG QUANG, TUV, Bí thư Đảng bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị

Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị nối dài thành tích trên hành trình bảo vệ công lý

* LÊ HỒNG QUANG, TUV, Bí thư Đảng bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020 xác định Tòa án nhân dân (TAND) có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm. Theo Hiến pháp năm 2013, toà án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Như vậy, TAND có vị trí, vai trò rất quan trọng trong bộ máy nhà nước.

Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị, Ảnh: LM

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Nhà nước về chiến lược CCTP, cùng với Ban cán sự đảng, Đảng bộ TAND tỉnh Quảng Trị đã chủ động, tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử và hiệu quả CCTP. Đặc biệt, giai đoạn 2015- 2020 là giai đoạn nước rút thực hiện nhiệm vụ CCTP, Đảng ủy TAND tỉnh đã quán triệt, triển khai, đề ra nhiều giải pháp cụ thể, chỉ đạo kịp thời nên đã đem lại những kết quả thiết thực. Vị thế của cơ quan xét xử và thực hiện quyền tư pháp được nâng cao; dân chủ trong hoạt động tư pháp được mở rộng; cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hiện đại; chất lượng xét xử và việc tranh tụng được nâng cao. Thông qua thực hiện các nhiệm vụ CCTP, mối quan hệ giữa các cơ quan có nhiệm vụ tư pháp và bổ trợ tư pháp khăng khít; sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chặt chẽ, sâu sát hơn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của TAND.

Trong giai đoạn 2015-2020, Đảng bộ TAND tỉnh đã lãnh đạo đơn vị tập trung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, giải quyết 921/951 vụ, việc các loại, đạt tỉ lệ 96,8%. Lãnh đạo, quản lý các toà án cấp huyện giải quyết 10.179/10.388 vụ, việc, đạt tỉ lệ 98%; đơn thư khiếu nại, tố cáo được giải quyết kịp thời, góp phần ổn định tình hình trật tự, trị an trên địa bàn.

Nhìn chung, các vụ án hình sự đã xét xử đúng người, đúng tội, hình phạt áp dụng thỏa đáng. Các loại án dân sự, án hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính giải quyết đảm bảo tính khách quan, toàn diện, xác định đúng quan hệ tranh chấp, đảm bảo đúng pháp luật. Thẩm phán đã kiên trì hòa giải, đối thoại, góp phần củng cố khối đại đoàn kết trong Nhân dân, chú trọng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên đương sự, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Các thẩm phán đã chú trọng đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng và định hướng CCTP, đảm bảo cho những người tham gia tố tụng thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình; mọi phán quyết của toà án cơ bản dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên toà.

Thực hiện theo Luật Tổ chức TAND 2014, bộ máy TAND tỉnh đã được tổ chức tinh gọn, các nhiệm vụ có tính độc lập nhưng được sáp nhập vào một đơn vị, như : Nhiệm vụ quản trị- hành chính, hành chính -tư pháp, kế toán- tài chính, quản lý tài sản, xây dựng cơ bản sáp nhập vào đơn vị văn phòng; nhiệm vụ thanh tra, tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng sáp nhập thành phòng tổ chức cán bộ, thanh tra và thi đua khen thưởng; nhiệm vụ kiểm tra, rà soát án, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi hành án hình sự, theo dõi thi hành các loại án khác như hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân gia đình được sáp nhập vào phòng kiểm tra nghiệp vụ, giải quyết khiếu nại tố cáo và thi hành án; sáp nhập 5 tòa chuyên trách thành 3 tòa là: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự và Tòa Hành chính.

Thực hiện quy định về CCTP, TAND tỉnh đã bố trí lại phòng xử án theo mô hình tố tụng mới đảm bảo trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa công tố và luật sư, người bào chữa khác; từ chỗ bình đẳng về vị trí, những người tham gia phiên toà đã tiến một bước dài đến sự bình đẳng về địa vị pháp lý. Đầu tư xây dựng phòng xét xử thân thiện, phòng cách ly người chưa thành niên để xét hỏi qua hệ thống truyền hình và truyền thanh, phòng chờ dành cho trẻ em khi phải tới toà án.

Việc công bố bản án, áp dụng án lệ cũng là những thành tựu của CCTP nhằm tăng cường sự giám sát, hướng đến sự tiếp cận công lý của Nhân dân. Từ ngày 1/10/2017 đến ngày 31/12/2019, TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị đã tiến hành công bố 171 bản án, quyết định. Thực hiện công bố bản án, áp dụng án lệ góp phần nâng cao chất lượng của bản án, quyết định.

Với sự tích cực triển khai thực hiện nghị quyết của Ban cán sự đảng TAND Tối cao và Ban cán sự đảng Viện KSND Tối cao về truyền hình trực tuyến phiên tòa, được sự quan tâm của cấp uỷ và chính quyền tỉnh, TAND tỉnh đã triển khai lắp đặt trang thiết bị phiên tòa trực tuyến từ 11 phòng xét xử đến 23 điểm cầu quan sát với tổng kinh phí 1,7 tỉ đồng do ngân sách địa phương hỗ trợ. Phiên toà trực tuyến sẽ dần thay thế phiên toà lưu động và tiền đề cho việc xây dựng toà án điện tử trong tương lai.

Đề cao trách nhiệm bảo vệ mọi quyền lợi trẻ em, TAND tỉnh đã đầu tư cải tạo nội thất, hoàn thiện phòng xét xử thân thiện tổng mức đầu tư 482.640.000 đồng. Trong đó, ngân sách địa phương ủng hộ 200 triệu đồng, phần còn lại từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên.

Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW tại Đảng bộ TAND tỉnh còn một số hạn chế sau: Công tác tham mưu của Đảng bộ Toà án với đảng bộ cấp trên trong nhiệm vụ CCTP có phần còn chậm. Một số nội dung quan trọng của CCTP do thiếu nguồn lực nên việc triển khai thực hiện chưa triệt để, hiệu quả thấp. Chế độ, chính sách đối với cán bộ toà án chưa thực sự tương xứng với tính chất công việc, chưa có cơ chế thu hút cán bộ có trình độ, năng lực vào công tác toà án. Việc tranh tụng tại một số phiên tòa còn nhiều hạn chế, các thành tố có chức năng tranh tụng chưa có kỹ năng nhuần nhuyễn, trình độ tranh luận chưa đạt yêu cầu, kinh nghiệm tranh tụng còn hạn chế. Thẩm quyền của TAND trong việc giải quyết các vụ, việc ngày càng mở rộng; số lượng thụ lý và giải quyết các vụ, việc hằng năm tăng nhưng biên chế không tăng nên áp lực công việc quá cao; công tác giáo dục trách nhiệm, tình yêu công việc có lúc còn chưa kịp thời, dẫn đến số lượng công chức xin chuyển ngành, xin thôi việc có xảy ra.

Để công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ TAND tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ CCTP có kết quả cao hơn, cần tiếp tục quan tâm các nội dung:

Một là: Tiếp tục tổng kết rút kinh nghiệm, tham mưu cho Đảng và Nhà nước có chiến lược CCTP giai đoạn mới đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập, tham gia góp ý xây dựng thể chế và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới.

Hai là, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ CCTP, nâng cao chất lượng tham mưu của đảng bộ thông qua Ban cán sự đảng TAND tỉnh với Ban Chỉ đạo CCTP và tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo các cấp. Các cấp ủy đảng thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp ở địa phương.

Ba là, tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý ở các cơ quan tư pháp; tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng và đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp vững vàng về tư tưởng, chính trị, có trình độ năng lực và có đạo đức nghề nghiệp; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bốn là, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, quy hoạch bố trí quỹ đất đủ rộng, tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương và vốn đối ứng của địa phương để đầu tư xây dựng, nâng cấp và sửa chữa trụ sở làm việc của các cơ quan tư pháp đáp ứng yêu cầu khang trang, hiện đại, tạo cơ sở vật chất cho việc xây dựng toà án điện tử theo cam kết và thỏa thuận hội nhập quốc tế của nhà nước ta.