(QT) - Nhắc đến thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, nhiều người chắc hẳn sẽ biết nơi này nổi tiếng bởi có một vùng chuyên canh cam K4 và là “vựa” ươm cá giống có tiếng cũng như nghề nuôi cá nước ngọt ra đời từ lâu. Cây cam và con cá là những cây trồng, con nuôi chủ lực mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình tại địa phương.
![]() |
Cây cam trên vùng đồi K4 đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú |
Thôn Long Hưng nằm cách trung tâm thị xã Quảng Trị khoảng hơn 1 km về phía Tây Nam. Nơi đây có Ngã ba Long Hưng và Nhà thờ Long Hưng đều nằm cạnh Quốc lộ 1, là những địa điểm gắn với những chiến công oanh liệt của bộ đội ta trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972. Di tích Ngã ba Long Hưng và Nhà thờ Long Hưng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH - TT và DL) xếp hạng Quốc gia theo Quyết định số 235/QĐ-VH ngày 12/12/1986. Năm 2012, bia tưởng niệm di tích Ngã ba Long Hưng được xây dựng. Còn di tích Nhà thờ Long Hưng được xây dựng năm 1955-1956, là nhà thờ đạo Thiên chúa của giáo dân thôn Long Hưng. Trong cuộc chiến năm 1972, đây là một trong những vị trí chốt giữ của bộ đội ta ở hướng Nam của Thành Cổ. Nhà thờ này đã bị bom đạn phá hủy gần hết.
Phát huy truyền thống hào hùng của quê hương, cán bộ và nhân dân thôn Long Hưng luôn nỗ lực vượt khó, xây dựng làng quê ngày càng khởi sắc, ấm no. Về thôn Long Hưng hôm nay sẽ thấy làng quê giàu truyền thống cách mạng này thay da đổi thịt từng ngày. Cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Ấn tượng nhất vẫn là phong trào phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó có một số cây trồng, con nuôi đã khẳng định được “thương hiệu” cũng như hiệu quả kinh tế cao. Đó chính là nghề ươm cá giống, nuôi cá nước ngọt và chuyên canh cây cam trên vùng đồi K4. Khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nghề nuôi cá nước ngọt đã du nhập và phát triển tại thôn Long Hưng. Nghề này đã được người dân địa phương phát triển mạnh, nhiều hộ gia đình đã tạo dựng được cuộc sống ấm no nhờ thu nhập khá ổn định. Hiện toàn xã Hải Phú có 190 hộ nuôi cá nước ngọt với tổng diện tích khoảng 66 ha, trong đó riêng thôn Long Hưng chiếm khoảng 65% số hộ nuôi và diện tích.
Ông Văn Quang, một chủ hộ ươm nuôi cá giống lớn nhất tại địa phương cho biết, những năm qua bình quân mỗi năm cơ sở của ông xuất bán được khoảng 20 triệu cá giống các loại như mè, chép, trê lai, trắm cỏ, rô phi... nhờ đó có được nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Hay như ông Văn Phồn cũng là hộ nuôi cá nước ngọt có diện tích lớn tại địa phương. Hiện gia đình ông có 2 ha nuôi cá. “Mấy năm trước bình quân mỗi năm gia đình tôi có thu nhập sau khi trừ chi phí từ nuôi cá vào khoảng 200 triệu đồng/năm. Thời gian gần đây nghề nuôi cá gặp một số khó khăn, tuy nhiên thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống. Nói chung nghề nuôi cá nước ngọt nếu mọi thứ thuận lợi thì có thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa”, ông Phồn cho biết.
Vùng đồi K4 ở thôn Long Hưng là nơi đất cằn sỏi đá, còn sót lại nhiều bom đạn sau chiến tranh. Khoảng 15 năm trước hai anh em ruột Trần Ngọc Trung và Trần Ngọc Nhơn đã tiên phong lên vùng đồi này lập nghiệp với khát vọng làm giàu từ nghề trồng cam. Cần cù, chịu đựng gian khổ để khai hoang, đến nay hai anh em ông Nhơn đã tạo dựng được khu trang trại trồng cam lớn nhất vùng với tổng diện tích 8 ha, đã cho thu hoạch nhiều năm qua. “Cam K4 hiện nay đang được thị trường ưa chuộng vì vậy chúng tôi có nguồn thu nhập khá cao. Tính ra mỗi năm từ trang trại cam của mình, sau khi trừ các chi phí thì anh em tôi mỗi người cũng thu được 400-500 triệu đồng”, ông Nhơn cho biết. Từ sự tiên phong của anh em ông Nhơn, đến nay vùng đồi K4 đã hình thành nên một vùng chuyên canh cây cam Vân Du, Xã Đoài quy mô rộng lớn với tổng diện tích toàn vùng là 34 ha với 12 hộ canh tác. Trong đó một số hộ có diện tích lớn và đã cho thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao như các ông Văn Ngọc Chúng 5,5 ha; Trần Lợi 4 ha...
Ông Nguyễn Nhạc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú cho biết, năm 2017 sản lượng cam thu hoạch của toàn vùng K4 đạt hơn 120 tấn. Với giá bán tại vườn là 20.000 đồng/kg thì vụ cam năm 2017, toàn vùng cam K4 đã có doanh thu hàng tỷ đồng... Thay vì cách đây vài năm về trước, người nông dân K4 phải vất vả lắm mới bán được từng quả cam do mình trồng được thì nay cam K4 được tiêu thụ mạnh trong tỉnh và một số địa phương lân cận của Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế. Cam K4 đã có chỗ đứng trên thị trường một phần bởi người dân trồng cam sạch bằng việc không sử dụng thuốc kích thích, thuốc trừ sâu trước 3-4 tháng thu hoạch, dùng phân bón hữu cơ, tưới chủ yếu bằng nước sạch, quả cam to đều lại ngọt thanh, tươi ngon, giá khá rẻ so với các loại cam khác. Người trồng cam ở K4 cho biết, bình quân 1 ha cam cho thu hoạch khoảng 10-12 tấn/năm, trừ mọi chi phí còn lãi bình quân 150 triệu đồng/ha.
Nhờ thu nhập cao từ trồng cam ở vùng đồi K4, nhiều gia đình đã trở nên khá giả, có điều kiện chăm lo tốt cuộc sống. Từ vùng đất gò đồi bạc màu đầy bom đạn năm xưa, bây giờ K4 đã có những vườn cam trĩu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân địa phương vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương. “Hiện nay cơ sở hạ tầng tại vùng K4 đã được đầu tư hoàn thiện, đã có điện lưới về tận nơi, đường bê tông rộng 6m cũng đã hoàn thiện nên người trồng cam K4 rất phấn khởi. Thời gian qua huyện cũng đã ưu tiên cấp đất cho người dân có nhu cầu, hỗ trợ giá giống cây và vật tư phân bón để mỗi năm phát triển thêm từ 3-4 ha cam, nhằm hiện thực hóa mục tiêu hình thành vùng chuyên canh cây cam K4 có quy mô lớn nhất tỉnh trong thời gian tới”, ông Nhạc cho biết thêm. Ngoài thế mạnh “cây cam, con cá” trên thì với vị trí địa lý nằm trên tuyến Quốc lộ 1 và giáp với thị xã Quảng Trị nên thôn Long Hưng có điều kiện phát triển mạnh lĩnh vực thương mại, dịch vụ, ngành nghề. Theo thống kê, toàn thôn Long Hưng hiện có khoảng 200 hộ kinh doanh với đầy đủ các ngành nghề như sửa chữa ô tô, kinh doanh thức ăn gia súc, cơ khí, giải khát, cưa xẻ gỗ, may mặc, sản xuất tinh bột nghệ, vật liệu xây dựng, vận tải… Lĩnh vực này đã đóng góp nguồn doanh thu lớn cho địa phương, đồng thời mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Thôn Long Hưng vẫn là làng quê thuần hậu nhưng giờ đây cũng đang mang dáng dấp của đô thị kiểu “phố làng”. Long Hưng - “ngã ba lửa”, “ngã ba bom” một thời giờ đã chuyển mình mạnh mẽ trên hành trình dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hiếu Giang