(QT) – Hôm nay 27.3.2019, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững (Ban Chỉ đạo 886) tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện năm 2018 và triển khai nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2019. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 886 tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì hội nghị.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng yêu cầu chủ rừng và các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy tại chỗ và rà soát lại quy chế phối hợp |
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có tổng diện tích tự nhiên 473.743 ha, diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp 294.705,5 ha, trong đó diện tích có rừng là 253.465,1 ha (rừng tự nhiên 142.829,6 ha, rừng trồng 110.635,5 ha). Độ che phủ rừng đạt 50,1%.Trong công tác quản lí, bảo vệ rừng, Ban Chỉ đạo 886 tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, chủ rừng rà soát quy hoạch 3 loại rừng trên cơ sở kết quả kiểm kê rừng đề xuất điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với tình hình thực tiễn. Năm qua, có 5 dự án xin chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích chuyển đổi 153,7534 ha (rừng trồng 86,7634 ha, đất trồng 66,99 ha).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án thủy điện, điện gió… phát triển và được đầu tư xây dựng. Thống kê đến tháng 3/2019, đã có 58 dự án điện gió với tổng diện tích khảo sát 31.803,55 ha; trong đó, đất có rừng 6.577,16 ha, đất trống là 25.226,4 ha. Sự phát triển của các dự án điện gió cần phải được xem xét kĩ lưỡng để không ảnh hưởng đến quy hoạch 3 loại rừng và công tác quản lí, bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 886 tiếp tục đẩy mạnh việc giao rừng cho dân bảo vệ và hưởng lợi từ rừng. Kết quả năm 2018, đã giao được 2.147,42 ha. Đến nay, tổng diện tích rừng tự nhiên trên toàn tỉnh đã giao là 20.330 ha (gồm 106 cộng đồng và 1.059 gia đình). Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 886 cũng đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm tra, phát hiện và xử lí các hành vi xâm hại rừng, nòng cốt là Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở, chủ rừng tăng cường công tác quản lí, bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lí các hành vi xâm hại rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản trên địa bàn.
Về công tác phát triển rừng, nâng cao năng suất chất lượng rừng, năm 2018, toàn tỉnh trồng được 7.240 ha rừng; trong đó, rừng sản xuất 7.150 ha, rừng phòng hộ 90 ha; trồng phân tán 2,7 triệu cây các loại. Với tiềm năng lớn về đất đai, hằng năm, trên địa bàn tỉnh đã trồng mới và trồng lại trên diện tích khai thác trên 7.000 ha rừng sản xuất tập trung. Với diện tích rừng trồng sản xuất hiện có và năng suất ngày một nâng cao, đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 22.158,7 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ (sản lượng khai thác rừng trồng năm 2018 đạt 850.000 m 3 ) cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định…
Về nhiệm vụ năm 2019, Ban Chỉ đạo 886 tiếp tục triển khai rà soát chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất; quản lí chặt chẽ đối với các dự án phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp; bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; tăng cường công tác giao đất, giao rừng, rà soát lại việc giao đất, giao rừng để phát huy tối đa giá trị sử dụng đất lâm nghiệp, giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp đất rừng; duy trì độ che phủ trên 50%; phấn đấu năm 2019 tăng diện tích rừng có chứng chỉ FSC trên 1.000 ha…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 886 tỉnh Hà Sỹ Đồng đánh giá cao việc vượt qua mọi khó khăn để tập trung công tác thực hiện triển khai công tác bảo vệ, phát triển rừng của các đơn vị, cơ quan và nhân dân. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn còn để thất thoát, mất rừng, ở một số địa bàn vẫn để xảy ra điểm nóng. Tình trạng phát rừng làm nương rẫy, lấn chiếm đất ở các lâm nghiệp, doanh nghiệp quản lí rừng vẫn diễn ra. Đây là bài học kinh nghiệm để Ban Chỉ đạo 886 tỉnh và các đơn vị, địa phương kiểm điểm và sửa đổi trong năm 2019. Việc chuyển đổi đất rừng vẫn chưa chính xác, còn sai sót trên thực địa và trên văn bản, sổ sách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng yêu cầu các đơn vị cần chấn chỉnh lại để hoạt động tốt hơn trong năm 2019. Triển khai tuyên truyền Luật Nông nghiệp. Trên cơ sở kế hoạch của Ban Chỉ đạo 886, yêu các các huyện xây dựng kế hoạch bảo vệ, phòng chống cháy rừng cụ thể với từng địa phương để có chỉ đạo đồng bộ về tận các thôn, xã. Thường trực Ban Chỉ đạo phải hỗ trợ tối đa các địa phương, chủ rừng về việc xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng. Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát lại diện tích đất rừng để quy hoạch, chuyển đổi sang đất nông nghiệp được thì để các địa phương triển khai. Đất nào trồng được rừng gỗ lớn thì tích cực trồng và tăng diện tích rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC, nâng cao giá trị gia tăng của rừng. Các địa phương cần phải hướng đến việc phát triển rừng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế đất đai của tỉnh. Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp kinh doanh lâm sản trên địa bàn.
Về việc phát triển vườn ươm giống, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng giao Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng một vườn ươm cây giống có quy mô, đủ cung cấp giống trên thị trường tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu hỗ trợ xây dựng vườn ươm cây giống này. Về giải quyết tranh chấp đất đai, yêu cầu các đơn vị quản lí rừng rà soát lại ngoài thực địa và có báo cáo với Ban Chỉ đạo 886 để Ban Chỉ đạo báo cáo với UBND tỉnh có biện pháp xử lí dứt điểm theo quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp, công ty quản lí rừng cần xây dựng phương án thu hồi diện tích đất bị người dân xâm lấn, giải quyết hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy tại chỗ, rà soát lại quy chế phối hợp giữa chủ rừng và các đơn vị liên quan, phân công trách nhiệm rõ ràng.
Trần Tuyền