Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn huyện Gio Linh
QTO - Qua 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn huyện Gio Linh đã đáp ứng các mục tiêu của giáo dục mầm non là cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển thể chất, trí tuệ, tư duy sáng tạo, tình cảm và các kỹ năng, thói quen tốt; tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; nâng cao trình độ chuyên môn, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên… Những kết quả đạt được trong ...

Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn huyện Gio Linh

Qua 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn huyện Gio Linh đã đáp ứng các mục tiêu của giáo dục mầm non là cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển thể chất, trí tuệ, tư duy sáng tạo, tình cảm và các kỹ năng, thói quen tốt; tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; nâng cao trình độ chuyên môn, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên… Những kết quả đạt được trong thực hiện chuyên đề đã tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện.

Tận tụy vì công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em. Ảnh: MĐ

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Gio Linh Nguyễn Văn Nghệ cho biết, giáo dục bậc mầm non là trường học đầu tiên của mỗi con người, là nền tảng đầu tiên của ngành GD&ĐT; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non đảm bảo có tác dụng rất lớn đến chất lượng giáo dục cho các bậc học tiếp theo. Xác định tầm quan trọng của môi trường giáo dục mầm non đối với sự phát triển của trẻ, tạo sự chuyển biến tích cực trong giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, huyện Gio Linh đã xây dựng và triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2016-2020”. Trên cơ sở đó, Phòng GD&ĐT huyện đã hướng dẫn, tư vấn giúp cho các trường học hiểu rõ hơn về nội dung xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; hỗ trợ kinh phí để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy và học; tổ chức làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn đảm bảo về nội dung, đa dạng về hình thức, đổi mới về phương pháp trong thực hiện chuyên đề cho cán bộ quản lý và giáo viên; duy trì tốt phong trào làm đồ dùng, đồ chơi. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, nhằm tạo sự thống nhất và phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện tốt việc xây dựng môi trường giáo dục cho trẻ.

Qua 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2016-2020” đã tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện. Đầu tiên là việc đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Các trường học đã làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo địa phương và phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức, cá nhân… đầu tư kinh phí mua sắm, trang cấp thêm trang thiết bị để hỗ trợ cho thực hiện chuyên đề. Nhiều trường học đã tranh thủ được các nguồn lực để xây dựng phòng học, sân chơi, khu vui chơi ngoài trời. Nếu như năm 2016, toàn cấp học chỉ có 61,5% sân chơi ngoài trời đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập và khám phá của trẻ, thì đến nay, con số đó đã lên đến 93,6% trường mầm non có sân chơi với các thiết bị đồ chơi ngoài trời đáp ứng nhu cầu vui chơi, khám phá của trẻ. Bên cạnh đó, các trường đã phối hợp với phụ huynh, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp trong việc huy động các nguồn lực để mua sắm đồ dùng đồ chơi, cải tạo môi trường, tận dụng mọi điều kiện về không gian, khuôn viên hiện có tạo sân chơi để tổ chức các hoạt động cho trẻ tại các trường mầm non. Sắp xếp và khai thác, sử dụng có hiệu quả môi trường trong lớp học, các phòng chức năng, trang thiết bị hiện có; có môi trường sân vườn để giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ đảm bảo phù hợp với từng độ tuổi. Tổng kinh phí đầu tư trong 5 năm thực hiện chuyên đề hơn 36,2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, tỉnh, huyện và huy động nguồn lực từ xã hội hóa.

Trong thực hiện chuyên đề, công tác bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên luôn được chú trọng thực hiện hiệu quả. Ở cấp huyện, mở 8 lớp/năm, với tỉ lệ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia bồi dưỡng chuyên đề hằng năm đạt từ 93,8% đến 99,2%; tổ chức 10 chuyên đề và 1 hội thảo về xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm cho 100% đơn vị tham dự với số lượng từ 5-7 người/trường/năm. Ở cấp cụm, các trường mở được 682 đợt tập huấn, hội thảo, tỉ lệ giáo viên tham gia đạt 92,6%. Nội dung tập trung vào thực hiện chương trình giáo dục mầm non, xây dựng kế hoạch giáo dục, cách thức tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống… Tổ chức cuộc thi xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở giáo dục mầm non được thực hiện tốt từ huyện đến cơ sở, giúp cho các đơn vị thấm nhuần được quan điểm xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm trong các trường mầm non.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Gio Linh Nguyễn Văn Nghệ cho biết thêm, 5 năm qua, công tác bồi dưỡng cho giáo viên triển khai thực hiện chuyên đề được thực hiện hiệu quả. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có sự thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ trong thực hiện nội dung, đổi mới phương pháp giảng dạy; chủ động trong việc lập kế hoạch, lựa chọn chủ đề, đề tài, xác định hình thức giáo dục phù hợp với đặc điểm của trẻ. Giáo viên đã tạo được không khí giao tiếp tích cực, vui tươi, gần gũi, yêu thương trẻ. Luôn tôn trọng trẻ, khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động một cách tích cực theo nhu cầu của trẻ, cho trẻ vui chơi, học tập theo cặp đôi, nhóm nhỏ hoặc cả lớp tạo cho trẻ cơ hội trao đổi, trải nghiệm chia sẻ ý kiến, giúp đỡ lẫn nhau. Kết quả nổi bật trong thực hiện chuyên đề chính là đối tượng trẻ trở thành trung tâm, trẻ phát triển khỏe mạnh, tích cực, hứng thú với các hoạt động trong môi trường phù hợp, mạnh dạn, tự tin, thực hiện kỹ năng vận động chính xác; được rèn luyện và phát triển các tố chất cần thiết phù hợp với lứa tuổi…, từ đó, phát triển nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và các kỹ năng xã hội.

Thực hiện chuyên đề đã tạo được sự thống nhất và sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, qua đó, thực hiện tốt việc xây dựng môi trường giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn huyện Gio Linh.

Minh Đức