Cam Lộ đẩy mạnh liên kết để tái cơ cấu ngành nông nghiệp
(QT) - Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua huyện Cam Lộ đã ban hành nhiều Nghị quyết, đề án về phát triển nông nghiệp, nông thôn và đạt được một số kết quả quan trọng. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc trao đổi với đồng chí LÊ VĂN THANH, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ về vấn đề này.

Cam Lộ đẩy mạnh liên kết để tái cơ cấu ngành nông nghiệp

(QT) - Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua huyện Cam Lộ đã ban hành nhiều Nghị quyết, đề án về phát triển nông nghiệp, nông thôn và đạt được một số kết quả quan trọng. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc trao đổi với đồng chí LÊ VĂN THANH, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ về vấn đề này.

- Thưa đồng chí! Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là chủ trương và mục tiêu lớn của tỉnh, điều này càng có ý nghĩa với một địa phương thuần nông như huyện Cam Lộ, đề nghị đồng chí cho biết rõ hơn những kết quả cụ thể trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện thời gian qua?

- Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua huyện Cam Lộ đã ban hành nhiều Nghị quyết, đề án về phát triển nông nghiệp, nông thôn và đạt được một số kết quả quan trọng. Bước đầu huyện hình thành tư duy tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, sản phẩm nông nghiệp làm ra từng bước gắn với thị trường tiêu thụ; năng suất chất lượng và giá trị thu nhập từ sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng.

Đến nay, huyện Cam Lộ đã xác định và hình thành các vùng chuyên canh nông sản chủ lực, cụ thể: toàn huyện hiện có 4.243 ha cao su, gần 1.000 ha lạc nguyên liệu, 336 ha cây hồ tiêu, 15.000 ha rừng trồng. Thời gian gần đây, địa phương đã bắt đầu hình thành các vùng sản xuất cây dược liệu như cà gai leo, chè vằng, nghệ...

Cùng với việc phát triển các loại cây trồng chủ lực, huyện Cam Lộ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị cao hơn gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Hiện toàn huyện đã chuyển đổi 77 ha rừng sản xuất, sắn vốn là những vùng bạc màu sang trồng dứa, 27 ha rừng sản xuất, sắn sang trồng các loại cây dược liệu và 20 ha đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng lạc.

Nhà máy chế biến gỗ đóng trên địa bàn huyện Cam Lộ giúp giải quyết đầu ra cho sản phẩm gỗ rừng trồng của địa phương. Ảnh: L.T

Trong chăn nuôi, tỷ lệ bò lai trên địa bàn huyện đạt 65-75%, có nơi lên đến 100%; tốc độ gia tăng giá trị sản xuất bình quân 18,1% năm đạt 113% kế hoạch, nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi lên 38% trong cơ cấu nông nghiệp. Huyện xác định mục tiêu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhằm xây dựng và phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao.

Từ việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã xuất hiện một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao; đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản lượng nông nghiệp của địa phương liên tục tăng.

-Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của huyện gặp những thuận lợi, khó khăn gì, thưa đồng chí?

- Yếu tố thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của địa phương là: Giao thông thuận lợi cho việc vận chuyển lưu thông, trao đổi, giới thiệu hàng hóa. Đặc điểm địa hình, đất đai, thổ nhưỡng tạo được nhiều sản phẩm mang tính đặc sản vùng miền, đồng thời thuận lợi cho việc phát triển đa dạng nông sản có giá trị gia tăng trên quy mô lớn.

Các đề án phát triển các cây con chủ lực đã có những kết quả nhất định làm nền tảng cho chiến lược phát triển trong giai đoạn mới. Các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn đang phát huy hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đang xây dựng phương án đầu tư phát triển trong thời gian tới.

Hệ thống hồ, đập dâng cơ bản được xây dựng với trữ lượng nước chứa trên 70 triệu m3/năm thuận lợi cho đầu tư xây dựng giải pháp tưới cho cây trồng cạn và cây công nghiệp dài ngày. Nguồn nhân lực khá dồi dào với trên 26.122 lao động trong độ tuổi.

Tuy chất lượng lao động chưa cao, hầu hết là lao động phổ thông, nhưng người dân Cam Lộ có truyền thống cần cù hiếu học, đây là yếu tố cơ bản có tác dụng thúc đẩy sự chuyển hóa nguồn nhân lực về chất.

Bên cạnh những thuận lợi, tái cơ cấu nông nghiệp ở Cam Lộ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Phương thức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn lạc hậu, chủ yếu dựa trên quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung, liên kết.

Vai trò của hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp trong hỗ trợ kinh tế hộ chưa phát huy hiệu quả. Tính liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sinh học, quy trình canh tác tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp còn ít. Sản phẩm tạo ra thiếu đồng nhất, tính cạnh tranh chưa cao; chi phí sản xuất tăng nhưng giá nông sản bấp bênh, phụ thuộc tư thương.

Các dịch vụ và hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu; việc cung ứng các dịch vụ nông nghiệp còn khó khăn, nhất là giống sản xuất, nước tưới tiêu nông nghiệp, bảo vệ thực vật...

Nguồn lực đầu tư cho sản xuất nông nghiệp của huyện, nguồn vốn đầu tư tự có của nhân dân hạn chế, đầu tư dàn trải, độc lập theo chương trình riêng nên không hình thành được gói đầu tư hạ tầng đồng bộ.

Tư tưởng bảo thủ của nông dân còn nặng nề với phương thức canh tác truyền thống, chưa mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Trình độ thâm canh còn chênh lệch lớn giữa các vùng, giữa các hộ trong cùng một khu vực sản xuất... nên chưa phát huy tối đa tiềm năng lợi thế về sản xuất nông nghiệp của địa phương.

- Mục tiêu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp là thúc đẩy sản xuất quy mô lớn, tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, vấn đề này lại bắt đầu từ khâu tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Vậy, huyện Cam Lộ có những biện pháp gì trong kết nối cung- cầu trong sản xuất nông nghiệp?

- Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp gắn với chế biến, những năm qua huyện Cam Lộ đã nỗ lực kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến một số nông sản chủ lực.

Cùng với đó, các loại hình kinh tế trong nông thôn phát triển đa dạng hơn; xuất hiện ngày càng nhiều ngành nghề dịch vụ phi nông nghiệp. Bước đầu hình thành chuỗi giá trị liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp trong sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp nông dân làm ra như cao su, hồ tiêu, sắn, lạc, gỗ rừng trồng… đã gắn với các nhà máy chế biến theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, trên địa bàn huyện hiện có nhà máy chế biến tinh bột sắn An Thái có công suất chế biến 800 - 1.000 tấn sắn tươi/ngày. Với tổng sản lượng sắn trên địa bàn huyện khoảng gần 31.000 tấn sắn tươi/năm, cung ứng khoảng 20% nguyên liệu sản xuất của nhà máy.

Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ có công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm tương đương trên 15.000 tấn mủ nước/năm. Với tổng sản lượng mủ nước cao su của huyện gần 8.000 tấn/năm, địa phương đã cung ứng trên 50% nguyên liệu cho nhà máy.

Nhà máy sơ chế tinh dầu lạc Từ Phong có công suất 1.500 tấn sản phẩm/năm tương đương gần 5.000 tấn lạc. Với tổng sản lượng lạc bình quân toàn huyện 1.300 – 1.500 tấn/năm, đáp ứng gần 30% công suất của nhà máy. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có Làng nghề nấu cao Định Sơn (xã Cam Nghĩa) chế biến với tổng sản lượng cao các loại trung bình đạt khoảng 135 tấn/năm (tương đương khoảng 1.350 tấn nguyên liệu tươi); làng nghề truyền thống bún Cẩm Thạch (xã Cam An) chế biến gần 3.600 tấn lúa/năm; nghề chế biến tinh bột nghệ tập trung chủ yếu ở vùng Cùa (gồm 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa) tiêu thụ bình quân trên 100 tấn nghệ tươi/năm…

Thực tế trên có thể khẳng định, công tác chế biến của các nhà máy, làng nghề trên địa bàn cơ bản tiêu thụ hết sản lượng nông sản cho người sản xuất. Tuy nhiên quá trình liên kết thu mua chế biến hiệu quả chưa cao, vẫn còn tình trạng tư thương ép giá.

Một trong những nguyên nhân chính do công tác tổ chức sản xuất chưa có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ từ sản xuất, thu hoạch, kế hoạch và phương án thu mua; công tác phối hợp với chính quyền để phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc liên kết, định hướng và tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu còn hạn chế.

Trước thực trạng này, giữa tháng 4/2017, huyện Cam Lộ đã tổ chức Hội chợ nông sản lần thứ nhất. Gần 90 mặt hàng nông sản, làng nghề tiêu biểu của huyện Cam tham gia giới thiệu tại chợ. UBND huyện đã tôn vinh 3 sản phẩm tiêu biểu gồm: tinh dầu lạc SUPER GREEN của Công ty TNHH MTV Từ Phong; cao dược liệu của Công ty TNHH Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy; tiêu Cùa của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Hồ tiêu Cùa và công nhận 24 sản phẩm tiêu biểu huyện Cam Lộ năm 2017.

Sản phẩm được bình chọn và tôn vinh năm nay sẽ được UBND huyện xét ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, khuyến nông; được tư vấn, tiếp cận các chính sách và đăng tải trên kênh thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm đặc sản của huyện.

Từ đây, các đơn vị sản xuất có cơ hội giới thiệu trực tiếp về sản phẩm của mình, cũng như người tiêu dùng có thể tìm hiểu cụ thể về sản phẩm. Đây chính là sự kết nối giữa cung - cầu nhằm kích thích, thúc đẩy liên doanh, liên kết trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Lâm Thanh (thực hiện)