Bám sát thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo
Thấy rõ tầm quan trọng của khâu tổ chức thực hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nếu ra nghị quyết là một thì khâu chỉ đạo tổ chức thực hiện (TCTH) phải là mười, hai mươi, ba mươi.  Khâu chỉ đạo TCTH thiếu sâu sát, cụ thể, buông lơi kiểm tra thì tính khả thi của nghị quyết hạn chế.   Bám sát thực tiễn cuộc sống để lãnh đạo, chỉ đạo không chỉ giúp cấp uỷ nắm chắc tình hình thực tiễn, xem nghị quyết đi vào cuộc sống như thế nào mà còn hiểu thấu tâm tư, nguyện vọng của dân chúng để phản ánh cho ...

Bám sát thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo

Thấy rõ tầm quan trọng của khâu tổ chức thực hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nếu ra nghị quyết là một thì khâu chỉ đạo tổ chức thực hiện (TCTH) phải là mười, hai mươi, ba mươi. Khâu chỉ đạo TCTH thiếu sâu sát, cụ thể, buông lơi kiểm tra thì tính khả thi của nghị quyết hạn chế. Bám sát thực tiễn cuộc sống để lãnh đạo, chỉ đạo không chỉ giúp cấp uỷ nắm chắc tình hình thực tiễn, xem nghị quyết đi vào cuộc sống như thế nào mà còn hiểu thấu tâm tư, nguyện vọng của dân chúng để phản ánh cho Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán một số cán bộ lãnh đạo mắc bệnh quan liêu, ít coi trọng chỉ đạo thực tiễn. Người nói, “Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không” . Hệ quả của căn bệnh quan liêu xa rời thực tiễn thể hiện rất rõ, ảnh hưởng đến chất lượng lãnh đạo của cấp uỷ, dẫn tới “cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng xa rời nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra”. Bám sát thực tiễn vừa là yêu cầu, vừa là mục đích trong hoạt động lãnh đạo của cấp uỷ, do đó trước hết phải tạo chuyển biến nhận thức trong từng cấp uỷ, cán bộ, đảng viên phải đổi mới nội dung, phương thức, phương châm tổ chức chỉ đạo thực tiễn. Hướng chung là phải tăng cường bám sát cơ sở, hiểu và nắm được vấn đề cơ bản, thúc bách của cơ sở, của nhân dân, từng bước giảm tải các cuộc họp không cần thiết. Cán bộ lãnh đạo phải đi sâu đi sát, tăng cường đối thoại với dân để vừa nắm thông tin, vừa giải quyết kịp thời những vướng mắc, kiến nghị của dân theo chức năng, thẩm quyền của từng cá nhân, tổ chức. Thông qua đối thoại dân chủ, chân tình giúp chủ thể và đối tượng cảm thông chia sẻ những khó khăn, cách làm, để đi đến sự đồng thuận trong nhận thức và hành động; đồng thời gợi mở cho cấp uỷ tìm kiếm những phương án, giải pháp hợp quy luật, hợp lòng dân để TCTH có hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên: “Phải đến tận nơi kiểm tra, đôn đốc và phải đi đúng đường lối quần chúng, không được quan liêu, chỉ lãnh đạo phong trào trên giấy tờ”. Trong chỉ đạo TCTH cần coi trọng cá thể hoá cá nhân phụ trách, khắc phục tình trạng “nhiều sư không ai đóng cửa chùa”. “Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc”. Cán bộ phụ trách cần nêu cao trách nhiệm, dám chịu trách nhiệm, tận tuỵ hết lòng vì công việc, vì tập thể, vì nhân dân. Bác yêu cầu: “Người lãnh đạo phải tự mình chỉ đạo những người phụ trách trong bộ phận đó, giúp họ giải quyết những vấn đề thực tế, để rút kinh nghiệm”. Song cá nhân phụ trách cần gắn kết trong mối quan hệ với tập thể lãnh đao; bởi vậy cần xác lập quy chế loại công việc nào cá nhân phụ trách được quyền xử lý, quyết định, loại công việc nào cần phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp uỷ, thường vụ. Làm được như vậy sẽ có cơ sở để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Thực tiễn cuộc sống luôn biến đổi không ngừng, “có việc trước mắt thành công, nhưng thất bại về sau” nên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp uỷ cần tổ chức làm điểm, rút kinh nghiệm rồi mới nhân ra diện rộng, nhất là trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lựa chọn cây trồng, vật nuôi. Cách làm này sẽ khắc phục được chủ quan duy ý chí, trù liệu được những vấn đề nảy sinh ngoài dự kiến. Nên chăng định kỳ, các cấp uỷ Đảng cần tổ chức rút kinh nghiệm về cách lãnh đạo, tổ chức chỉ đạo thực tiễn. Đây là cơ sở để từng bước hoàn thiện phương thức lãnh đạo của cấp uỷ mang tính khoa học, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, sát với thực tiễn cuộc sống hơn. Các cấp uỷ Đảng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc TCTH. Có kiểm tra mới kịp thời phát hiện những sơ hở của chủ trương, nghị quyết, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của CB, ĐV, mới hiểu rõ những tâm tư, kiến nghị của dân chúng. Bác Hồ khái quát: Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra; khéo kiểm soát bao nhiêu khuyết điểm sẽ lòi ra. Bác Hồ chỉ rõ: “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Đây là cách thức lãnh đạo cực kỳ tốt, có hiệu quả. Nhờ đúc kết tổng kết thực tiễn nên theo Người: Nơi nào công việc kém, là vì cán bộ cách xa dân chúng, không cùng dân chúng bàn bạc, không giải thích. Từ những ý kiến rời rạc, kinh nghiệm, kiến nghị đề xuất của nhân dân, gom góp, phân tích, nghiên cứu nó, khái quát nó thành những vấn đề mang tính quy luật có tính phổ biến để rồi tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, biến nó thành ý kiến đa số của quần chúng. Vì vậy, Người yêu cầu: “Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa” . TS Nguyễn Thế Tư ---------