Cho ngày mai tươi sáng hơn (kỳ 2)
(QT) - Nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2011, kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947 - 2011), được sự nhất trí của lãnh đạo tỉnh, ngày 27/7/2011, Hội đồng giải thưởng Trần Hành tổ chức lễ trao giải thưởng cho 178 học sinh giỏi cấp THPT (trong đó có 30 học sinh đoạt giải quốc gia các môn văn hóa; 33 học sinh có kết quả học tập, rèn luyện cao nhất trường; 25 học sinh đoạt giải nhất và 90 học sinh đoạt giải nhì các môn văn hóa tỉnh) và đỡ đầu dài hạn cho 35 học sinh có hoàn ...

Cho ngày mai tươi sáng hơn (kỳ 2)

(QT) - Nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2011, kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947 - 2011), được sự nhất trí của lãnh đạo tỉnh, ngày 27/7/2011, Hội đồng giải thưởng Trần Hành tổ chức lễ trao giải thưởng cho 178 học sinh giỏi cấp THPT (trong đó có 30 học sinh đoạt giải quốc gia các môn văn hóa; 33 học sinh có kết quả học tập, rèn luyện cao nhất trường; 25 học sinh đoạt giải nhất và 90 học sinh đoạt giải nhì các môn văn hóa tỉnh) và đỡ đầu dài hạn cho 35 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập và rèn luyện năm học 2010 - 2011. Giải thưởng do Tiến sĩ Trần Hành, Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) tài trợ. Bắt đầu từ số báo này, Báo Quảng Trị điện tử xin giới thiệu một số gương mặt được nhận giải thưởng Trần Hành - 2011. Cậu học trò vùng cao hiếu học

Tin, bài liên quan:
>>> Cho ngày mai tươi sáng hơn (kỳ 1)
Trong khi nhiều học sinh vùng cao quan niệm chỉ cần đọc thông, viết thạo là đủ thì em Hồ Văn Sợi, học sinh lớp 11B1, Trường THPT A Túc (Hướng Hóa, Quảng Trị) không bằng lòng với điều đó. Em luôn nỗ lực học tập để tích lũy thật nhiều kiến thức. Bức tường nhà Sợi giờ đã dán đầy những tấm giấy khen. Em cũng vinh dự là học sinh có thành tích học tập cao nhất trường năm học 2010-2011 (8,0 điểm). Sợi sinh ra trong một gia đình đông anh em. Bố mẹ quanh năm lam lũ trên nương nhưng cả nhà vẫn phải chạy gạo từng bữa. Thế nhưng, bố mẹ Sợi vẫn cố gắng vay mượn khắp nơi để cho 8 người con được đến trường. Cứ mỗi mùa khai giảng, thấy tóc bố mẹ lại bạc thêm, lòng Sợi như quặn thắt. Em tâm sự: “Bố mẹ chưa bao giờ kể khổ mà lúc nào cũng động viên chúng em. Thấy tóc bố mẹ ngày một bạc, da đen sạm vì nắng, chúng em đều tự nhủ phải cố gắng học tập sao cho giỏi giang”.

Em Hồ Văn Sợi.

Cuộc sống khó khăn không ngăn được quyết tâm của Sợi. Hàng ngày, ngoài giờ học, em tự giác lo liệu việc nhà, quăng quật rẫy nương, thậm chí đi làm thuê. Trong khi nhiều học sinh dành thời gian nghỉ hè để vui chơi thì Sợi lại xem đó là mùa mưu sinh. Quãng thời gian này, em cố làm việc gấp đôi, kiếm tiền để chuẩn bị hành trang cho năm học mới. Mỗi lần tiết kiệm được một khoản nhỏ, Sợi lại chia làm ba phần, hai phần em đưa cho bố mẹ, còn một phần giữ lại và tích lũy dần dần để mua sách vở. Cậu bé người Pa kô chỉ thở phào nhẹ nhõm khi có đủ sách vở trước mỗi mùa khai trường. Luôn nghĩ rằng hạnh phúc lớn nhất là được đến trường nên Sợi không cho phép mình sao nhãng trong học tập. Ngoài tập trung nghe giảng trên lớp, em còn tích cực trao đổi với bạn bè, mượn sách nâng cao của thầy cô, theo dõi các chương trình ôn thi trên truyền hình. Không có nhiều thời gian nên Sợi tranh thủ từng giây, từng phút để ôn bài. Lúc nào lên nương, em cũng gói mấy quyển sách trong túi ni-lon và đem theo để tranh thủ lúc nghỉ ngơi mà học. Hàng xóm thấy sự nỗ lực của Sợi nên lúc nào cũng bảo con cháu: “Đấy! Chẳng đi đâu xa, chỉ cần lấy gương của thằng Sợi mà học là được rồi”. Sự nỗ lực trong học tập đã giúp Sợi đạt những thành công đầu tiên. Suốt 11 năm qua, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến với kết quả học tập dẫn đầu trường. Nhưng, thành công nhỏ ấy chưa làm Sợi hài lòng. Cậu học trò nghèo của thôn Kỳ Nơi (xã A Túc) nghĩ rằng, mình cần phải cố gắng học chăm hơn nữa để chạm đến cái đích trước mắt là cánh cửa đại học. Tin vào ngày mai Cầm nén hương đứng trước bàn thờ mẹ, em Nguyễn Thị Thu Hằng ở thôn Lan Đình, xã Gio Phong, Gio Linh nghẹn ngào: “Mẹ ơi! Con đã thực hiện lời hứa với mẹ rồi. Năm nay, con còn được sinh viên giỏi nữa”. Bao giờ cũng vậy, hễ gặp chuyện vui buồn gì, Hằng cũng tâm tình với mẹ như thời bà còn sống. Cô bé mồ côi tin rằng mẹ luôn ở bên cạnh, dõi theo từng bước tiến của chị em mình. Thế nên, Hằng luôn nỗ lực gấp đôi trong học tập cũng như cuộc sống. Đến giờ, Hằng vẫn không quên ngày bố xách ba lô rời bỏ gia đình. Lúc ấy, bố thậm chí chẳng quay đầu lại, như muốn lảng tránh những ánh mắt ngơ ngác và tiếng khóc đứt quãng. Gia đình vắng bóng người trụ cột, mẹ Hằng phải gồng mình để nuôi bốn chị em ăn học. Nhưng, dẫu mẹ đã cố gắng đến kiệt sức, gia đình em vẫn rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau.

Em Nguyễn Thị Thu Hằng.

Hai chị đầu của Hằng phải lần lượt bỏ học để vào Nam kiếm kế sinh nhai. Ngôi nhà nhỏ vốn đã neo người, nay càng vắng vẻ. Hằng tâm sự: “Lúc đó ở nhà chỉ có mẹ và hai anh em. Nhiều hôm, em đang ngủ thì giật mình tỉnh dậy vì nghe tiếng mẹ khóc. Thấy em lo lắng, mẹ bảo chỉ cần con ngoan, học giỏi thì từ nay mẹ sẽ không khóc nữa”. Nghe lời mẹ, Hằng lao vào đèn sách. Hàng năm, điểm trung bình của em luôn dẫn đầu lớp. Không những thế, cô bé hạt tiêu này còn là một lớp trưởng gương mẫu, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Đối với Hằng, tất cả nỗ lực ấy nhằm mục đích lớn nhất là để hàng đêm mẹ không còn lặng lẽ khóc. Cuối năm lớp 12, nhận tấm giấy khen học sinh giỏi nhưng Hằng hụt hẫng vô cùng. Bởi, em chẳng bao giờ còn thấy nụ cười nở trên môi mẹ nữa. Sống trong nặng trĩu âu lo, mẹ Hằng lâm trọng bệnh. Nhưng, bà cắn răng chịu đựng những cơn đau cho đến khi bệnh tình đã quá nặng không thể cứu chữa được. Trước lúc qua đời, mẹ không quên cầm tay Hằng trăng trối: “Con phải gắng học, cố gắng biến ước mơ thành hiện thực. Nhà mình chỉ còn hy vọng vào con nữa thôi. Tương lai của con sẽ tươi sáng hơn mẹ”. Lời dặn của mẹ là động lực để Hằng thêm quyết tâm trở thành sinh viên. Thế nhưng, Hằng sớm nhận ra, dẫu bán cả ngôi nhà tuềnh toàng này cũng chẳng đủ để mình tiếp tục ăn học. Không còn cách nào khác, em cố gắng bám mấy sào ruộng nhà; nhịn từng bữa ăn; làm thuê, cuốc mướn khắp nơi... với hy vọng biến ước mơ thành hiện thực. Ngày Hằng bắt xe vào Huế thi đại học, số tiền ít ỏi trong tay em đều do bà con chòm xóm ủng hộ hoặc cho vay. Giờ đây, Hằng đã là sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Sư phạm Huế. Không chỉ đỗ đại học với kết quả cao, em còn nỗ lực học tập và trở thành sinh viên giỏi. Để đạt được thành quả ấy, Hằng phải nỗ lực gấp đôi bạn bè đồng trang lứa. Em chăm chỉ làm thêm, chắt bóp chi tiêu, tiết kiệm từng khoản học bổng... Hằng bộc bạch: “Giờ đây, em học không chỉ cho mình nữa. Em sẽ cố gắng để mẹ ở dưới kia và các anh chị tự hào về mình, để ngày mai của em sẽ tràn ngập niềm vui như ước nguyện của mẹ”. Cô học trò đam mê những con số Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng, môn Toán là thế mạnh của nam giới. Thế nhưng, Văn Thị Linh Hà ở phường 3, thành phố Đông Hà (học sinh lớp 12 toán, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) lại chứng minh một điều hoàn toàn khác. Không chỉ có điểm số cao ngất ngưởng ở môn học này, Hà còn đạt thành tích đáng nể trong các kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh. Từ nhỏ, Hà sớm say mê với những con số, phép tính. Mẹ Hà kể lại, mỗi lần được giao một bài toán khó, em lại hí hoáy cố giải cho bằng được. Càng lớn, Hà càng chứng tỏ năng khiếu đặc biệt. Em luôn có thành tích học tập dẫn đầu lớp ở môn học này và khiến thầy cô, bạn bè rất ngạc nhiên với khả năng tư duy của Hà.

Em Văn Thị Linh Hà.

Đặc biệt, Hà ít khi vừa lòng với đáp án đúng của các bài toán mà luôn cố gắng tìm ra cách giải hay nhất, ngắn nhất. Thế mới có chuyện năm thi vào THPT, Hà đã òa lên khóc nức nở khi phát hiện cách giải của mình dài hơn các bạn. Dẫu điểm số môn toán trong kỳ thi này của Hằng là 9,75 nhưng em vẫn rấm rứt mãi. Cô học sinh giỏi lý giải bình dị: “Em nghĩ chỉ cần có đam mê và phương pháp học phù hợp thì môn Toán không hề khó. Em thường tập trung vào bài giảng của thầy cô, trao đổi với bạn, sưu tầm các tài liệu hay”. Đó là lý do để suốt 12 năm học, điểm tổng kết môn Toán của Hà thấp nhất cũng 9,7. Đặc biệt, em còn đại diện học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tham dự các kỳ thi học sinh giỏi. Năm lớp 11, Hà đoạt giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi môn Toán cấp tỉnh. Chưa hài lòng với kết quả ấy, em đã nỗ lực hơn và rồi trở thành một trong những nữ sinh hiếm hoi đoạt giải nhất môn Toán trong kỳ thi học sinh giỏi năm học này. Cầm bảng điểm tổng kết của Hà, hầu như ai cũng ngạc nhiên khi thấy kết quả học tập các em ở các môn khá đều. Khác với nhiều học sinh chuyên ban, Hà không xem bất cứ môn nào là phụ. Thế nên, hầu như năm nào điểm tổng kết của em cũng trên ngưỡng 9,0. Đặc biệt, Hà rất yêu môn văn và có thể sáng tác thơ. Với kết quả học tập xuất sắc, Hà vinh dự đoạt nhiều giải thưởng, học bổng danh giá. Vừa qua, em và một người bạn đã đạt giải nhất cuộc thi Chinh phục trên sóng truyền hình Quảng Trị. Ngoài ra, cô học trò say mê môn Toán này còn được nhận học bổng Niềm hy vọng, Nguyễn Văn Đạo, Trần Hành... Hiện tại, Hà vừa hoàn thành xong kỳ thi đại học. Em khá hài lòng với bài làm của mình và mong muốn trước mắt là trở thành một tân sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. (Còn nữa) Bài, ảnh: QUANG HIỆP