Việc nhà, việc nước vẹn toàn
(QT) - Những năm trở lại đây, cuộc sống của người dân xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị đã có nhiều thay đổi lớn, nhà cửa khang trang, đường sá được tu sửa, mở rộng hơn. Có được sự thay đổi như vậy là do người dân nơi đây chịu khó làm ăn, khai phá đất rừng, áp dụng những mô hình tiên tiến trong sản xuất nông-lâm nghiệp. Nổi bật là anh Phạm Khánh Minh, vừa là một cán bộ xã, vừa là tấm gương lao động giỏi trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương. Học xong lớp 12, anh Minh ở nhà phụ giúp cha ...

Việc nhà, việc nước vẹn toàn

(QT) - Những năm trở lại đây, cuộc sống của người dân xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị đã có nhiều thay đổi lớn, nhà cửa khang trang, đường sá được tu sửa, mở rộng hơn. Có được sự thay đổi như vậy là do người dân nơi đây chịu khó làm ăn, khai phá đất rừng, áp dụng những mô hình tiên tiến trong sản xuất nông-lâm nghiệp. Nổi bật là anh Phạm Khánh Minh, vừa là một cán bộ xã, vừa là tấm gương lao động giỏi trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương. Học xong lớp 12, anh Minh ở nhà phụ giúp cha mẹ (lúc này cả gia đình đang sinh sống ở tỉnh Nghệ An vì trước đó cha anh đi tập kết, lập gia đình và định cư ở đây), sau đó nhập ngũ, huấn luyện tại Tiểu đoàn 52, thuộc Bộ Tham mưu Quân khu 4. Nhờ nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tích nên mới 2 năm nhập ngũ anh đã được đơn vị xem xét, kết nạp Đảng trong quân đội.

Anh Khánh Minh kiểm tra, chăm sóc vườn cây

Năm 1995, sau khi xuất ngũ, anh trở về quê cha ở thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ, Hải Lăng (nay thuộc thị xã Quảng Trị). Những ngày tháng đầu rời khỏi quân ngũ trở về quê, anh Minh được địa phương tin tưởng giao cho phụ trách công tác đoàn ở thôn, sau đó làm Bí thư Xã đoàn nhiều năm trước khi chuyển sang làm công tác quân sự. Năm 1999, anh lập gia đình, vợ làm công nhân Lâm trường Triệu Hải. Khánh Minh đảm nhận chức vụ Bí thư Xã đoàn Hải Lệ từ năm 2001-2008, sau đó được chuyển sang giữ chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã từ đó đến nay. Đảm nhận một công việc không kém phần quan trọng của xã, anh không phụ niềm tin của bà con, của cấp ủy và chính quyền địa phương, luôn hết lòng với công việc, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ là một cán bộ năng nổ, nhiệt tình, anh còn được mọi người biết đến là một tấm gương tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh của xã. Bằng ý chí vượt khó, anh quyết tâm thoát nghèo, ban đầu cùng với một vài người bạn lập “Xưởng mộc thanh niên” với nhiều ước mong tốt đẹp của tuổi trẻ, nhưng xưởng mộc tồn tại không được lâu thì phải giải thể. Nguyên nhân là do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm. Năm 2003, hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về phủ xanh đất trống đồi trọc, lại được tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng, anh mạnh dạn đấu thầu 12 ha đất của dự án PAM để trồng sắn. Sau ba năm, gia đình anh đã trả xong nợ ngân hàng, tích góp xây được căn nhà khang trang. Hai vợ chồng dọn ra ở riêng, không phải sống trong căn nhà tập thể như những năm trước. Sau mấy năm gắn bó với cây sắn, nhận thấy đây là công việc vất vả mà thu nhập không cao, giá cả bấp bênh, anh bàn với vợ chuyển 12 ha trồng sắn sang trồng rừng với các loại cây chủ lực như keo lai, keo tai tượng. Sau chu kỳ trồng 5 năm gia đình anh thu hoạch được 500 triệu đồng. Có vốn trong tay, lại gặp thời điểm này nhà nước có chủ trương giao đất rừng của một số lâm trường cho người dân địa phương sản xuất, gia đình anh đấu thầu thêm 10 ha đất của thôn mới được lâm trường chuyển giao để trồng rừng, đến nay đã được 3 năm, cây lên xanh tốt, chỉ còn 2 năm nữa đến chu kỳ khai thác, nếu với thời giá như hiện tại gia đình anh sẽ thu được ít nhất 1 tỉ đồng. Anh cho biết, khoảng gần 10 năm trở lại đây, khi nhiều nhà máy chế biến gỗ ra đời thì việc trồng rừng để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy này mang lại thu nhập khá ổn định. Trong giai đoạn đầu mới trồng phải đầu tư nhiều công sức, tiền của để san ủi tạo mặt bằng, phải phát đốt những cây mọc tự nhiên, chi phí cho mỗi héc ta khoảng 10-15 triệu đồng (bao gồm tất cả các khoản đầu tư) đến chu kỳ trồng lần thứ hai thì chi phí giảm chỉ còn 7 triệu đồng/ha. Khi cây mới trồng phải mất nhiều công chăm sóc, bảo vệ để không bị trâu bò phá hoại. Hàng ngày, ngoài giờ làm việc ở Ban CHQS xã, anh tranh thủ thời gian để chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng trồng. Kinh tế của gia đình anh tăng lên hàng năm, ngoài nguồn thu nhập từ rừng và tiền lương hàng tháng, vợ anh còn mở thêm cửa hàng tạp hoá để phục vụ bà con thôn xóm, cải thiện thu nhập gia đình. Hiện tại vợ chồng anh có hai cháu nhỏ, cuộc sống gia đình ngày một phát triển. Anh cũng đã học xong chương trình trung cấp quân sự và đang học tại chức đại học luật. Anh quan niệm là một cán bộ xã, ngoài việc làm tròn trách nhiệm được giao thì phải xây dựng, phát triển kinh tế gia đình vững mạnh, vừa để yên tâm công tác vừa làm gương cho người dân noi theo. Trong thời gian tới, anh vẫn xác định trồng rừng là định hướng lâu dài; đồng thời trồng thêm cây tiêu để khôi phục lại giống cây đã bỏ lâu năm ở địa phương, kết hợp với xây dựng trang trại, nuôi gà, mở rộng ao hồ nuôi cá để tăng thêm thu nhập cho gia đình và làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội. Bài, ảnh: PA-NHÂN TÌNH