Hướng Phùng tập trung phòng trừ sâu bệnh trên cây chanh leo
QTO - Vào cuối năm 2022, tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa xuất hiện một số sâu bệnh lạ trên cây chanh leo. Đặc biệt, đến đầu năm nay, hiện tượng sâu bệnh lạ này ngày càng lan rộng trên diện tích cây chanh leo khiến người dân nơi đây rất lo lắng. Trước tình hình đó, UBND xã Hướng Phùng đã tập trung triển khai nhiều biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, giúp người dân yên tâm sản xuất, duy trì phát triển cây canh leo.

Hướng Phùng tập trung phòng trừ sâu bệnh trên cây chanh leo

Vào cuối năm 2022, tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa xuất hiện một số sâu bệnh lạ trên cây chanh leo. Đặc biệt, đến đầu năm nay, hiện tượng sâu bệnh lạ này ngày càng lan rộng trên diện tích cây chanh leo khiến người dân nơi đây rất lo lắng. Trước tình hình đó, UBND xã Hướng Phùng đã tập trung triển khai nhiều biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, giúp người dân yên tâm sản xuất, duy trì phát triển cây canh leo.

Hướng Phùng tập trung phòng trừ sâu bệnh trên cây chanh leo

Chuyên gia lĩnh vực trồng trọt hướng dẫn người dân Hướng Phùng cách phòng trừ sâu bệnh gây hại cây chanh leo - Ảnh: N.T

Các loại sâu bệnh xuất hiện trên cây chanh leo ở Hướng Phùng được xác định là nhện, phấn trắng và thối cổ rễ. Theo thống kê của UBND xã, tổng diện tích chanh leo bị sâu bệnh gây hại toàn xã là 30/90 ha.

Để giúp người dân không hoang mang, lo lắng trước nguy cơ vườn cây bị hư hại, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con không tự ý mua các loại thuốc bảo vệ thực vật để xử lý hoặc ồ ạt phá diện tích chanh leo bị sâu bệnh. Bên cạnh đó, đề xuất, phối hợp với Tổ chức Helvetas Việt Nam triển khai khóa tập huấn “Biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho chanh leo, thân thiện với bảo tồn theo tiêu chuẩn VietGap”.

Từ ngày 21-24/2/2023, với phương châm “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn tận nơi, hơn 10 chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực trồng trọt của Việt Nam đã tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp ngay tại vườn về toàn bộ quy trình sản xuất, từ cách làm đất, cải tạo đất, xuống giống, cách tưới, bón phân, cách nhận biết các loại sâu bệnh và phương pháp xử lý, cách chọn các sản phẩm chuẩn xử lý sâu bệnh…cho nông dân.

Đây là khóa tập huấn chuyên sâu đầu tiên đối với cây chanh leo được triển khai trên địa bàn, đem lại kết quả rất thiết thực cho nông dân xã Hướng Phùng. Hơn 200 hộ dân của 13 thôn bản trên địa bàn xã đã tích cực tham gia tập huấn.

Cùng với đó, UBND xã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện định kỳ và đột xuất khảo sát, kiểm tra các diện tích chanh leo để kịp thời phát hiện và đưa ra phương án xử lý dứt điểm tình trạng sâu bệnh.

Gia đình anh Hồ Minh Phong ở thôn Đại Độ trồng 0,5 ha chanh leo. Tuy mới trồng vụ đầu, chưa cho thu hoạch nhưng thời gian gần đây phần lớn diện tích chanh leo của gia đình anh xuất hiện dấu hiệu sâu bệnh lạ và không biết nên xử lý như thế nào. Được tham gia lớp tập huấn nói trên và các chuyên gia đến kiểm tra ngay tại vườn, hướng dẫn cách nhận biết từng loại sâu bệnh, hướng xử lý, gia đình anh rất yên tâm.

Anh Phong cho biết: “Lần đầu trồng thí điểm chanh leo nên gia đình tôi rất lo lắng, nhất là khi thấy cây phát triển không thuận lợi. Được các chuyên gia tư vấn kỹ càng, tôi đã kịp thời vệ sinh vườn tược, cắt bỏ các phần cây nghi nhiễm bệnh, tập trung tiêu hủy sạch sẽ nhằm tránh lây lan diện rộng, đồng thời sử dụng các loại thuốc phù hợp xử lý đối với cây bị bệnh, tạo vườn cây thoáng đãng. Nhờ vậy, tôi yên tâm tiếp tục chăm sóc để đạt được vụ mùa năng suất, chất lượng cao”.

Còn đối với gia đình anh Trần Như Trầm ở thôn Cổ Nhổi có 0,4 ha chanh leo đã bước sang năm thứ hai. Đầu năm nay, gần 100% diện tích cây chanh leo của gia đình anh bị bệnh. Anh đã mua nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật về xử lý nhưng không đem lại kết quả. Nhờ tiếp thu kiến thức trong đợt tập huấn lần này, anh bớt lo lắng, tự tin tiếp tục chăm sóc vườn chanh leo.

Anh Trầm cho biết: “Cây chanh leo vụ mùa vừa rồi đem lại thu nhập khá cho gia đình tôi, năm nay đang tiếp tục hy vọng phát triển hơn năm trước thì bỗng nhiên cây đổ bệnh làm chúng tôi hết sức lo lắng. Bây giờ, tôi đã biết cách xác định loại bệnh cũng như chọn loại thuốc trị bệnh cho cây, không còn phải tốn nhiều tiền cũng như công sức đầu tư khắc phục như trước nữa”.

Chanh leo được đưa vào trồng thí điểm tại xã Hướng Phùng từ năm 2018. Kết quả bước đầu cho thấy chanh leo rất phù hợp với đất đai cũng như khí hậu tại đây, năng suất, chất lượng đạt khá cao. Xã đã tăng cường liên doanh liên kết với các đơn vị doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Nhờ đó chanh leo phát triển thuận lợi, dần mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng, đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân. Từ chỗ chỉ có 7,5 ha trồng thí điểm, đến nay toàn xã có trên 90 ha chanh leo, năng suất, chất lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với sản lượng bình quân đạt 15- 18 tấn/ha.

Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hà Ngọc Dương cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, các hộ dân trong xã cơ bản xử lý được sâu bệnh hại trên cây chanh leo, đảm bảo cho cây tiếp tục phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao.

Thời gian tới, xã Hướng Phùng tiếp tục phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về quá trình sản xuất sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu để cấp mã vùng trồng chanh leo nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ tiến hành đánh giá, rà soát để quy hoạch các diện tích trồng chanh leo, nhằm hướng tới xây dựng các mô hình cánh đồng chanh leo rộng lớn, tạo ra vùng nguyên liệu tập trung. Tiếp tục hỗ trợ nông dân các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tiến đến xây dựng thương hiệu chanh leo Hướng Phùng”.

Ngọc Trang

Tin liên quan:
  • Hướng Phùng tập trung phòng trừ sâu bệnh trên cây chanh leo
    Cây chanh leo cho thu nhập trên 110 triệu đồng/ha

    Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến thời điểm này toàn tỉnh đã có hơn 100 ha chanh leo, trong đó có gần 55 ha đang cho thu hoạch. Tập trung chủ yếu tại 2 huyện Hướng Hóa và Vĩnh Linh.

  • Hướng Phùng tập trung phòng trừ sâu bệnh trên cây chanh leo
    Hiệu quả từ mô hình liên kết trồng chanh leo ở Hướng Hóa

    Mặc dù là cây trồng mới nhưng hiện nay cây chanh leo đang được nhiều hộ nông dân các xã, thị trấn ở huyện Hướng Hóa tập trung phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ngọc Trang