Nghị lực của một người nhiễm HIV
(QT) - Một mái ấm hạnh phúc bên chồng con là niềm hạnh phúc bình dị nhất mà người phụ nữ nào cũng mơ ước. Nhưng với chị, hạnh phúc đó lại quá mong manh khi cưới nhau chưa được bao lâu, chị phát hiện ra mình bị nhiễm HIV và người truyền bệnh không ai khác chính là người chồng đầu gối tay ấp của chị.  Không một ai ở thị trấn vùng cao này tin chị Lan (tên nhân vật đã được thay đổi) bị nhiễm HIV. Bởi lẽ, chị là cán bộ ngành y, lại là một người hiền lành, chăm chỉ, từ nhỏ đến lớn chỉ biết lo đến ...

Nghị lực của một người nhiễm HIV

(QT) - Một mái ấm hạnh phúc bên chồng con là niềm hạnh phúc bình dị nhất mà người phụ nữ nào cũng mơ ước. Nhưng với chị, hạnh phúc đó lại quá mong manh khi cưới nhau chưa được bao lâu, chị phát hiện ra mình bị nhiễm HIV và người truyền bệnh không ai khác chính là người chồng đầu gối tay ấp của chị. Không một ai ở thị trấn vùng cao này tin chị Lan (tên nhân vật đã được thay đổi) bị nhiễm HIV. Bởi lẽ, chị là cán bộ ngành y, lại là một người hiền lành, chăm chỉ, từ nhỏ đến lớn chỉ biết lo đến chuyện học hành. Ra trường, chị xin vào công tác tại một cơ sở y tế trong huyện. Bản thân chị Lan cũng không tin vào điều đó nên khi cầm kết quả xét nghiệm trên tay, chị vẫn nghi ngờ và yêu cầu kiểm tra lại nhiều lần. Nhưng chị buộc phải chấp nhận sự thật đó khi người chồng thú nhận anh ấy bị nhiễm HIV trước khi cưới chị. Lời thú nhận muộn màng của chồng khiến chị Lan tan nát cõi lòng. Khi yêu và có ý định lập gia đình với anh, nhiều người khuyên chị nên suy nghĩ thật kỹ vì anh quê ở miền Bắc, lại là công nhân xây dựng nên thường đi đây đi đó nhưng chị bỏ qua tất cả.

Phụ nữ cần được trang bị các kiến thức về SKSS và HIV/ AIDS.

Chị không để ý đến quá khứ của anh vì chị tin ở con người anh và tình yêu của anh dành cho chị. Không ngờ niềm tin của chị đặt không đúng chỗ. Đau đớn hơn là anh biết mình bị nhiễm HIV từ lâu nhưng cố giấu không cho chị biết và cũng không áp dụng các biện pháp phòng tránh nào đối với chị. Lý do mà anh đưa ra là sợ chị biết sẽ xa lánh anh và anh nghĩ HIV ít lây qua đường tình dục. Chị không biết có nên tin vào lý do đó của chồng không, chỉ biết tương lai của mình dường như khép lại vĩnh viễn. Cưới nhau được một thời gian, chị Lan thấy trên người thường xuất hiện những mẫn ngứa nên đã điều trị bệnh ngoài da. Cho đến khi sức khỏe của chị ngày một giảm sút và trong một lần bị ốm phải nhập viện, kết quả xét nghiệm máu cho thấy chị bị dương tính với HIV. Lúc đó, chị Lan mới hiểu nguyên nhân vì sao sức đề kháng trong cơ thể của một phụ nữ ở độ tuổi 30 như chị bị suy giảm nghiêm trọng. Không chịu nỗi cú sốc đó, chị suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần mặc cho bạn bè, người thân luôn ở bên để động viên, an ủi chị. Chị không muốn gặp mặt chồng cho dù anh cầu xin chị hãy tha thứ cho những lỗi lầm mà mình gây ra. Suốt thời gian đó, chị Lan giam mình trong bóng tối. Rồi tình cờ một lần chị đọc được câu chuyện cảm động về những người phụ nữ nhiễm “H” trên một tờ tạp chí. Đó là câu chuyện về những người phụ nữ biết vượt qua mặc cảm bệnh tật để sống có ích cho gia đình, xã hội. Là một người công tác trong ngành y, chị biết HIV hiện vẫn chưa có thuốc chữa nhưng người bệnh vẫn có thể có một cuộc sống khỏe mạnh nếu tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Quan trọng hơn nếu người bệnh có tinh thần lạc quan, yêu đời thì có thể kéo dài tuổi thọ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị Lan quyết định tha thứ cho chồng. Chị nghĩ: “Đã say một chén cũng say, đã nên nhân nghĩa một ngày cũng nên”. Hơn ai hết, chị hiểu tình cảm mà chồng dành cho mình là thật. Và anh cũng rất ân hận về những việc làm của mình. Là công nhân xây dựng, anh thường xuyên phải sống xa nhà và trong một lần không vượt qua được những cám dỗ, anh bị dính vào căn bệnh chết người đó. Bản thân anh cũng đã từng suy sụp khi biết mình mắc bệnh. Điều khiến vợ chồng chị Lan lo sợ nhất là sự kỳ thị của mọi người xung quanh. Lâu nay, vợ chồng anh chị ăn ở hòa thuận với bà con lối xóm nên ai cũng tin yêu. Nay hàng xóm biết tin cả hai vợ chồng đều bị nhiễm “H”, liệu có ai muốn qua lại với gia đình chị không? Những ngày đầu ra viện, chị Lan không dám bước chân ra khỏi nhà vì sợ phải đối diện với mọi người. Nhưng rồi chị thực sự bất ngờ khi mọi người vừa hay tin chị từ bệnh viện về đều tìm đến thăm hỏi, động viên. Cơ quan nơi chị làm việc cũng đã bố trí cho chị một công việc nhẹ nhàng hơn. Chính thái độ đó của mọi người khiến chị thấy ấm áp và tự tin hơn với bản thân. Bằng nghị lực và quyết tâm của mình, chị đã xua tan mặc cảm, đứng lên đương đầu với bệnh tật, bởi chị nghĩ: “Nhiễm HIV không phải là hết và xung quanh vẫn có rất nhiều người đồng cảm với mình”. Nếp sinh hoạt bình thường dần trở lại trong ngôi nhà nhỏ của chị. Được sự tư vấn của bác sĩ, vợ chồng chị điều trị bằng thuốc ARV đều đặn và uống thêm thuốc bắc nên sức khỏe của chị khá lên rõ rệt. Sau giờ làm việc ở cơ quan, chị Lan tìm đọc những tài liệu liên quan đến HIV và hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Qua phân tích đường lây nhiễm cho thấy, nam giới lây nhiễm HIV hầu hết qua đường tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn, còn phụ nữ bị lây nhiễm chủ yếu là gái làm nghề mại dâm, một số chị em bị lây từ chồng hoặc bạn tình. Bất cứ ai khi đã dính vào căn bệnh này đều đáng thương nhưng hậu quả nặng nề nhất vẫn là người phụ nữ bởi vì họ còn thiên chức làm mẹ. Tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều phụ nữ, nhất là chị em ở vùng sâu, vùng xa chưa nắm rõ những khái niệm về HIV cũng như cách phòng tránh. Ngay đối với bản thân chị là cán bộ ngành y nhưng chưa bao giờ chị nghĩ có một lúc mình phải đối diện với căn bệnh này. Nhiều người đều có chung suy nghĩ giống chị, vẫn biết HIV là căn bệnh chết người nhưng nó chỉ dành cho những đối tượng khác ngoài xã hội, không phải dành cho mình. Trong khi đó, HIV không từ một ai nếu không biết cách phòng tránh. Chị mạnh dạn tham gia vào các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS do chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tổ chức. Tham gia vào các hoạt động này, chị tự tin hơn, được học hỏi kinh nghiệm từ chính những thành viên trong nhóm về phương pháp điều trị bệnh mà mình mắc phải. Quan trọng hơn, chị vui vì mình vẫn còn có ích cho xã hội. Chị Lan cho biết: “Người nhiễm HIV thường có thái độ mặc cảm, tự ti với xã hội. Nếu cộng đồng xa lánh, kỳ thị đối với người nhiễm “H” sẽ vô tình đẩy nhanh tốc độ lan truyền của căn bệnh này. Vì vậy, mọi người nên quan tâm, chia sẻ và có thái độ gần gũi hơn với người nhiễm “H” để giúp họ có được niềm tin trong cuộc sống”. Bài, ảnh: HOÀI NAM