Khởi nghiệp từ... trấu
(QT) - Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng, làm việc cho một công ty tư nhân tại thành phố Hồ Chí Minh với mức thu nhập khá, vậy mà anh Nguyễn Văn Phú (thôn Quang Hạ, Gio Quang, Gio Linh, Quảng Trị) lại trở về quê hương, nuôi ước vọng làm giàu từ ruộng đồng. 7 năm sau ngày có quyết định được xem là “ngược đời” ấy, anh Phú giờ đã gây dựng thành công một cơ sở sản xuất chất đốt có tiếng trên thị trường. Sinh ra trong gia đình đông con, anh Phú là người may mắn vì được tạo điều kiện học hành đến nơi, đến chốn. Ngày đưa giấy báo nhập học đại học về khoe với cả nhà, Phú cảm nhận rõ dòng nước mắt của bố mẹ pha lẫn niềm vui sướng, tự hào và cả nỗi lo lắng. Vì vậy, suốt bốn năm học đại học, anh vừa cố gắng học tập vừa chăm chỉ đi làm thêm để kiếm tiền đỡ đần gia đình. Điều đáng khâm phục là năm nào thành tích học tập của Phú cũng ở tốp đầu của lớp.
 |
Anh Nguyễn Văn Phú làm giàu từ trấu. |
Tốt nghiệp đại học, anh Nguyễn Văn Phú vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Một cơ hội lớn mở ra trước mắt Phú khi anh được nhận vào làm việc tại một công ty tư nhân với mức lương khá cao. Xa xứ, dẫu cuộc sống ổn định, nhiều đêm Phú vẫn trằn trọc. “Người nào có chút vốn liếng, tri thức cũng thoát ly nơi mình sinh ra để bươn bả làm giàu thì lấy ai dựng xây quê hương” – Nghĩ vậy, anh Phú không ngần ngại đặt bút kí vào tờ đơn xin thôi việc và trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Một cánh cửa khác đã mở ra đối với Phú khi anh được nhận vào làm tại dự án Chia sẻ ở huyện Gio Linh. Từ đó, công việc của chàng trai trẻ xoay quanh những hoạt động giúp người dân trên chính quê hương mình thoát nghèo một cách bền vững. Gắn bó với công việc, được đến nhiều miền quê học hỏi kinh nghiệm nâng cao chất lượng cuộc sống, anh Nguyễn Văn Phú nhận ra, hoàn toàn có thể bám đồng quê làm giàu. Một ngày cách đây 3 năm, khi đi thực tế tại địa bàn, anh nghe người dân than phiền về tình trạng các cơ sở xay xát gạo thải vỏ trấu làm ô nhiễm dòng nước, gây bụi bặm. Trong đầu anh bất chợt lóe lên: “Sao không sản xuất chất đốt từ trấu?”. Nghĩ là làm, anh lặn lội đến các địa phương tìm tòi, học tập và mua chiếc máy ép củi trấu về nhà, quyết định lập cơ sở sản xuất. Việc xây dựng một cơ sở sản xuất chất đốt với nhiều trang thiết bị hiện đại không hề đơn giản. Buổi đầu lập nghiệp, anh Phú phải ngược xuôi vay vốn ngân hàng, mượn tiền của người thân quen để mua máy móc, mở nhà xưởng. Sau thời gian vận hành thử nghiệm, những mẫu than trấu đầu tiên của cơ sở đã ra lò trong niềm vui của anh Nguyễn Văn Phú. Việc tiếp theo là tìm địa chỉ tiêu thụ sản phẩm. Anh đã đến nhiều nhà máy, xí nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh để chào bán sản phẩm. “Buổi đầu, hầu hết các chủ doanh nghiệp đều không tin vào chất lượng của than củi trấu. Lâu nay, họ quen với các chất đốt như dầu, than đá thôi. Thế nhưng, khi đưa vào sử dụng thì than củi trấu có ưu điểm vượt trội là ít khói, nhiệt độ cao, vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa góp phần bảo vệ môi trường” – anh Phú cho biết. Thế rồi, chưa đầy một năm, cơ sở sản xuất chất đốt của anh Nguyễn Văn Phú đã được nhiều người biết đến. Trên đà phát triển, anh tiếp tục mở rộng sản xuất, thuê nhiều nhân công hơn. Trung bình mỗi tháng, cơ sở xuất xưởng 100 tấn than trấu. Với giá 1 triệu đồng/tấn, mỗi tháng anh Phú thu về 100 triệu đồng. Hiện, cơ sở sản xuất chất đốt này đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 nhân công với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, vào lúc cao điểm, anh còn thuê thêm nhiều nhân công để thu mua trấu, vận chuyển than cho người dân trong khu vực. Bên cạnh đó anh Phú còn vận động nhiều bà con trong xã khai thác thế mạnh vùng gò đồi, chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất, cho vay vốn không lấy lãi... Đến xã Gio Quang, huyện Gio Linh, giờ đây cảnh những đống trấu chất đống gây ô nhiễm môi trường đang dần biến mất. Thay vì xem trấu là thứ phế phẩm bỏ đi, người dân nơi đây đã gom lại, bán cho cơ sở sản xuất chất đốt của anh Phú để cải thiện thu nhập. Trước thành công bước đầu, hiện tại, anh Phú đang có ý định trang bị thêm các loại máy móc cho cơ sở, cải tiến máy ép củi trấu để có thể sản xuất than từ các phế phẩm nông nghiệp khác như mùn cưa, rơm rạ... “Không có bất cứ thứ gì là phế phẩm, đáng bị bỏ đi” - Từ ngày gắn bó với trấu, anh Nguyễn Văn Phú luôn khẳng định như vậy. Bài, ảnh: Q.H