Tình người trong lũ dữ
(QT) - Đã ba mươi năm sống ở bên dòng Đakrông này nhưng đây là lần đầu tiên bà Nguyễn Thị Diệu (cụm dân cư Km 32, đường Hồ Chí Minh, thuộc thôn Húc Nghì, xã Húc Nghì, Đakrông, Quảng Trị) tận mắt chứng kiến sự giận dữ của dòng sông vốn hiền hoà nằm khuất dưới những tầng đá núi.  Lúc đó khoảng 17 giờ chiều, ngày 29/9/2009, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, vùng thượng nguồn mưa rất to, nước sông dâng cao và chỉ trong phút chốc đã chảy tràn bờ. Dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy đã cuốn phăng tất cả ...

Tình người trong lũ dữ

(QT) - Đã ba mươi năm sống ở bên dòng Đakrông này nhưng đây là lần đầu tiên bà Nguyễn Thị Diệu (cụm dân cư Km 32, đường Hồ Chí Minh, thuộc thôn Húc Nghì, xã Húc Nghì, Đakrông, Quảng Trị) tận mắt chứng kiến sự giận dữ của dòng sông vốn hiền hoà nằm khuất dưới những tầng đá núi. Lúc đó khoảng 17 giờ chiều, ngày 29/9/2009, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, vùng thượng nguồn mưa rất to, nước sông dâng cao và chỉ trong phút chốc đã chảy tràn bờ. Dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy đã cuốn phăng tất cả những gì có ở trên bờ. Không kịp mang theo một thứ gì, cả 5 con người sinh sống trong ngôi nhà này chỉ biết lao ra khỏi dòng nước dữ để lên tầng trên trụ sở UBND xã nằm cách nhà bà chừng 15 mét. Nhiều người dân quanh đó cũng chỉ kịp hành động như thế, tất cả đều đã bỏ của chạy lấy người.

Giúp nhau dựng lại nhà cửa bị xiêu vẹo sau lũ ở Húc Nghì

Nước rút, thôn Húc Nghì như một bình địa, chỉ còn đất đá, cây cối ngổn ngang, dân làng nháo nhác gọi nhau, kiểm đếm lại xem có còn thiếu ai, thật may, lúc đó trời còn chưa tối, nếu lũ quét tràn qua lúc mọi người đang yên giấc thì không biết hậu quả sẽ khủng khiếp đến nhường nào. Thoát chết nhưng hơn 200 con người ở đây không thể vượt qua cái đói, cái rét vì nhà cửa cùng tất cả tài sản, lương thực, quần áo đã trôi theo dòng nước dữ. Hoảng hốt, thất vọng mọi người chỉ biết nhìn nhau và chờ đợi, nỗi thất vọng càng dâng cao khi đường Hồ Chí Minh qua địa bàn - con đường độc đạo nối Húc Nghì với bên ngoài đã bị đứt gãy nhiều đoạn. Phải tự cứu mình, Chủ tịch UBND xã Húc Nghì Hồ Văn Đàm (cũng là một trong số những gia đình bị trôi sạch nhà cửa) triệu tập ngay cuộc họp cán bộ cốt cán địa phương để triển khai phương án khắc phục hậu quả. Các thông tin từ cơ sở báo lên cho biết, chỉ hai thôn nằm bên dòng Đakrông là Húc Nghì và 37 là chịu tổn thất nặng nề, còn lại La Tó, Bản Cựp tuy có nhà bị ngập, trôi, xiêu vẹo, tốc mái nhưng nhìn chung thiệt hại không đáng kể.

Bây giờ đường Hồ Chí Minh vào Tà Rụt đã thông xe. Những chuyến hàng cứu trợ cho đồng bào vùng bị lũ quét đang được khẩn trương triển khai, nhưng nếu không có sự chủ động, tích cực ứng phó của địa phương và tấm lòng sẻ chia, tương thân tương ái của người dân sở tại thì chắc chắn nỗi khổ của những người bị nạn sẽ còn chồng chất. Rồi đây những tàn tích của trận lũ quét cũng sẽ phôi pha, cuộc sống sẽ dần bình yên trở lại, nhưng những nét đẹp của tình người trong lũ dữ thì sẽ còn lưu giữ mãi trong tiềm thức của bao người.

Trước hết phải lo cái ăn, cái mặc cho bà con, Chủ tịch UBMT xã Hồ Văn Mười đảm nhiệm việc kêu gọi các tổ chức đoàn thể trong xã vận động người dân vùng ít bị thiệt hại giúp đỡ bà con vùng bị nạn. Của ít lòng nhiều, người loong gạo, người tấm quần, cái áo, tấm chăn, cái nồi, cái bát, chỉ trong một buổi sáng xã đã vận động được gần 3 triệu tiền mặt cùng 200 loong gạo, 20 thùng mì ăn liền, 10 bộ quần áo, 7 cái chăn, 3 cái màn cùng nhiều đồ dùng gia dụng khác như chén bát, nồi, dao rựa để trợ cứu kịp thời cho những gia đình bị nạn. Anh Bùi Ngọc Lợi, một hộ kinh doanh nhà ở đường vào La Tó nghe tin thôn Húc Nghì bị lũ nặng đã vội vàng mang 10 thùng mì ăn liền, mấy chục cân gạo vượt qua đoạn đường bị lũ đánh sập để cứu trợ cho bà con đang đói lả vì mưa lũ. Anh Nguyễn Mạnh Hùng nhà bán tạp hóa ở thôn 37 sau khi đường thông cũng đã ra Km 30, 32 cứu trợ cho giáo viên và những gia đình bị lũ cuốn trôi. Những nghĩa cử cao đẹp đó đã tiếp sức cho người dân vùng bị lũ quét vượt qua thời điểm khó khăn và càng có ý nghĩa hơn khi mọi ngã đường vào Húc Nghì đều đã bị phong toả. Khi cái ăn cơ bản đã được giải quyết, xã chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ, người dân tại chỗ và huy động hàng chục bà con ở La Tó, Bản Cựp ra hỗ trợ các thôn bị nạn dựng lại các nhà bị xiêu vẹo, vận động các nhà ở vùng cao không bị thiệt hại đón những người bị nạn về ở tạm, chia nhau củ sắn củ khoai để vượt qua hoạn nạn. Nhờ chủ động khắc phục mà chỉ sau hai ngày khi lũ quét đi qua, 144 gia đình bị nạn ở Húc Nghì đã ổn định cuộc sống, dù chỉ ở trong những căn nhà tạm, ăn cháo ăn rau nhưng không có ai bị bỏ rơi trong những thời khắc ngặt nghèo, khốn khó nhất. Trên đường vào Tà Rụt, một quang cảnh hoang tàn đổ nát bao trùm. Trước kia đây là vùng đất trù phú, nổi tiếng với những ruộng lúa, vườn chuối, vườn cây xanh tốt, nhưng chỉ sau một đêm không ai còn có thể nhận ra những khu dân cư đông đúc như A Vương, A Liêng, Vực Leng, Tà Rụt 1, Rụt 2 được nữa, tất cả đã bị xoá sổ, làng bản tiêu điều xơ xác và chìm ngập trong củi rác từ khắp nơi trôi dạt về. Ông Kôn Ngư ở Tà Rụt 1 khẳng định rằng, 40 - 50 năm nay chưa bao giờ chứng kiến một trận lũ quét tàn khốc đến thế. Lũ đã mang theo nó tất cả những gì mà người dân nơi đây dành dụm được. Thiệt hại là vô cùng to lớn, nhưng qua cơn lũ, người dân càng quý trọng hơn những con người tận tuỵ vì dân, mà Chủ tịch UBND xã Trần Đình Bắc là một ví dụ. Những ngày trước khi lũ bão xảy ra, thực hiện phương án phòng chống lụt bão của huyện, từ Bí thư, Chủ tịch đến các cán bộ địa phương đã đêm ngày bám sát dân, bám sát địa bàn đôn đốc việc chuẩn bị ứng phó, khi thấy nước sông dâng cao, xã đã điều động lực lượng, phương tiện về các điểm xung yếu để di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, ai không tự nguyện di dời đều bị cưỡng chế, do đó khi nước lũ tràn về trên 1.000 người dân vùng thấp lụt đã được bảo vệ an toàn. Còn khi nước bắt đầu rút, địa phương kịp thời huy động lực lượng tập trung khắc phục hậu quả. Xã đã chủ động đứng ra tín chấp để mua lương thực, thực phẩm, chăn màn, soong nồi để hỗ trợ các gia đình bị nạn, kêu gọi người dân nhường cơm xẻ áo cho nhau, đảm bảo không ai bị thiếu đói dù là trong thời điểm địa phương đang bị bao vây do giao thông, thông tin liên lạc hoàn toàn bị tắc nghẽn. Tất cả 44 ngôi nhà bị trôi đều được bà con vào rừng chặt tre, chặt cây làm nhà tạm trú nắng mưa, những nhà bị xiêu vẹo, sập đổ cũng đã được dựng lại. Bây giờ đường Hồ Chí Minh vào Tà Rụt đã thông xe. Những chuyến hàng cứu trợ cho đồng bào vùng bị lũ quét đang được khẩn trương triển khai, nhưng nếu không có sự chủ động, tích cực ứng phó của địa phương và tấm lòng sẻ chia, tương thân tương ái của người dân sở tại thì chắc chắn nỗi khổ của những người bị nạn sẽ còn chồng chất. Rồi đây những tàn tích của trận lũ quét cũng sẽ phôi pha, cuộc sống sẽ dần bình yên trở lại, nhưng những nét đẹp của tình người trong lũ dữ thì sẽ còn lưu giữ mãi trong tiềm thức của bao người. Bài và ảnh: Hoàng Đức.