(NNVN) - Đã lâu lắm rồi người nuôi tôm ở Bắc Phước (Bắc Phước gồm có 3 thôn Dương Xuân, Duy Phiên và Hà La), xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) mới có được một vụ mùa tôm bội thu.
Mấy hôm nay trên những cánh đồng nuôi tôm Bắc Phước vui như hội, bất chấp cái nóng, cái gió lào như muốn thiêu trụi cỏ cây, nhưng không thể làm dịu đi không khí sôi động trên những cánh đồng tôm đang vào vụ thu hoạch. Người thu tôm, người mua tôm, dân làng đổ xô ra vùng tôm để thu hoạch. Rong ruổi trên những cánh đồng nuôi tôm đang vào vụ thu, chúng tôi như được chia phần vui cùng người dân nơi đây. Đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt đen sạm, dạn dày nắng gió...
Anh Nguyễn Hữu May - một người nuôi tôm ở thôn Hà La, Triệu Phước phấn khởi nói với tôi: "Sau hơn 3 tháng nuôi, hôm nay tui mới thực sự thở phào nhẹ nhõm như vừa trút đi một gánh nặng trên lưng. Ròng rã suốt hơn 90 ngày không đêm nào ngủ ngon cả, và mỗi khi tôm lơ ăn cả nhà tui cũng bỏ bữa theo tôm. Tôm bơi lội khỏe, "thở" mạnh mới biết được con tôm đang yên hàn vô sự, còn không là nguy cơ dịch bệnh ập đến và trắng tay lúc nào không hay. Nhất là vào tháng nuôi cuối cùng, một ngày phải đầu tư thức ăn hàng triệu đồng vào một hồ nuôi tôm". Nỗi lo qua rồi đổi đắp vào đó là niềm vui, niềm phần khởi trước sự ăn chắc sau một mùa nuôi tôm nhiều gian khổ.
Vụ nuôi tôm năm nay hộ anh May đầu tư hai hồ, mỗi hồ có diện tích mặt nước khoảng 3.000 m 2 (hộ có diện tích nuôi lớn nhất trong vùng). Sau ba tháng thả nuôi tôm thẻ chân trắng (từ tháng 3 đến tháng 6/2009), với mật độ 30-35 con/m 2 , đến nay anh đã thu hoạch, tổng sản lượng cả hai hồ đạt hơn 1 tấn tôm, bình quân 85 con/kg, giá trị hơn 50 ngàn đồng/kg, tổng giá trị thu lại hơn 50 triệu đồng, trừ chi phí xong các khoản còn lãi ròng hơn 20 triệu đồng. Anh May cho biết: Gia đình anh phát triển nghề nuôi tôm công nghiệp từ năm 2002, và chủ yếu là nuôi tôm sú, sau nhiều vụ nuôi hiệu quả đem lại không cao, vụ nào lãi cao nhất chỉ đạt 3-5 triệu, thậm chí có nhiều vụ bị thua lỗ.
Quả đúng vậy, không riêng gì hộ anh May mà phần lớn các hộ nuôi tôm ở đây đều vậy cả, nguyên nhân là do vùng đất ở đây nằm cuối nguồn sông Thạch Hãn, chỉ cách cửa biển vài cây số, do vậy chỉ mới đầu hè-mùa gió lào thổi là độ mặn trên dòng sông tăng cao lên gấp nhiều lần so với những nơi khác, mặt khác đất đai ở đây bị nhiễm mặn lâu ngày, trong khi đó nguồn nước ngọt để bổ sung hoàn toàn không có... Thất bại nối tiếp thất bại, nhưng với ý chí bền bỉ, chịu thương chịu khó nhiều người nuôi tôm công nghiệp ở Bắc Phước đã tìm hướng nuôi khác.
Đầu năm 2009, bước vào nuôi tôm chính nhiều hộ dân Bắc Phước đã chuyển từ nuôi tôm sú qua nuôi tôm thẻ chân trắng, trong đó thôn Hà La có 13 hộ nuôi với diện tích 6,5 ha; thôn Dương Xuân nuôi hơn 12 ha. Trước khi nuôi tôm thẻ chân trắng, người nuôi tôm ở Bắc Phước đã "khăn đùm gạo bới" đến các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng có hiệu quả trong tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Tại thôn Dương Xuân, ngay trong vụ nuôi tôm trái năm 2008 dân đã tiến hành nuôi thử nghiệm một mô hình tôm thẻ chân trắng, thấy hiệu quả khả quan so với nuôi tôm sú.
Anh Nguyễn Kỳ, người nuôi tôm ở thôn Dương Xuân (là người mạnh dạn nuôi mô hình thử nghiệm tôm thẻ chân trắng) cho biết: Nuôi tôm thẻ chân trắng tốn thức ăn nhiều hơn tôm sú đến gần 2 lần, nhưng giống tôm này kháng bệnh tốt hơn, năng suất rất cao, đặc biệt chúng sống được cả hai môi trường nước lợ và mặn (rất phù hợp với vùng đất Bắc Phước). Tại thôn Dương Xuân, tổng sản lượng tôm thu được khoảng 25 tấn, bình quân mỗi hộ lãi 20 triệu đồng. Tại thôn Hà La tổng sản lượng tôm đạt 15 tấn, mỗi hộ lãi từ 7 đến 20 triệu đồng. Các hộ lãi nhiều như hộ anh Nguyễn Kỳ (thôn Dương Xuân) lãi 27 triệu đồng, anh Nguyễn Văn Căn (Dương Xuân) lãi 25 triệu đồng; hộ anh Nguyễn Hữu May (Hà La) lãi trên 20 triệu, hộ anh Nguyễn Văn Cảm (Hà La) lãi 15 triệu đồng...
Dù có một vụ mùa nuôi tôm có hiệu quả, song nghề nuôi tôm ở Bắc Phước còn đặt ra nhiều vấn đề cần lưu tâm. Thực tế cho thấy, bất luận nuôi con gì theo mô hình công nghiệp mà kiểm soát không tốt thì nguy cơ dịch bệnh rất cao và lây lan rất nhanh. Nguyên nhân chủ yếu xoay quanh các yếu tố như con giống, môi trường, kỹ thuật...
Nuôi tôm ở Bắc Phước cho thấy phần lớn bà con đúc rút qua kinh nghiệm là chính. Khâu chọn con giống phần lớn không qua kiểm nghiệm của cơ quan chức năng; hệ thống ao hồ nuôi chưa đúng quy trình, nhất là khâu xử lý lấy nước vào hồ và thải nước ra môi trường đang còn hết sức đơn thuần, chỉ bằng hình thức trực tiếp... Chính những yếu tố này dễ dẫn đến gây nên dịch bệnh, bởi nếu trong vùng nuôi tôm chỉ cần có một hồ tôm bị bệnh, đồng nghĩa là nước của hồ đó cũng chứa mầm bệnh, và khi thải nước này ra mà không qua xử lý sẽ mang theo mầm bệnh hòa vào môi trường chung làm lây lan dịch bệnh. Hữu Tiến