(QT) - Báo Quảng Trị số 5053 ra ngày 20/12/2016 có bài “Bị chết khi đang làm nhiệm vụ phục vụ kháng chiến có được suy tôn liệt sĩ?”, phản ánh về trường hợp ông Nguyễn Văn Thất và con ông là Nguyễn Văn Luyện ở thôn Đại Lộc (nay là Thôn 5) xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, hy sinh vào tháng 6/1972 trong lúc đang làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, bộ đội, cán bộ qua sông, chở dân đi sơ tán và thương binh trong chiến dịch giải phóng Thành Cổ Quảng Trị. Thế nhưng chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng đều cho rằng chưa đủ căn cứ pháp lý để xác nhận liệt sĩ đối với ông Nguyễn Văn Thất và ông Nguyễn Văn Luyện. Không đồng ý, gia đình ông Nguyễn Công Đoan (con ông Nguyễn Văn Thất) nhiều lần có đơn kiến nghị, khiếu nại phải xác nhận liệt sĩ cho những người đã hy sinh.
Sau bài báo “Bị chết khi đang làm nhiệm vụ phục vụ kháng chiến có được suy tôn liệt sĩ?”, Báo Quảng Trị tiếp tục thu thập tài liệu để làm sáng tỏ sự việc. Một trong những căn cứ quan trọng là Bản khai của nhân dân và Giấy xác nhận thành tích được Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận, Chủ tịch Hội đồng khen thưởng xã Triệu Thuận, UBND huyện Triệu Hải và ông Lê Vấn (Trưởng ban tự quản thôn Đại Lộc năm 1972, người trực tiếp giao nhiệm vụ) chứng nhận vào năm 1983 về gia đình bà Trương Thị Chơn ghi rõ: “Bà Chơn có 3 tháng (3/1972 - 6/1972) cả người và thuyền vận chuyển lương thực, vũ khí; đưa bộ đội, cán bộ qua sông, chuyển dân sơ tán ra Bắc. Trong lúc làm nhiệm vụ địch thả bom gia đình chết 2 người và hỏng thuyền tải trọng 3 tấn có gắn máy F4...”; “... con Nguyễn Văn Luyện làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, bộ đội qua sông và bị trúng bom từ trường chết”. Hai người chết đó là chồng Nguyễn Văn Thất và con trai Nguyễn Văn Luyện của bà Chơn.
Qua hồ sơ, tài liệu hiện có; đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành, quan điểm của chính quyền, cơ quan chức năng, chúng tôi nhận thấy việc cho rằng chưa đủ cơ sở pháp lý để xác nhận liệt sĩ là không xác đáng. Vậy nên, Báo Quảng Trị đã liên tiếp có bài đăng ở số báo ra ngày 23/12/2016; 27/6 và 22/8/2017 về các nội dung liên quan. Từ các tài liệu được cấp thẩm quyền xác nhận vào năm 1983 về công lao đóng góp và sự hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ của 2 trường hợp trên, chúng tôi đã trích dẫn các căn cứ pháp luật và phân tích, trao đổi, đưa ra quan điểm là có căn cứ để xác nhận liệt sĩ. Từ đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xác nhận liệt sĩ đối với trường hợp hy sinh của ông Nguyễn Văn Thất và Nguyễn Văn Luyện.
Ngày 28/11/2017, UBND xã Triệu Thuận có Thông báo số 61/TBUBND về việc giải quyết, trả lời đơn kiến nghị của ông Nguyễn Văn Trinh (cháu nội của ông Nguyễn Văn Thất) và Nguyễn Công Đoan về đề nghị suy tôn liệt sĩ: “…Ngày 10/10/2017, Hội đồng chính sách xã Triệu Thuận có phiên làm việc cùng gia đình ông Nguyễn Công Đoan, đã kiểm tra hồ sơ tại bản khai thành tích ở Mục 10 (với nội dung trước và trong kháng chiến ai đã làm việc giúp cho kháng chiến?) thì bà Trương Thị Chơn (vợ ông Nguyễn Văn Thất) khai: “Con Nguyễn Văn Luyện làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho bộ đội và đưa dân đi sơ tán bị bom từ trường nổ chết”… Bản khai đã được ông Lê Vấn, Trưởng Ban tự quản thôn Đại Lộc B thời đó xác nhận.
Trên cơ sở đó, ngày 24/11/2017, Hội đồng chính sách xã đã có phiên họp và thống nhất để trả lời đơn cho ông Nguyễn Công Đoan, theo đó Hội đồng đã thống nhất làm hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ cho ông Nguyễn Văn Luyện với lý do trong hồ sơ bản khai thành tích nhân dân của bà Trương Thị Chơn ngày 14/4/1983 có ông Lê Vấn chứng nhận và xác nhận của chính quyền địa phương ngày 30/5/1983 với nội dung: “Con Nguyễn Văn Luyện làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, bộ đội, cán bộ qua sông và đưa dân đi sơ tán bị bom từ trường chết”, theo bản khai trên ông Nguyễn Văn Luyện được phân công làm nhiệm vụ và bị bom từ trường nổ chết, đủ cơ sở pháp lý để làm hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ theo Khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013, căn cứ để xác nhận liệt sĩ là:
1. Danh sách liệt sĩ lưu tại cơ quan, đơn vị có ghi tên người hy sinh, hoặc giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31/12/1994 trở về trước có ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu”.
Như vậy, sau một thời gian khá dài gia đình kiến nghị, khiếu nại, báo chí vào cuộc, đến nay cấp có thẩm quyền ở cơ sở đã thống nhất xác nhận liệt sĩ đối với trường hợp hy sinh của ông Nguyễn Văn Luyện.
Báo Quảng Trị sẽ tiếp tục theo dõi và kịp thời thông tin đến bạn đọc sự việc.
Tùng Lâm