Hợp sức làm giàu
(QT) - Họ đều là những thanh niên nghèo, chưa đủ điều kiện để tự đứng ra làm ăn một mình. Nhưng khát vọng chinh phục đồng đất quê nhà đã thôi thúc họ liên kết lại với nhau, cùng góp vốn và chung tay làm giàu. Triết lý về “Câu chuyện bó đũa” đã được 4 thanh niên Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Quang Trường, Lê Văn Thắng và Nguyễn Ngọc Nghĩa ở thôn Lưỡng Kim, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) áp dụng thành công tại địa phương, biến vùng đất ngập mặn bên dòng Thạch Hãn quê mình trở thành mô ...

Hợp sức làm giàu

(QT) - Họ đều là những thanh niên nghèo, chưa đủ điều kiện để tự đứng ra làm ăn một mình. Nhưng khát vọng chinh phục đồng đất quê nhà đã thôi thúc họ liên kết lại với nhau, cùng góp vốn và chung tay làm giàu. Triết lý về “Câu chuyện bó đũa” đã được 4 thanh niên Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Quang Trường, Lê Văn Thắng và Nguyễn Ngọc Nghĩa ở thôn Lưỡng Kim, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) áp dụng thành công tại địa phương, biến vùng đất ngập mặn bên dòng Thạch Hãn quê mình trở thành mô hình nuôi trồng thủy sản đạt chất lượng cao… Thủ lĩnh nhóm “thanh niên đầm phá” này là chàng trai có tuổi đời trẻ nhất nhóm, Nguyễn Quang Minh, sinh năm 1984. Năm Minh lên 17 tuổi, bố đột ngột qua đời do tai nạn giao thông, mẹ đang mang thai đứa em út. Minh phải bỏ học giữa chừng để thay bố gánh vác mọi việc nặng nhọc trong gia đình giúp mẹ nuôi em ăn học. Gánh nặng gia đình đè lên vai người con trai trưởng buộc cậu lao vào làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm, do đó, suy nghĩ của cậu cũng già trước tuổi. Em trai kế Minh thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn cũng định bỏ học để đi làm kiếm thêm tiền giúp mẹ, nhưng Minh kiên quyết bắt em phải trở lại trường học. “Một mình anh nghỉ học là đủ rồi, nếu biết thương cha mẹ thì các em phải học thật giỏi, học thay cả phần của anh.”- Minh ra lệnh cho em.

Phát triển diện tích nuôi tôm ở Triệu Phong.

Cảm thông trước hoàn cảnh khó khăn của Minh, bà con chú, bác trong gia đình đã bắt tay chỉ việc cho em. Chỉ một thời gian sau Minh đã “tiếp quản” thành thạo công việc của bố, cùng đấu thầu diện tích ao hồ để nuôi tôm, cua và canh tác thêm 1 mẫu ruộng. Tiền bạc, vốn liếng có người thân giúp, Minh chỉ bỏ công sức của mình ra làm. Thu nhập từ nuôi tôm, cua một năm lãi khoảng 30 triệu đồng, cộng thêm 1 mẫu ruộng cho thu nhập 25 triệu đồng/năm và ao nuôi cá trê lãi 5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí Minh thu lãi 10 triệu đồng. Đời sống gia đình Minh dần ổn định, các em không ai phải bỏ học giữa chừng. Đến năm 2005, khi có một số vốn kha khá trong tay, Minh mạnh dạn cùng với 3 thanh niên khác trong thôn đứng ra đấu thầu vùng đầm rộng 7 ha ở gần nhà để nuôi thủy sản. Tiền thuê đầm mỗi năm 32 triệu đồng, thời gian đấu thầu là 5 năm. Trên diện tích đấu được đó, nhóm của Minh đầu tư thêm 15 triệu đồng để kéo điện xuống hồ, 10 triệu đồng mua mô tơ bơm nước vào và xả nước ra khỏi hồ. Mỗi năm cả nhóm thả nuôi tự nhiên 1 triệu con tôm post (giá 45 triệu đồng), 3.000 con cua giống (giá 15 triệu đồng), 5.000 con cá rô phi đơn tính (giá 10 triệu đồng). Hết mùa lũ là bắt đầu thả giống nuôi, từ tháng 3 đến tháng 7 thu hoạch. Do thả nuôi tự nhiên nên giống tôm, cua, cá trong hồ phát triển rất nhanh, mỗi con cân nặng gấp 3 lần nuôi ở các hồ nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, lại không bị dịch bệnh nên người nuôi cảm thấy yên tâm. Đến mùa thu hoạch, bình quân mỗi ngày cả nhóm thu về khoảng 2 triệu đồng từ tiền bán tôm, cua, cá trong đầm. Tổng cộng mỗi năm cả nhóm thu nhập khoảng 200 triệu, trừ chi phí bình quân mỗi người lãi khoảng 30 triệu đồng/năm. Ngoài khoản thu nhập từ đấu thầu đầm để nuôi trồng thủy sản, các thanh niên trong nhóm còn trồng lúa, nuôi cá nước ngọt và làm dịch vụ để tăng thêm thu nhập, nên từ chỗ đời sống còn khó khăn, đến nay các hộ gia đình trong nhóm đều vươn lên trở thành hộ khá, giàu. Đây là mô hình nuôi trồng có hiệu quả của những thanh niên nghèo nhưng biết mạnh dạn góp vốn, hợp sức làm giàu trên đồng đất quê hương. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà các thanh niên gặp phải đó là thiếu vốn sản xuất. Hiện tại, với diện tích vùng đầm được đấu thầu rộng đến 7 ha, nhưng do thiếu vốn đầu tư, nhóm của Lê Quang Minh mới chỉ thả nuôi khoảng 60 triệu đồng tiền giống, số giống thả đó chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Nếu được tạo điều kiện cho vay vốn để đầu tư thêm con giống, thức ăn… thì hiệu quả mang lại từ mô hình của những thanh niên này sẽ ngày một phát triển hơn. Bài, ảnh: THANH HẢI