18 mô hình “Làng quê, khu phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, 3 mô hình “Gia đình hội viên phụ nữ không vi phạm pháp luật” đã cảm hóa, giáo dục cho hơn 50 thanh, thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội... là những kết quả nổi bật trong năm 2021 của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Những kết quả đó góp phần chung tay cùng lực lượng công an trong công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
![]() |
Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho thanh, thiếu niên -Ảnh: D.T |
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội là nhiệm vụ lâu dài nhằm góp phần hỗ trợ cán bộ, hội viên phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, các cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Các phong trào đều chú trọng đến những tiêu chí “gia đình không tội phạm, tệ nạn xã hội”, “không có cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia các vụ việc liên quan đến tín dụng đen” để từ đó triển khai kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư.
Với quan điểm xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, lấy gia đình làm cơ sở bền vững cho hoạt động phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, các cấp hội phụ nữ đã phối hợp tích cực với lực lượng công an trong đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết liên tịch 01 giữa Bộ Công an và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Nội dung, hình thức tuyên truyền luôn được chú trọng đổi mới. Trong đó tận dụng tối đa tính năng của các trang mạng xã hội để kịp thời thông tin về tình hình liên quan đến các loại tội phạm và tệ nạn xã hội cho cán bộ, hội viên biết để nâng cao tinh thần cảnh giác; giúp chị em phụ nữ có ý thức chủ động trong công tác quản lý, giáo dục con em trong gia đình; khuyến khích, vận động gia đình dành nhiều thời gian quan tâm đến con cái, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên.
Để làm tốt công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa người vi phạm tại cộng đồng dân cư, hội phụ nữ đã phối hợp với lực lượng công an tiến hành điều tra nguyên nhân, hoàn cảnh gia đình để phân loại và có định hướng tiếp tục vận động, hướng dẫn quản lý, giáo dục. Trong năm 2021, các chi hội phụ nữ đã phối hợp với Tổ an ninh nhân dân, gia đình theo dõi, nhận đỡ đầu, giúp đỡ và quản lý, giáo dục, cảm hóa hơn 50 cháu trên địa bàn toàn tỉnh có những biểu hiện vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đã tranh thủ nguồn lực, phối hợp với các ngành, đơn vị và tổ chức phi chính phủ triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên, điển hình như: Phối hợp với chương trình Save the Children, tổ chức Peace Trees Việt Nam tổ chức ngày hội truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm với nội dung “Chấm dứt các hình phạt về thể chất và tinh thần đối với trẻ em”; truyền thông phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tổ chức Diễn đàn đối thoại trẻ em gái; hội thảo đối thoại vận động chính sách giải quyết vấn đề “bảo vệ trẻ em an toàn khi sử dụng internet”… từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên, có biện pháp phòng tránh các loại tội phạm và tệ nạn xã hội cho bản thân, gia đình.
Hội Liên hiệp Phụ nữ cũng chú trọng công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và tệ nạn xã hội. Để thực hiện Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai xây dựng 18 mô hình “Làng quê, khu phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”; duy trì hiệu quả của các mô hình về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội như: “Không có con em và người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” tại Chi hội An Trú, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong; “Gia đình hội viên phụ nữ không vi phạm pháp luật” tại huyện Hải Lăng; Thôn không có tội phạm tại xã Mò Ó, huyện Đakrông; “Chi hội, tổ phụ nữ không có con em vi phạm pháp luật”; Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” …Thông qua các mô hình, câu lạc bộ đã góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội.
Những việc làm thiết thực của các cấp hội phụ nữ trong thời gian qua đã phát huy vai trò của cán bộ, hội viên phụ nữ quản lý và giáo dục con em trong các gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội; xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn cơ sở phát triển vững mạnh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Diệu Thúy