Những người “đưa đò” thầm lặng
(QT) - Hạnh phúc nhất của mỗi người giáo viên là ngày ngày được đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức, rèn luyện tác phong đạo đức, kỹ năng sống cho các em học sinh, đặc biệt là được nhìn thấy lớp lớp học sinh đạt nhiều thành tích cao trong học tập, trở thành người có ích cho xã hội. Đây cũng chính là động lực để họ tiếp tục vượt lên muôn vàn khó khăn, thách thức, cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”… Tấm lòng người thầy nơi biên cương Thầy giáo Hồ Văn Vỹ, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hướng Lập (Hướng Hóa, Quảng Trị) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh chị em ở xã Linh Thượng (Gio Linh). Anh luôn ấp ủ ước mơ là trở thành người giáo viên để thực hiện đến những vùng sâu, vùng xa truyền đạt kiến thức cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn .
 |
Thầy giáo Hồ Văn Vỹ luôn dành tình cảm đặc biệt cho học sinh vùng cao |
Thầy Vỹ chia sẻ, con đường thực hiện ước mơ của anh không bằng phẳng mà luôn chông chênh, thậm chí là đã có lần phải dang dở. Sau 12 năm đèn sách, vì hoàn cảnh gia đình nên anh không có điều kiện đi thi đại học. Anh buồn lắm, nhưng cũng tự nhủ là không bỏ cuộc mà sẽ thực hiện khi có điều kiện. Sau 2 năm vất vả mưu sinh với nhiều công việc khác nhau như đi phụ hồ, cửu vạn... anh Vỹ tích cóp được một số tiền để tiếp tục dự thi đại học. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển Trường Đại học Sư phạm Huế, Vỹ vui mừng lắm. 4 năm học là quãng thời gian ghi dấu nhiều khó khăn, vất vả nhưng thật đẹp với chàng trai Vân Kiều. Những kỳ nghỉ hè, Vỹ mở nhiều lớp dạy miễn phí cho các em học sinh ở quê hương, giúp các em tiến bộ trong học tập, đặc biệt là hướng các em tới tương lai tương sáng bằng con chữ. Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời thầy giáo Vỹ chính là được nhận vào dạy học ở Hướng Lập. Trên đường đi nhận quyết định của Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, Vỹ đã gặp, rồi nên duyên vợ chồng với cô giáo mầm non người Vân Kiều, hiện hai người đã có với nhau hai “thiên thần” nhỏ tuổi. Dẫu cách xa về mặt địa lý, nhưng những ngày cuối tuần, họ vẫn đều đặn gặp nhau trong hạnh phúc gia đình. Hôm chúng tôi vượt đèo Sa Mù đến Hướng Lập, được nghe giáo viên và người dân địa phương kể nhiều về thầy Vỹ với tấm lòng hết mình vì học sinh nơi biên cương. Anh tâm sự: “Tôi rất vui mỗi khi thấy các em đến lớp đầy đủ, chăm chỉ học bài và có tiến bộ trong học tập. Khi các em không đến lớp, tôi lo lắng lắm, hỏi han các bạn trong lớp về nguyên nhân. Kết thúc buổi học, tôi lập tức trèo đèo, lội suối để tìm đến nhà, vận động các em trở lại trường. Đa số những em nghỉ học đều vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ muốn dựng vợ gả chồng, hoặc phải đi làm sớm chăm lo cho gia đình... Những lúc đó, tôi giải thích cho họ hiểu rõ tầm quan trọng của việc học đối với tương lai các em, và lúc đó, tôi lấy mình ra làm gương để tuyên truyền, vận động. Nhiều bậc phụ huynh sau khi nghe những lời nói thấu tình đạt lý và vì tương lai con em nên đã đồng ý cho con trở lại trường, với ước mơ các em sẽ đổi đời ở vùng biên cương bằng con chữ”. Hướng các em tới chân trời tươi sáng Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thắm vui vẻ cho biết, hai thời khắc đặc biệt mà cô không thể nào quên trong đời đó là nhận giấy báo trúng tuyển Trường CĐSP Quảng Trị và quyết định về công tác tại Trường Tiểu học Hàm Nghi (Đông Hà).
 |
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thắm rèn luyện chữ viết cho học sinh |
Trong quá trình công tác, cô giáo Thắm không ngừng đổi mới, đưa ra nhiều phương pháp dạy học phù hợp với từng học sinh có học lực, tính cách, sức khỏe yếu, bị khuyết tật khác nhau. Cô Thắm nhấn mạnh, dạy học ở lớp 1 gặp nhiều khó khăn, vất vả, bởi đây là bước ngoặt quan trọng khi các em chuyển từ bậc mầm non sang, tiếp cận với một môi trường hoàn toàn mới. Vì thế, giáo viên ngay từ bước đầu tiên phải rèn luyện cho các em tác phong, đạo đức, ý thức học tập, rèn luyện và kỹ năng sống. Một khi đã trang bị chuẩn kiến thức, kỹ năng ở lớp 1, chắc chắn các em sẽ tự tin đi tiếp những nấc thang cao hơn và gặt hái kết quả tốt đẹp hơn. Thành tích ấn tượng của cô Thắm chính là sáng kiến “Giáo viên chủ nhiệm giỏi lớp 1” và “Luyện viết chữ đẹp cho học sinh lớp 1” được các cấp, ngành ghi nhận, đánh giá cao. Cô cho biết, sáng kiến “Giáo viên chủ nhiệm giỏi lớp 1” là đưa ra nhiều cách thức, biện pháp thực hiện, chương trình hành động cụ thể như: Đầu năm học, tổ chức họp phụ huynh, nắm hoàn cảnh từng gia đình, thể chất, tích cách, tâm lý, sức khỏe của các em. Xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ giữa giáo viên chủ nhiệm, nhà trường và phụ huynh trong giáo dục, quản lý học sinh. Đưa ra phương pháp học tập phù hợp cho các em, không tạo ra áp lực, thường xuyên động viên, khuyến khích các em vươn lên. Về rèn luyện chữ viết đẹp, đây là công việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ vì thành tích trong học tập, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mà quan trọng hơn đó là rèn luyện cho các em ý thức, tính cẩn thận, sáng tạo, kiên trì và tính thẩm mỹ. Trong đó, vai trò của giáo viên rất quan trọng, vì thế, giáo viên nỗ lực hết mình để đạt “chuẩn mực”, gương mẫu cho các em noi theo. 13 năm công tác, cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thắm được các cấp tuyên dương, khen thưởng vì có nhiều thành tích trong giảng dạy. Nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh. Phần thưởng lớn nhất cho cống hiến thầm lặng của cô chính là mang đến nhiều điều tốt đẹp nhất cho các em học sinh được phát triển toàn diện, hướng tưới chân trời mới tươi đẹp. Bài, ảnh: NGUYỄN MINH ĐỨC