Nối nhịp cầu mơ ước
(QT) - Những ngày giáp Tết Ất Mùi 2015, được đi trên chiếc cầu mơ ước bấy lâu, lòng người dân xóm Cỏ Ống, thôn Duân Kinh, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) phấn chấn hẳn lên. Chiếc cầu bắc qua sông Vĩnh Định này được xây dựng nên bởi tấm lòng của một sư bà cũng như sự đóng góp đầy ân tình từ những người con xa quê của thôn nghèo này. Nối bờ vui Thênh thang bước đi trên chiếc cầu cong vút bắc qua dòng sông Vĩnh Định còn thơm mùi vôi vữa, cụ ông Trần Đãi (71 tuổi) trưởng xóm Cỏ Ống cười rổn rảng khoe: “Vậy là tết năm nay tôi đi thăm bà con, xóm giềng được nhiều hơn rồi, chứ trước đây phải đi đường vòng cực lắm. Nay có cầu, chỉ cần nhờ con cháu đèo xe máy chạy vèo cái là qua được sông liền. Có cầu, giao thông thuận lợi thì làm chi cũng sướng”.
.jpg) |
Lễ khánh thành cầu Mơ ước |
Cụ Đãi cho biết, xóm Cỏ Ống là một phần đất thuộc thôn Duân Kinh, nhưng lại nằm tách biệt phía nam sông Vĩnh Định. Xóm có 22 hộ với 112 nhân khẩu, cuộc sống chủ yếu dựa vào làm lúa và trồng màu. Có một nghịch lý là người dân xóm Cỏ Ống mỗi lần làm ruộng phải vượt sông hoặc đi đường vòng để qua thôn Duân Kinh, còn ngược lại, người thôn Duân Kinh mỗi khi làm màu cũng phải đi quãng đường tương đương để qua xóm Cỏ Ống. “Đất lúa thì nằm ở Duân Kinh, đất màu thì nằm ở Cỏ Ống, thành ra bà con cứ đi làm chồng chéo thế. Vất vả vô cùng, nhất là mùa mưa lầy lội. Đi không còn mệt huống hồ phải lỉnh kỉnh vận chuyển thêm giống, phân tro, nông cụ… Nếu không muốn đi đò ngang nguy hiểm thì người dân chúng tôi buộc phải đi đường bộ băng qua mấy làng mới tới nơi. Nhưng nay thì khỏe rồi!”, các anh Lê Hoàng, Trần Đặng ở thôn Duân Kinh vừa vận chuyển phân bón qua sông để bón cho hoa màu, vừa hớn hở cho hay. Ông Trần Tiến, trưởng thôn Duân Kinh cho biết, thực ra trước đây ở thôn cũng có một cây cầu sắt bắc qua sông phục vụ dân sinh cho xóm Cỏ Ống với bên ngoài. Nhưng trận lũ lịch sử vào năm 1996 đã làm cầu trôi mất, người dân bị cách trở đò giang từ đó. “Nói thật, khi cầu mất người dân Duân Kinh, đặc biệt là xóm Cỏ Ống khổ trăm bề. Từ chuyện con cái học hành cho tới chuyện đám ma, đám cưới và những chuyện họ tộc khác. Đám ma, đám cưới phải xin phép thông qua các làng của xã khác họ mới thông cảm cho đi. Mà do đi đường vòng nên phải mất cả chục cây số, trong khi theo đường chim bay thì chỉ cách có vài trăm mét là đến nơi”, ông Trần Tiến cho biết.
.jpg) |
Niềm vui của sư bà Thích Nữ Như Hoa trong buổi lễ khánh thành cầu |
Trước sự khổ sở của bà con, chính quyền xã Hải Xuân, thôn Duân Kinh cũng trăn trở rất nhiều. “Nhưng do không có nguồn kinh phí nên địa phương cũng chịu. May sao vừa qua, nhờ có sự giúp đỡ của sư bà Thích Nữ Như Hoa (74 tuổi) ở Bà Rịa - Vũng Tàu vận động và hỗ trợ cho 1,1 tỷ đồng cộng với sự đóng góp thêm của con em xa quê và người dân địa phương nên mới có cây cầu này. Bà con phấn khởi lắm. Họ đã đặt tên cho cây cầu là cầu Mơ ước như thể hiện niềm hạnh phúc của mình”, ông Cái Văn Thơ, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Xuân cho biết. Tấm lòng của sư bà Ông Trần Tiến kể, cơ duyên để “bắc nhịp cầu mơ ước” ở thôn ông cũng thật tình cờ. Nguyên trong thôn có một người đi tu ở tận miền Nam, biết sư bà Thích Nữ Như Hoa hay làm từ thiện, nhất là xây cầu cho dân nên kể cho ông Tiến. Thế là vào tháng 1/2014, ông Tiến cùng với chính quyền thôn viết thư gửi trực tiếp cho sư bà Thích Nữ Như Hoa-người chưa từng quen biết trước đó đối với ông Tiến cũng như người dân thôn Duân Kinh, xóm Cỏ Ống. “Gửi thì cũng gửi thế thôi chứ không hy vọng nhiều lắm. Trong đơn tôi cũng chỉ trình bày những khó khăn như thế, dân cầu mong chính đáng có một chiếc cầu để đi lại, sản xuất bởi việc lưu thông khó khăn, nguy hiểm quá. Nhưng không ngờ chỉ một thời gian ngắn lá thư đã được phúc đáp và sau đó chính sư bà Thích Nữ Như Hoa cũng với đoàn từ thiện của bà ra khảo sát trực tiếp. Khi bà gật đầu đồng ý hỗ trợ, chúng tôi rất vui mừng”, ông Tiến nói.
.jpg) |
Cây cầu tạo điều kiện đi lại cho người dân đôi bờ |
Ông Tiến cho biết, mức hỗ trợ thông thường của sư bà cũng chỉ dừng lại cỡ từ 500- 800 triệu đồng cho mỗi công trình cầu. Tuy nhiên, khi khảo sát về mặt vị trí địa lý, địa chất cũng như dòng chảy sông Vĩnh Định thì quả thật số tiền đó không đủ xây cầu để đảm bảo đạt tiêu chuẩn. Ít nhất phải có 1,7 tỷ đồng mới xây được chiếc cầu đúng tiêu chuẩn an toàn. “Nhưng cảm thông với người dân nghèo xóm Cỏ Ống cũng như thôn Duân Kinh, sư bà đã hứa cố gắng vận động thêm để hỗ trợ. Cuối cùng sư bà cũng đã vận động được 1,1 tỷ đồng để xây cầu cho thôn. Số tiền còn lại, thôn chúng tôi vận động con em quê hương đang làm ăn, công tác ở xa. May mà cuối cùng cũng đủ để xây cầu”, ông Tiến vui mừng cho biết thêm. Ngoài sự hỗ trợ trực tiếp về kinh phí của sư bà Thích Nữ Như Hoa, nhiều con em thành đạt xa quê cũng đã đóng góp thêm tiền bạc, hỗ trợ miễn phí về những phần việc như khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát kỹ thuật xây dựng cầu. Sau một thời gian ngắn thi công khẩn trương, chiếc cầu hội tụ của những tấm lòng này cũng đã hoàn thành. Và ngày 13/1/2015 vừa qua, đông đảo cán bộ, bà con nhân dân thôn Duân Kinh, xóm Cỏ Ống đã trang trọng tổ chức lễ khánh thành cầu với sự có mặt của sư bà Thích Nữ Như Hoa cũng như con em xa quê…Dịp này, sư bà Thích Nữ Như Hoa cũng đã dành tặng 450 suất quà cho các em học sinh nghèo vượt khó và người nghèo của xã Hải Xuân. Trong buổi lễ thông cầu, sau phần cắt băng khánh thành, nhân dân đôi bờ Vĩnh Định trong khu vực đã xúc động không nói nên lời. Những cụ già lặng lẽ ngắm chiếc cầu mới với bao trầm tư suy nghĩ. Những người trẻ, các em học sinh thì phấn khích chạy qua chạy về trên chiếc cầu…Những ngày giáp Tết Ất Mùi 2015 này, chúng tôi trở lại đôi bờ của “nhịp cầu mơ ước”, đã thấy những hàng quán, nhà cửa mới mọc lên còn thơm mùi vôi ve, từng tốp học sinh tung tăng đạp xe băng qua cầu, những đứa trẻ áo mới đủ màu sắc tụm năm tụm bảy nô đùa, những cụ già áo dài khăn đóng chỉnh tề nhai trầu đỏ thắm… Một khu vực hẻo lánh, cách trở ngày nào giờ đã bừng sáng, khởi sắc và nhộn nhịp hẳn. Nhịp cầu này đã mang lại niềm hân hoan thật sự cho bà con nghèo nơi đây, thắp lên cho họ những ước mong về một tương lai tươi sáng, rộng mở hơn! Bài, ảnh: LÊ ĐỨC VIỆT