Nâng cao nhận thức cho người nghèo để giảm nghèo bền vững
(QT) - Xóa đói, giảm nghèo bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, cùng với cả nước, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân tích cực hưởng ứng. Hầu hết các hộ nghèo cùng với sự động viên, giúp đỡ của cộng đồng đã cố gắng tìm tòi, học tập kinh nghiệm trong sản xuất, tự tạo việc làm để phấn đấu thoát nghèo, ...

Nâng cao nhận thức cho người nghèo để giảm nghèo bền vững

(QT) - Xóa đói, giảm nghèo bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, cùng với cả nước, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân tích cực hưởng ứng. Hầu hết các hộ nghèo cùng với sự động viên, giúp đỡ của cộng đồng đã cố gắng tìm tòi, học tập kinh nghiệm trong sản xuất, tự tạo việc làm để phấn đấu thoát nghèo, coi đó là trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ với cộng đồng.

Thiết nghĩ, cùng với sự chăm lo của xã hội, nếu người nghèo chịu khó vươn lên thoát nghèo thì công tác xóa đói giảm nghèo mới mang tính thiết thực, hiệu quả, bền vững.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế là kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Tỷ lệ tái nghèo bình quân mỗi năm vào khoảng 5%; chất lượng cuộc sống của hộ mới thoát nghèo còn ở mức thấp và nói chung còn khó khăn. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng tựu trung lại đó là do hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo thiếu tập trung dẫn đến nguồn lực dàn trải. Có nhiều chính sách giảm nghèo chủ yếu mang tính hỗ trợ, trong khi đó chính sách tạo sinh kế tuy có nhưng chưa nhiều, suất đầu tư thấp. Có chính sách được ban hành mang tính ngắn hạn, tình thế; mức hỗ trợ không cao... do đó chưa thiết thực. Thêm vào đó, một bộ phận hộ nghèo có tâm lý ỷ lại, trông chờ, thậm chí là không muốn phấn đấu để thoát nghèo. Trong lúc đó, ai cũng biết rằng chừng nào người nghèo vẫn còn không muốn thoát nghèo thì công cuộc giảm nghèo vẫn chưa hết gian nan. Chính vì vậy, để giảm nghèo bền vững thiết nghĩ trong nhiều việc phải làm cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nói chung, trong đó cần tập trung vào đối tượng hộ nghèo và cận nghèo. Có thể nói, bằng lòng với hiện tại là một trong những tư duy phổ biến của người nghèo. Và để thoát nghèo nhất thiết phải có tư duy mới. Chẳng hạn như chuyển những chân ruộng lúa hay úng, phèn, chua, mặn...sang nuôi tôm, nuôi cá, trồng sen... sẽ vừa tạo ra sự đa dạng trong nông nghiệp vừa tạo ra giá trị thu được trên một đơn vị canh tác cao hơn; hoặc mạnh dạn loại bỏ một loại giống lúa có năng suất không cao để thử nghiệm một số loại giống mới có chất lượng và giá trị hàng hoá cao hơn... Thực tiễn chứng minh rằng, nhiều người thoát nghèo không chỉ vì vay được nguồn vốn để đầu tư, làm ăn mà bắt đầu một cách nghĩ để tìm hướng làm ăn thích hợp, hiệu quả. Trong cái khó, họ đã vượt qua hoàn cảnh thực tại để tiếp cận cách làm ăn mới, đẩy lùi đói nghèo. Bên cạnh đó, người nghèo cần chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ai cũng biết rằng khoa học sẽ đem lại hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh, nhất là trong lúc chúng ta đang tiếp cận với nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, con đường áp dụng khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh không phải thẳng tắp, trơn tru mà gập ghềnh, khúc khuỷu, thậm chí có thể thất bại. Trong lúc đó, để tránh rủi ro, người nghèo đành cam chịu cách làm cũ để bảo toàn đồng vốn. Nhiều vùng nông thôn muốn chuyển đổi cây, con có năng suất cao nhưng chỉ một lần thử nghiệm mà thất bại họ đã tỏ ra chán nản. Trong khi đó, điều cần làm là phải tiếp tục thử nghiệm để tìm ra nguyên nhân thì người nông dân lại bỏ cuộc. Có một thực tế nữa là những người nghèo thường có thời gian rỗi nhiều nhất. Hiện nay, khi nông nghiệp được cơ giới hoá một phần thì thời gian rảnh rỗi giữa hai mùa vụ lại càng nhiều. Để tận dụng thời gian nông nhàn, ở các vùng này nên mở mang ngành nghề theo hướng đa ngành, đa nghề. Đó cũng là một cách tạo thêm thu nhập, hiệu ích kinh tế, cải thiện đời sống dân sinh và hiệu quả xã hội tốt đẹp. Lâu nay, người ta hay quan niệm “tấc đất, tấc vàng”. Song điều này hầu như chỉ dành cho những người có thu nhập cao, còn những người nghèo, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi nhiều người chưa chịu khó tận dụng hết đất đai để tạo ra hiệu ích kinh tế, hiệu ích xã hội. Nhiều hộ ở nông thôn, dù đất đai không phải ít nhưng hoặc là bố trí loại cây trồng không phù hợp, hoặc là trồng những cây có giá trị kinh tế rất thấp, thậm chí bỏ hoang nên vừa ô nhiễm môi trường vừa không cải thiện được đời sống. Không ít vùng trước đây chuyên canh các loại cây có giá trị kinh tế cao nhưng vì phải mất nhiều thời gian chăm sóc nên ngưòi ta đã chỉ trồng cho có còn hiệu quả kinh tế ra sao thì chẳng cần biết. Điều nghịch lý là tuy đất nhà thì bỏ hoang phí như thế nhưng lại đi thuê những chỗ đất khác với giá cao để thâm canh, trong khi đó nếu biết chịu khó sử dụng hết đất đai tại chỗ cũng có thể tạo ra thu nhập cao. Đó cũng là một cách dẫn đến đói nghèo. Cha ông ta đã dạy: “Nước chảy ào ào không bằng hao lỗ mội”. Hiện nay, một số vùng nông thôn, người ta tiêu tốn khá nhiều tiền cho việc hiếu hỷ, ma chay. Trong lúc phải khó khăn trăm bề để làm ra đồng tiền, bát gạo đáng ra phải tích luỹ để khi thất bát thì họ lại chi vào những chuyện không cần thiết dẫn đến nợ nần chồng chất và trở nên nghèo đói cũng là chuyện không thể tránh. Thiết nghĩ, cùng với sự chăm lo của xã hội, nếu người nghèo chịu khó vươn lên thoát nghèo thì công tác xóa đói giảm nghèo mới mang tính thiết thực, hiệu quả, bền vững. NGUYỄN TRÍ ÁNH