Nông dân với hàng Việt Nam
(QT) - Sau khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai, qua việc tuyên truyền, vận động, người dân đã hiểu rõ hơn về lợi ích khi sử dụng hàng Việt, các doanh nghiệp trong nước cũng tăng cường cải tiến mẫu mã, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Từ đó, nông dân bắt đầu hướng đến các sản phẩm máy móc do Việt Nam sản xuất. Sau 2 vụ sử dụng máy gặt đập liên hợp nội địa, anh Lê Trực, thôn 1, xã Hải Thiện (Hải Lăng, Quảng Trị) rất hài lòng bởi chính những tính năng ưu việt của máy. Theo anh Trực, máy gặt đập của Việt Nam sản xuất có giá rẻ hơn hàng nhập ngoại (máy gặt đập Việt Nam giá khoảng 240-250 triệu/ cái, máy của nước ngoài sản xuất có giá trên 300 triệu); trọng lượng khá nhẹ (2 tấn), kết cấu gọn nên việc di chuyển máy được thực hiện khá dễ dàng, rất thích hợp ở các vùng ruộng trũng Hải Lăng.
 |
Máy gặt đập liên hợp do Việt Nam sản xuất được nông dân đánh giá cao và lựa chọn sử dụng |
Mặt khác, khi mua hàng do Việt Nam sản xuất, người mua được hưởng chế độ bảo hành và một số chương trình khuyến mãi, hậu mãi hấp dẫn. Trong quá trình sử dụng, máy trong nước sản xuất luôn có thiết bị thay thế nên khi hư hỏng dễ sửa chữa. Anh Lê Văn Hạnh, HTX Thiện Tây, Hải Thiện cho biết: “Ngoài ưu điểm về sự tiện dụng, khi mua hàng Việt, người tiêu dùng còn được ưu tiên vay vốn có hỗ trợ lãi suất. Mua máy gặt đập liên hợp trị giá 240 triệu đồng, chúng tôi được vay 150 triệu đồng, 2 năm đầu được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất 100%. Bình quân 1 vụ thu khoảng 70 triệu đồng, nếu thời tiết thuận lợi, trong vòng 2 năm, chúng tôi sẽ trả hoàn trả vốn ngân hàng”. Đến thời điểm này, toàn xã Hải Thiện đã sắm được 3 máy gặt đập liên hợp do Việt Nam sản xuất, phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Không chỉ máy gặt, các loại máy cày do Việt Nam sản xuất cũng dần chinh phục nông dân bằng chính các tính năng vượt trội của nó. Qua 2 năm sử dụng máy cày nội địa, ưu điểm lớn nhất mà anh Nguyễn Thái Sơn, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị nhận thấy chính là sự tiện lợi. Một chiếc máy có thể đáp ứng khá nhiều chức năng như cày được cả trên đất khô và đất ướt, cua góc dễ dàng, phù hợp với địa hình ruộng gò đồi... Là vùng gò đồi nên ruộng đất ở xã Hải Lệ bị chia cắt thành nhiều vùng với độ cao khác nhau, trước đây, khi sử dụng máy cày Trung Quốc việc di chuyển rất khó khăn, cần đến nhiều nhân lực. Sau khi đưa vào sử dụng máy cày của Việt Nam, việc di chuyển được thực hiện thuận lợi hơn do trọng lượng máy nhẹ, dễ lắp ráp các bộ phận phù hợp với từng chân đất. Đồng thời, máy cày trong nước sản xuất thường dễ sửa chữa, lắp ráp và tiết kiệm nhiên liệu. Ngoài máy cày, nhiều nông cụ, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp khác cũng được người dân địa phương này ưu tiên sử dụng hàng nội địa vì chất lượng đảm bảo, giá thành phù hợp như phân bón, thuốc BVTV… Để nông dân nâng cao ý thức trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, các cấp, ban, ngành, hội liên quan đã chủ động vào cuộc, triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến tận cơ sở. Từ đó, cuộc vận động nhanh chóng trở thành một phong trào rộng lớn, được người dân đồng tình ủng hộ. Hội Nông dân tỉnh đã triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, thành lập ban chỉ đạo cuộc vận động trong hệ thống chi hội để chỉ đạo các cấp hội và nhân dân thực hiện. Khuyến khích các cấp hội khi mua sắm các trang thiết bị, hàng hóa đặc biệt chú ý đến hàng do Việt Nam sản xuất. Phối hợp với các doanh nghiệp trong nước giúp nông dân mua sắm các sản phẩm chất lượng như máy móc, phân bón, thuốc BVTV…với nhiều hình thức như trả chậm, cho vay vốn. Ngoài ra, Hội cũng đã hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ KHKT, dạy nghề, giúp nông dân tiếp tục sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu. Tính đến nay, Hội đã tổ chức 314 buổi tập huấn chuyển giao KHKT cho 15.752 lượt hội viên tham gia nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản về sản xuất nông sản chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân mua hàng hóa sản xuất trong nước với 1.000 tấn phân bón các loại, 1.500 tấn thức ăn chăn nuôi, 250 máy nông-ngư-cơ, mua sắm trang thiết bị tiêu dùng… Từ đó, ý thức của nông dân trong sử dụng hàng Việt đã thay đổi rõ rệt, khi mua sắm, người tiêu dùng chú ý nhiều hơn đến thương hiệu, chất lượng hàng hóa, ngày sản xuất và hạn sử dụng…Có sự so sánh về chất lượng, giá cả với các sản phẩm tương đương trên thị trường để chọn ra sản phẩm tốt nhất. Biết cảnh giác, phân biệt các sản phẩm hàng nhái, hàng giả. Qua thực tế sử dụng, người dân cũng dần nhận ra tính ưu việt của hàng hóa nội địa và ngày càng có nhiều người có nhu cầu sử dụng các sản phẩm do Việt Nam sản xuất. Về phía các doanh nghiệp, đơn vị liên quan cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân sử dụng hàng Việt Nam. Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Công Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT Chi nhánh Quảng Trị cho biết: “Thực hiện Quyết định số 63/2010/QĐ- TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, theo đó, các khoản vay hỗ trợ lãi suất để mua các loại máy móc, thiết bị được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu và 50% từ năm thứ ba trở đi (chỉ áp dụng cho trả nợ trước, trong hạn), Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT Quảng Trị đã triển khai thực hiện kịp thời, tạo điều kiện cho nông dân, các doanh nghiệp trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, góp phần thực hiện sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn. Từ tháng 6/2011 đến nay, chi nhánh đã cho nông dân trong tỉnh vay hỗ trợ lãi suất trên 1,8 tỷ đồng mua 12 máy gặt đập liên hợp các loại do Việt Nam sản xuất”. Bài, ảnh: LỆ NHƯ