Khát vọng vươn lên từ nghịch cảnh
(QT) - Xuất phát từ hoàn cảnh không may mắn, nhưng những người nghèo khó, những người khuyết tật mà chúng tôi gặp đã nỗ lực vươn lên với khát vọng chiến thắng nghịch cảnh để xây dựng cuộc sống ổn định, có nhiều đóng góp cho gia đình và xã hội. Tìm hướng đi cho mình
 |
Anh Lê Văn Trung bên chiếc máy múc của mình |
Ảnh hưởng bởi di chứng chất độc da cam từ người cha là dân quân du kích thời chiến tranh, anh Lê Văn Trung, 39 tuổi (thôn Đông, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) sinh ra đã bị khuyết tật ở chân trái. Việc đi lại của anh rất khó khăn. Mặc cảm, tự ti vì khuyết tật đã từng đeo bám khiến anh sống khép kín một thời gian dài. Nhưng được sự động viên, giúp đỡ của gia đình, bạn bè và các ban, ngành, địa phương, anh dần dần hòa nhập với cuộc sống. Cũng từ đó anh quyết tâm tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình bằng cách học nghề sửa chữa máy thủy lực ở TP Hồ Chí Minh vào năm 2004. Sau khoảng 1 năm học thầy và tự mày mò, anh Trung đã khá rành về việc vận hành, sửa chữa máy thủy lực nên trở về quê. Nhận thấy nhu cầu về vận chuyển, san ủi mặt bằng, làm đất ở quê ngày càng tăng, anh quyết định vay mượn của gia đình, bạn bè được gần 1 tỷ đồng để mua cùng lúc xe ô tô tải, máy xúc và máy cày để làm ăn. Nhờ sự năng động, nhạy bén, chịu khó và gặp nhiều thuận lợi trong làm ăn nên chỉ vài năm sau anh dần trả hết nợ và có thu nhập ổn định. Đến năm 2006, anh lập gia đình với chị Phan Thị Thúy, sinh năm 1984. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ ngày càng trở nên khấm khá khi địa bàn làm ăn được mở rộng ra khắp nơi trong tỉnh và cả sang nước bạn Lào. Những năm gần đây, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm vợ chồng anh Trung có thu nhập trên 300 triệu đồng. Nhờ có thu nhập khá cao và ổn định nên vợ chồng anh Trung đã xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học đàng hoàng. Ngoài sự năng động trong làm ăn, anh Trung còn đam mê bơi lội và đã đóng góp nhiều thành tích cho môn bơi lội của thể thao người khuyết tật tỉnh Quảng Trị. Từ năm 2005 đến năm 2007, anh đã giành được 12 tấm huy chương (5 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ) môn bơi lội ở hội thao người khuyết tật cấp tỉnh và toàn quốc. Sau năm 2007, vì lý do sức khỏe cũng như để tập trung làm ăn, anh ngừng tham gia thi đấu. Ở địa phương, vợ chồng anh cũng thường xuyên đóng góp ủng hộ ngày công và phương tiện máy móc để nạo vét kênh mương nội đồng, làm đường giao thông nông thôn cũng như nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động xã hội khác. “Có nghị lực sẽ vượt qua tất cả”
 |
Anh Lê Văn Tư làm giàu từ niềm đam mê chăn nuôi |
Chúng tôi đến nhà anh Lê Văn Tư, 38 tuổi (ở khu phố 11, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh) gặp lúc anh đang cho đàn bồ câu ăn. Dù chỉ còn một cánh tay lành lặn nhưng với anh Tư, những công việc như vậy đã trở nên bình thường. Tranh thủ nghỉ tay, anh kể anh bị mất một cánh tay do gặp tai nạn điện khi đang làm công nhân hóa chất ở TP Hồ Chí Minh vào năm 2000. Sức khỏe không đảm bảo, anh xin nghỉ việc trở về quê trong nỗi chán chường, tuyệt vọng. Từ một người bình thường, nhưng nay phải chịu cảnh tàn tật, với anh thời gian đầu cảm thấy rất đau khổ. Nhưng rồi, nhìn mẹ già yếu cặm cụi lo toan mưu sinh, anh hiểu rằng mình phải đứng lên, không thể trở thành gánh nặng cho gia đình. Sau một thời gian ở nhà, anh Tư quyết định mở cửa hàng văn phòng phẩm nhỏ ở chợ thị trấn Gio Linh để mưu sinh. Đến năm 2006, anh tiếp tục vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội 10 triệu đồng làm mô hình sản xuất nấm rơm. Tuy nhiên, do đầu ra thiếu ổn định, hiệu quả kinh tế không cao nên anh chuyển qua chăn nuôi gà. Với số tiền tích góp được khoảng 20 triệu đồng, anh làm chuồng trại và mua gà giống về nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi, tìm hiểu nên việc chăn nuôi gà của anh khá suôn sẻ. Đến nay, mỗi năm anh nuôi và xuất bán được trên 300 con gà, cho nguồn thu nhập ổn định khoảng trên 20 triệu đồng. Đến năm 2012, qua tìm hiểu sách báo anh quyết định chăn nuôi thêm bò lai, lợn nái và mở rộng nuôi bồ câu Pháp với quy mô hàng trăm con. Từ những con nuôi này, anh có thêm nguồn thu nhập hàng năm trên 50 triệu đồng. Anh Tư cho biết, anh đang đầu tư khoảng 100 triệu đồng để xây dựng mô hình nuôi dê thả chuồng, đồng thời sẽ mở rộng mô hình nuôi bò lai sinh sản. Bên cạnh năng động trong phát triển kinh tế, anh còn tích cực tham gia các hoạt động của hội người khuyết tật. Năm 2011, anh được bầu làm chủ nhiệm CLB Người khuyết tật thị trấn Gio Linh và có nhiều đóng góp trong việc giúp đỡ hội viên vươn lên trong cuộc sống. Hiện tại, anh là Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố khu phố 11, hàng đêm tuần tra, giữ gìn trật tự trị an của khu phố. Anh Tư tâm sự: “Lâm vào hoàn cảnh như tôi chắc hẳn nhiều người cũng sẽ rất buồn, tuyệt vọng. Tuy nhiên tôi nghĩ, trước hết mình phải đứng lên bằng tất cả nghị lực để vượt qua nghịch cảnh, xây dựng cuộc sống mới. Có được cuộc sống như hôm nay sau khi bị tàn tật, tôi cũng đã từng nếm trải nhiều chông gai, gian khó thời gian đầu. Tôi tự hào về những gì mình đã đạt được và tôi nghĩ nếu có nghị lực, quyết tâm thì mình sẽ làm được những điều mong muốn”. Vươn lên thoát nghèo
 |
Chị Hoàng Thị Thảo chăn nuôi lợn nái sinh sản |
Chồng mất, một mình gánh vác mọi lo toan nuôi 2 con ăn học, chăm mẹ chồng già yếu với chị quả là quá sức. Nhưng bằng quyết tâm, ý chí mạnh mẽ chị đã dần vượt qua khó khăn, thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống. Chị là Hoàng Thị Thảo, 37 tuổi (ở khu phố 2, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà). Chị Thảo kể, chị kết hôn năm 1998 và lần lượt sinh 2 đứa con đầy đủ gái trai. Tổ ấm nhỏ của chị tuy đơn sơ nhưng hạnh phúc tưởng chừng đi suốt cuộc đời. Nhưng đến năm 2006, chồng chị bị mắc bệnh hiểm nghèo và mất chỉ 3 tháng sau đó. Chồng mất đặt lên đôi vai gầy của chị 2 đứa con nheo nhóc, mẹ chồng già yếu... Thời gian đầu chị vô cùng hụt hẫng, suy sụp và không biết tương lai phía trước thế nào khi mà gia cảnh vốn đã nghèo nay rơi vào cùng cực. 2 năm sau ngày chồng mất, gia đình chị được bình xét diện hộ nghèo vì quá khó khăn. Không bằng lòng với cuộc sống nghèo khó, chị quyết tâm phải mạnh mẽ đứng lên gánh vác lo toan mọi việc. Ngoài cáng đáng việc đồng áng với 5 sào ruộng lúa, 1 sào màu, chị còn chăn nuôi thêm lợn thịt, lợn nái sinh sản. Để tiết kiệm chi phí, buổi tối chị tranh thủ đi từng hàng quán trong thành phố để xin nước gạo, phụ phẩm về cho lợn ăn. Ban ngày thì chị chạy chợ buôn bán lặt vặt ở chợ Đông Hà. Sau một thời gian, cuộc sống của chị dần ổn định, gia đình thoát nghèo. Tích góp được ít vốn, chị chuyển sang buôn bán gia cầm. Dần dà, thông qua các mối quen biết trong làm ăn, chị không chỉ bán ở chợ mà còn bỏ mối gia cầm các loại cho các quán ăn, nhà hàng ở thành phố Đông Hà và một số vùng lân cận như Gio Linh, Cam Lộ. Nhờ vậy thu nhập của chị đã ổn định và khá hơn nhiều. Có được thu nhập ổn định, chị có điều kiện sửa chữa lại căn nhà khang trang, lo cho các con ăn học đầy đủ, nuôi nấng mẹ già chu đáo hơn. Ở địa phương, chị được đánh giá là một trong những điển hình về sự năng động, vượt khó vươn lên hoàn cảnh éo le để xây dựng cuộc sống ấm no và cũng là hội viên gương mẫu, tích cực trong công tác hội phụ nữ, nông dân. Lập nghiệp trên vùng đất mới
 |
Anh Nguyễn Tiến Phong lập nghiệp trên vùng kinh tế mới xã Triệu Thượng |
Anh Nguyễn Tiến Phong, 36 tuổi (ở thôn kinh tế mới Nhan Biều 1, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong) là con thứ 3 trong gia đình gồm 9 anh chị em nghèo. Trong số 9 anh chị em của mình thì không may Phong bị dị tật cánh tay trái do ảnh hưởng từ người bố là bộ đội bị nhiễm chất độc da cam khi chiến đấu ở chiến trường phía Nam, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Cũng như nhiều người khuyết tật khác, thời gian đầu anh luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti về ngoại hình của mình. Tuy nhiên với suy nghĩ không muốn phụ thuộc vào người khác, là gánh nặng cho gia đình nên anh quyết tâm phải tự vươn lên trong cuộc sống bằng cách phát triển kinh tế. Năm 2012, anh xin lên vùng kinh tế mới ở thôn Nhan Biều 1 để lập nghiệp, nhưng ban đầu gặp không ít khó khăn do thiếu vốn. Được sự hỗ trợ của gia đình và người thân số tiền 80 triệu đồng, anh đầu tư xây dựng chuồng trại để làm mô hình chăn nuôi heo thịt, gà. Anh chia sẻ, lúc đầu mới chăn nuôi, do thiếu kinh nghiệm, chưa nắm rõ kiến thức chăn nuôi nên heo, gà thường xuyên mắc bệnh. Sau này, qua mày mò tìm hiểu nắm rõ kỹ thuật chăn nuôi, biết cách tiêm phòng đầy đủ cho đàn heo, gà nên anh Phong đã vượt qua được khó khăn. Mô hình dần ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế. Việc chăn nuôi với người bình thường đã vất vả thì đối với anh càng khó khăn gấp bội do một tay không thể cử động được. Nhưng bằng tất cả nghị lực và khát vọng làm giàu chính đáng, anh đã dần vượt qua và tìm thấy thành công bước đầu. Từ mô hình chăn nuôi của mình, mỗi năm anh Phong có thu nhập trên 50 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Cũng nhờ có thu nhập ổn định mà anh Phong đã tự mình cải thiện cuộc sống, xây dựng được nhà cửa, mua sắm được phương tiện đi lại. Anh cho biết, những thành công trên chỉ là bước đầu, anh vẫn đang còn ấp ủ nhiều dự định phía trước để đạt được những thành công hơn nữa với khát vọng chinh phục trên vùng đất mới. Năm 2013, anh tham gia vào Hội nạn nhân chất độc da cam xã Triệu Thượng và là một trong những hội viên tích cực, luôn đi đầu trong hoạt động hội cũng như phát triển kinh tế. Bài, ảnh: ĐỨC VIỆT