Hạnh phúc của một người mẹ
(QT) - Đã hơn 10 năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, bà đều bắt đầu ngày làm việc của mình từ 2,3 giờ sáng, thời khắc mọi người đang chìm vào giấc ngủ say. Sau khi cho ra lò những mẻ bánh nóng hổi, bà sắp cẩn thận vào bao rồi mang đi bán.  Tôi biết bà từ những ngày còn học cấp ba. Hồi đó, bà thường mang bánh đến khu ký túc xá của chúng tôi để bán. Bánh của bà vừa ngon, vừa rẻ nên ngày nào lũ học sinh chúng tôi cũng ngóng bà như ngóng mẹ đi chợ về. Dần dà, bà trở thành khách quen của khu ký ...

Hạnh phúc của một người mẹ

(QT) - Đã hơn 10 năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, bà đều bắt đầu ngày làm việc của mình từ 2,3 giờ sáng, thời khắc mọi người đang chìm vào giấc ngủ say. Sau khi cho ra lò những mẻ bánh nóng hổi, bà sắp cẩn thận vào bao rồi mang đi bán. Tôi biết bà từ những ngày còn học cấp ba. Hồi đó, bà thường mang bánh đến khu ký túc xá của chúng tôi để bán. Bánh của bà vừa ngon, vừa rẻ nên ngày nào lũ học sinh chúng tôi cũng ngóng bà như ngóng mẹ đi chợ về. Dần dà, bà trở thành khách quen của khu ký túc xá lúc nào không hay. Nhà có củ khoai, củ sắn nào ngon hay làm được hũ muối lạc thơm phức, bà cũng mang lên cho chúng tôi. Những buổi trưa nắng như đổ lửa, trên chặng đường dài qua từng con phố, bà ghé qua phòng chúng tôi xin ngụm nước, hoặc chợp mắt một lúc rồi tất tả lên đường.

Nhọc nhằn gánh mưu sinh
Bẵng đi một thời gian dài không gặp, tôi cứ ngỡ bà không còn đi bán bánh dạo như xưa và cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn. Nhưng không, gặp lại bà tôi vẫn nhận ra hình ảnh quen thuộc ngày nào với túi bánh tiêu trên tay, tấm áo nâu cũ kỹ và gương mặt khắc khổ. Mái tóc bà giờ đã đốm bạc. Khóe mắt hằn sâu những nếp nhăn. Bà nhận ra tôi rồi khoe như lâu nay, chúng tôi vẫn thường gặp nhau: "Mấy hôm ni, thời tiết mát dịu nên bánh bán chạy lắm, chỉ cần vào mấy quán internet là bán vài trăm cái bánh, khỏi phải đi vòng vèo trên phố". Bà kể, cuộc sống của gia đình bà tuy vẫn còn khó khăn nhưng tràn ngập hạnh phúc. Con gái lớn của bà đã lấy chồng và có cuộc sống ổn định. Hai cậu con trai cũng đã tốt nghiệp Đại học và có việc làm ở thành phố với mức lương khá cao. Sau bao nhiêu năm mơ ước, giờ đây bà cũng đã xây được ngôi nhà khang trang bằng số tiền dành dụm được và một phần do con cái hỗ trợ. Tôi hỏi: "Kinh tế đã khá giả hơn, sao bà không nghỉ ở nhà cho nhàn thân?". Bà cười, để lộ những vết nhăn hằn quanh khóe mắt: "Cái số tui là số cực hay sao mà hễ ở nhà là tui thấy bứt rứt trong người không yên". Rồi bà tiếp: "Kể ra, tui cũng đã hoàn thành được tâm nguyện của mình vì đã lo cho con cái ăn học để có một công việc ổn định, lại làm được một ngôi nhà để che mưa, che nắng về già. Giờ chỉ còn lo chuyện cưới vợ cho hai thằng con trai nữa là xong". Gương mặt bà rạng rỡ khi nhắc đến con cái trong gia đình. Dường như, phút giây đó, mọi âu lo, mệt mỏi như tan biến trên khuôn mặt của bà, nhường lại cho niềm vui, niềm hạnh phúc. Các con bà mặc dù thu nhập cao vẫn không dám chi tiêu nhiều cho bản thân, hàng tháng dành dụm gửi tiền về để ba mẹ thuốc thang và trả nợ khoản tiền vay ngân hàng. Bà nói: "Khuyên tui ở nhà không được, mấy chị em hắn họp gia đình, thống nhất cho ba mẹ cực thêm một năm nữa, sang năm phải ở nhà nghỉ ngơi vì con cái trong gia đình đã đủ điều kiện để chăm sóc ba mẹ...". Cả một đời vất vả vì con, nay thấy các con khôn lớn và hiếu thảo, bà thấy ấm áp trong lòng. Hai vợ chồng bà quê ở tận Nghệ An, đi thanh niên xung phong rồi chọn mảnh đất Quảng Trị lập nghiệp. Xa quê, không có người thân giúp đỡ nên cuộc sống của vợ chồng bà trong những ngày đầu nơi đất khách quê người gặp rất nhiều khó khăn. Lần lượt 3 đứa con ra đời khiến cho cuộc sống gia đình càng thêm chật vật. Cảm thông với hoàn cảnh của bà, một người hàng xóm đã dạy cho bà cách làm bánh tiêu để cải thiện cuộc sống gia đình. Ngày ngày, bà xách túi bánh rong ruổi khắp các ngã đường thành phố. Có những hôm bán ế, bà trở về nhà khi trời tối mịt, chân tay ê ẩm, rã rời nhưng không hề ca thán kẻo sợ chồng con buồn. Với túi bánh đó, bà đã nuôi cả gia đình qua những ngày khó khăn, chật vật và lo cho con cái học hành đến nơi, đến chốn. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê hiếu học, vì hoàn cảnh gia đình, bà phải nghỉ học nữa chừng rồi lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, tâm nguyện lớn nhất của vợ chồng bà là phải lo cho con cái học hành nên người. Nhà bà ở xóm lao động nghèo, nơi mà hầu hết những đứa trẻ đều dang dở chuyện học hành để lao vào mưu sinh, kiếm sống. Sợ con cái ảnh hưởng bạn bè mà xao nhãng chuyện học hành, vợ chồng bà đã cố gắng tằn tiện chi tiêu để mua những cuốn sách về tấm gương hiếu học, kể về những người học giỏi, thành đạt trên quê hương xứ Nghệ để con cái noi theo. Thương ba mẹ sớm hôm vất vả, cả ba người con của bà đều chăm chỉ học hành, rãnh rỗi lại phụ giúp mẹ làm bánh để kiếm thêm thu nhập. Năm con gái lớn tốt nghiệp THPT, vợ chồng bà khó khăn lắm mới đồng ý để con ở nhà mở quầy tạp hóa phụ mẹ nuôi hai em ăn học. Con gái bà học lực khá, nhưng chấp nhận ở nhà để ba mẹ bớt đi một gánh nặng, dồn sức lo cho 2 em trai học lên cao hơn. Hai cậu con trai của bà năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng chưa bao giờ con cái trong nhà lại mặc cảm vì thua thiệt so với bạn bè. Bà thường bán bánh dạo ở khu vực trường nơi con trai học. Vậy nhưng cả hai không hề xấu hổ mà ngược lại còn chỉ cho các bạn cùng lớp ra mua bánh của mẹ. Cuộc trò chuyện của chúng tôi bỗng gián đoạn khi có người gọi bà sang phía bên kia đường mua bánh. Nhìn theo bóng dáng nhỏ bé của bà lẫn vào dòng người đang ngược xuôi trên đường, tự nhiên tôi thấy trong lòng dâng lên niềm cảm phục. Dù phải trải qua nhiều vất vả trong cuộc sống, nhưng những hy sinh của bà đã được đáp đền bằng sự thành đạt và hiếu thuận của các con. Với bà, đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời... Bài, ảnh: P.H.H