Dự thảo nghị định mới về hóa đơn - Những thuận lợi cho người nộp thuế
(QT) - Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 51/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định 04/ NĐ-CP ngày 17/1/2014 của Chính phủ về hóa đơn (gọi tắt là Nghị định mới về hóa đơn) được công bố trên trang web của Bộ Tài chính nhằm tiếp nhận ý kiến tham gia đóng góp của các ban, ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN), người nộp thuế (NNT) trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành chính thức.

Dự thảo nghị định mới về hóa đơn - Những thuận lợi cho người nộp thuế

(QT) - Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 51/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định 04/ NĐ-CP ngày 17/1/2014 của Chính phủ về hóa đơn (gọi tắt là Nghị định mới về hóa đơn) được công bố trên trang web của Bộ Tài chính nhằm tiếp nhận ý kiến tham gia đóng góp của các ban, ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN), người nộp thuế (NNT) trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành chính thức.

Những mặt hàng nông sản chất lượng cao của Quảng Trị được người tiêu dùng ưa chuộng và tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Ảnh: PV

Điểm mới và tích cực nổi bật của dự thảo lần này là Nghị định mới về hóa đơn được xây dựng nhất quán theo quan điểm của Chính phủ là kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp; kết hợp với yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế để thiết kế các nội dung một cách hệ thống, đồng bộ, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Đó là:

(1) Quán triệt việc thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử; đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, định hướng đến năm 2020. Theo đó, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế (giảm thời gian, chi phí thực hiện hoá đơn), vừa chống thất thu ngân sách, chống gian lận trong thanh toán từ ngân sách nhà nước.

(2) Xây dựng được cơ sở pháp lý để vận hành việc áp dụng hóa đơn điện tử theo thông lệ quốc tế, tạo được cơ sở dữ liệu về hóa đơn của ngành thuế để ứng dụng quản lý thuế hiện đại, góp phần xây dựng cơ quan thuế điện tử, phục vụ việc xây dựng Chính phủ điện tử.

(3) Đảm bảo phù hợp, tương thích với quy định của các luật thuế và pháp luật có liên quan như Luật Kế toán năm 2015, Luật Giao dịch điện tử, Luật Quản lý thuế, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015…

(4) Đảm bảo cơ sở thực tiễn phù hợp với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đồng bộ với việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đã được quy định tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, Nghị định số 80/2016/NĐ-CP và Đề án không dùng tiền mặt tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016.

(5) Kế thừa và phát triển các kết quả đạt được của việc quy định và triển khai hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế thời gian qua.

Để thống nhất trong thực hiện, phần giải thích từ ngữ trong dự thảo được bổ sung đảm bảo cách hiểu được rõ ràng, như: Hóa đơn, Hóa đơn điện tử, Hóa đơn giấy, Khởi tạo hóa đơn điện tử, Chữ ký điện tử trên hóa đơn điện tử, Hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Các nội dung khác về giải thích từ ngữ cơ bản giữ nguyên như quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP.

Dự thảo xác định nhóm đối tượng được hỗ trợ phí sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Một điểm mới thu hút sự quan tâm của cộng đồng DN và NNT là phí sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Theo Khoản 1, Điều 18 của Dự thảo Nghị định thì có 3 nhóm đối tượng được cơ quan thuế cung cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế miễn phí:

a) Hộ, cá nhân kinh doanh;

b) Doanh nghiệp siêu nhỏ;

c) Doanh nghiệp nhỏ ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

1 nhóm được cơ quan thuế cung cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế miễn phí trong thời gian 12 tháng: DN mới thành lập kể từ ngày nghị định có hiệu lực thi hành (trừ DN quy định tại các điểm b, c nêu trên).

Như vậy nét ưu việt nhất của Nghị định mới là xác định nhóm đối tượng được hỗ trợ phí sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; lộ trình hỗ trợ cụ thể đảm bảo trọng tâm, trọng điểm phù hợp từng thời kỳ, góp phần khuyến khích DN khởi nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi để hộ kinh doanh, DN siêu nhỏ; DN nhỏ ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn có cơ hội phát triển.

Nguyên tắc cung cấp, sử dụng, tra cứu thông tin, thời hạn cung cấp thông tin hóa đơn điện tử (HĐĐT) được quy định cụ thể. Đối với trường hợp sử dụng HĐĐT khi kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về HĐĐT phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu cung cấp hóa đơn giấy. Các cơ quan có liên quan có trách nhiệm trang bị các thiết bị để tra cứu dữ liệu HĐĐT. Các trường hợp bất khả kháng do sự cố, thiên tai gây ảnh hưởng đến việc truy cập internet dẫn đến không tra cứu được dữ liệu hóa đơn, nếu người vận chuyển hàng hóa có chứng từ giấy chuyển từ HĐĐT (chuyển đổi 1 lần) thì xuất trình chứng từ giấy chuyển cho cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra hàng hóa. Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra căn cứ chứng từ giấy chuyển từ HĐĐT để lưu thông hàng hóa và tiếp tục thực hiện tra cứu dữ liệu HĐĐT (tại đầu mối đăng ký với Tổng cục Thuế) để phục vụ công tác kiểm tra để xử lý theo quy định.

Thời hạn cung cấp thông tin HĐĐT cũng được quy định rõ tại Điều 29 của dự thảo nghị định. Trong thời gian không quá 1 phút kể từ khi nhận được yêu cầu, trang thông tin điện tử Tổng cục Thuế phải phản hồi cho bên sử dụng thông tin các nội dung thông tin HĐĐT hoặc thông báo lý do trong trường hợp hệ thống gặp sự cố hoặc không có thông tin HĐĐT.

Dự thảo Nghị định mới về hóa đơn góp phần cắt giảm thủ tục hành chính khi NNT sử dụng HĐĐT. Theo quy định tại Nghị định số 51, Nghị định số 04 thì đối với 4 hình thức hóa đơn: tự in, đặt in, mua của cơ quan thuế và điện tử, các DN phải thực hiện 5 thủ tục sau: (1) Có văn bản đề nghị sử dụng HĐ tự in/đặt in gửi cơ quan thuế (áp dụng đối với trường hợp tự in/đặt in HĐ lần đầu); (2) Gửi thông báo phát hành HĐ đến cơ quan thuế (áp dụng đối với cả 3 loại hình tự in - đặt in - điện tử), riêng trường hợp mua HĐ của cơ quan thuế thì không phải thông báo phát hành; (3) Lập báo cáo tình hình sử dụng HĐ gửi cơ quan thuế (áp dụng đối với cả 4 trường hợp); (4) Lập báo cáo mất, hỏng, hủy gửi cơ quan thuế áp dụng đối với cả 4 trường hợp; (5) Thông báo với cơ quan thuế HĐ không tiếp tục sử dụng trong một số trường hợp. Đối với doanh nghiệp sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế thì doanh nghiệp thực hiện 3 thủ tục: (1) Đăng ký sử dụng; (2) Đăng ký phát hành; (3) Thông báo về việc ngừng sử dụng hóa đơn.

Dự thảo Nghị định mới cắt giảm thủ tục hành chính khi DN sử dụng HĐĐT, cụ thể: Giảm được 4 thủ tục khi áp dụng HĐĐT (không phải lập các báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, báo cáo mất hỏng hủy, không phải lập thông báo trong trường hợp không tiếp tục sử dụng).

Như vậy, bên cạnh cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Nghị định về hóa đơn lần này đã thể hiện được tinh thần hướng đến mục tiêu thực hiện chính sách thuế minh bạch, khoa học, phù hợp thông lệ quốc tế, khuyến khích DN nhất là các DN khởi nghiệp, các DN ở địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, áp dụng HĐĐT nhằm tiết kiệm chi phí, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển SX-KD bền vững.

Trí Bật - Đình Long