Quảng Trị, mùa thu năm ấy...
(QT) - 70 năm đã qua kể từ ngày đất nước giành được độc lập, tự do nhưng ký ức về những ngày Cách mạng Tháng Tám lịch sử vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những chứng nhân lịch sử…
.jpg) |
Một góc thị xã Quảng Trị ngày nay |
Trong ngôi nhà đã cũ ở ngõ 69 đường Lê Lợi, thành phố Đông Hà, những ngày này ông Nguyễn Đình Anh dõi theo những bản tin phát về hào khí Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Với ông, những thước phim đen trắng ấy gợi nhớ về một thời quân dân sôi sục giành chính quyền từ tay thực dân, phong kiến, lập chính quyền cách mạng. Trong tâm trí ông, một thời rợp cờ hoa, bừng bừng khí thế cách mạng lại ùa về khi chúng tôi đề cập đến những tháng ngày lịch sử ấy. Năm nay đã 89 tuổi, nhưng ông Nguyễn Đình Anh đã có 68 năm tuổi đảng, là một trong những cán bộ lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa ở Quảng Trị. Ông kể, bắt đầu từ tháng 7/1945, khí thế cách mạng tại tỉnh Quảng Trị đã bừng lên. Lúc này, để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa, hầu khắp các làng xã tại Quảng Trị đều thành lập hội thập tự vệ, đội cứu quốc gồm các tầng lớp nhân dân như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân… Ngày đêm, các hội thập tự vệ, đội cứu quốc rèn đúc vũ khí, tập luyện quân sự để chờ ngày giành chính quyền. “Thời điểm ấy phong trào cách mạng khí thế, sôi sục lắm. Ai cũng nô nức, háo hức chờ đến thời khắc khởi nghĩa giành chính quyền để giành lại độc lập, tự do. Mỗi người đều chuẩn bị sẵn giáo mác, gươm, cuốc, thuổng, mò xảy, gậy gộc... rồi băng cờ, khẩu hiệu cũng được các hội, đoàn thể may vá, chuẩn bị đầy đủ”, ông Anh nhớ lại. Thời điểm này ông Anh tham gia làm tự vệ bảo vệ cho các đồng chí lão thành cách mạng như ông Lê Xích, Hồ Ngọc Tích… tại tổng An Đôn. Những đồng chí lão thành cách mạng đi tuyên truyền điều lệ, chủ trương của Việt Minh tại các điểm tập trung đông dân cư ở khắp tổng An Đôn và một số vùng lân cận như Nhan Biều, Ái Tử, Xuân An… thì ông Anh cùng các đồng chí khác bảo vệ vòng ngoài, đề phòng có mật thám dò la tin tức. Sau đó ông làm cán bộ liên lạc của tổng An Đôn với vai trò là người truyền lệnh của Việt Minh đến các cơ sở cách mạng nhằm chuẩn bị giành chính quyền. Ông kể, ngày 22/8/1945, khi có lệnh, quần chúng nô nức tập trung tại vườn hoa thị xã Quảng Trị rồi hòa vào biển người với vũ khí, khẩu hiệu, cờ kéo đi giành chính quyền. Trước khí thế cách mạng bừng lên của các tầng lớp nhân dân, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở tổng An Đôn và một số vùng lân cận đã giành thắng lợi nhanh chóng. Ngày 23/8/1945, đồng chí Trần Hữu Dực, đại diện Tổng Ủy ban khởi nghĩa tỉnh chính thức thông báo, đã xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến và thành lập chính quyền cách mạng, giữa biển người tập trung tại cuộc mít tinh lớn ở thị xã Quảng Trị. Những tiếng hò reo vui sướng: “Chính phủ cách mạng Việt Nam muôn năm” “Bác Hồ muôn năm”… vang lên không ngớt. Cờ hoa, khẩu hiệu đỏ rợp trời. “Thời khắc ấy thiêng liêng , trọng đại lắm, bởi trải qua thời gian dài bị đô hộ, bóc lột, nhân dân ai cũng vui sướng tột độ vì đã giành được độc lập, tự do. Đặc biệt, đến ngày 2/9/1945, khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập từ quảng trường Ba Đình, Hà Nội ai ai cũng ôm chầm lấy nhau sung sướng đến trào nước mắt”, ông Anh bồi hồi kể. Cùng trong tâm trạng phấn chấn nhớ về những ngày tháng Tám lịch sử, ông Nguyễn Thu, 96 tuổi (57 năm tuổi đảng) ở thôn Phương Ngạn, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong rưng rưng khi kể lại những ngày hào hùng của cả dân tộc. Ngoài 20 tuổi ông Thu đã tham gia cách mạng. Ông cùng với các tầng lớp nhân dân địa phương tham gia du kích, diệt tề. Dù tai đã kém thính, sức khỏe không còn tốt nhưng khi nhắc về không khí tổng khởi nghĩa, đôi mắt ông lại sáng lên. Ông Thu kể, hồi ấy, trước ngày tổng khởi nghĩa, ông cùng với bộ đội giải phóng và dân quân du kích địa phương thường tập trung để nghe chỉ thị của cấp trên, đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện để giành thắng lợi khi có lệnh khởi nghĩa. Đến ngày 22/8/1945, hòa vào dòng người đi giành chính quyền, ông Thu hăng hái xung phong đi trước và hô vang khẩu hiệu, tạo nên tinh thần cách mạng sôi nổi. Ông Thu cho biết, do lúc này thực dân Pháp đã suy yếu, quân Nhật cũng đã đầu hàng nên cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã thành công và ít tổn thất lực lượng. “Tôi vẫn còn nhớ như in không khí những ngày đó. Quần chúng nhân dân kéo đi cướp chính quyền đông lắm, ai ai cũng háo hức và đầy khí thế. Trên các ngã đường, mọi người đều đổ về thị xã Quảng Trị để mít tinh mừng độc lập. Các chị, các mẹ và đoàn viên thanh niên ở các làng quê thì không quản ngại vất vả để gánh cơm, khoai, sắn tiếp tế… Mọi người đều muốn đóng góp một phần công sức cho ngày độc lập”, ông Thu xúc động kể. Ở Quảng Trị thời bấy giờ không khí tiền khởi nghĩa khẩn trương và náo nhiệt, công tác chuẩn bị cho việc giành chính quyền được chuẩn bị đầy đủ. 19 giờ ngày 22/8/1945, theo lệnh Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, 3 đại đội tự vệ vũ trang tiến vào thị xã Quảng Trị biểu tình tuần hành nhằm uy hiếp tinh thần địch, đồng thời thăm dò thái độ của chúng. 1 giờ sáng ngày 23/8/1945, các đơn vị vũ trang đột nhập thị xã, chiếm lĩnh tất cả các vị trí, trận địa đã được phân công, các lực lượng biểu tình thị uy chính trị cũng từ các hướng nhất tề trương băng cờ, khẩu hiệu... rầm rộ tiến vào thị xã. Đến 4 giờ sáng, mọi lực lượng cách mạng đã vào hết trong thị xã, tập kết đúng nơi quy định. Tiếp đến các đơn vị chuyển sang tuần hành thị uy. Cả thị xã lúc này là cả một biển người, với một rừng băng cờ, khẩu hiệu kéo đi với khí thế long trời lở đất. 5 giờ sáng ngày 23/8/1945, thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực trèo lên tầng trên dinh tỉnh trưởng (tức tòa công sứ Pháp) giật phăng lá cờ bù nhìn xuống, kéo lên lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh, đánh dấu mốc chấm dứt chế độ phong kiến, thực dân trên đất nước ta. 9 giờ ngày 23/8/1945, trước tòa công sứ Pháp, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức với hàng ngàn quần chúng nhân dân tham gia. Thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực trịnh trọng tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng. Huyện Cam Lộ và thị trấn Đông Hà do còn nhiều quân Nhật đóng nên khởi nghĩa chậm lại một ngày, tức ngày 24/8/1945. Huyện Hướng Hóa cũng đã thành lập chính quyền cách mạng vào ngày 25/8/1945 sau khi quân địch do suy yếu tự tan rã. Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Trị đã góp phần cùng cả nước lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây là cuộc đổi đời của nhân dân ta sau 80 năm trời nô lệ. Cùng với cả nước, nhân dân Quảng Trị đứng lên làm chủ đất nước và làm chủ vận mệnh mình. Bài, ảnh: HIẾU GIANG