Nữ Tổng Giám đốc tương lai của WTO là ai?
QĐND - Việc nữ ứng cử viên Hàn Quốc Yoo Myung-hee vừa chính thức rút khỏi cuộc đua vào vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã mở đường cho ứng cử viên Nigeria, bà Ngozi Okonjo-Iweala trở thành nữ “thủ lĩnh” đầu tiên của tổ chức thương mại đa phương lớn nhất hành tinh...

Nữ Tổng Giám đốc tương lai của WTO là ai?

QĐND - Việc nữ ứng cử viên Hàn Quốc Yoo Myung-hee vừa chính thức rút khỏi cuộc đua vào vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã mở đường cho ứng cử viên Nigeria, bà Ngozi Okonjo-Iweala trở thành nữ “thủ lĩnh” đầu tiên của tổ chức thương mại đa phương lớn nhất hành tinh...

Bà Yoo Myung-hee và bà Ngozi Okonjo-Iweala là hai ứng viên cuối cùng trong cuộc đua giành chiếc ghế tổng giám đốc WTO. Bà Yoo Myung-hee, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết, do vị trí lãnh đạo WTO bị để trống quá lâu, tương lai của tổ chức này không chắc chắn, nên để đẩy nhanh sự đồng thuận giữa các nước thành viên về việc bầu ra lãnh đạo mới cho WTO, bà đã quyết định rời khỏi cuộc đua.

Việc bà Okonjo-Iweala lên lãnh đạo WTO chỉ còn là vấn đề thời gian vì việc chính thức lựa chọn bà có thể phải chờ tới sau khi chính quyền mới ở Washington chỉ định đại diện thương mại mới tại tổ chức này. Nếu được lựa chọn, bà Okonjo-Iweala sẽ trở thành Tổng Giám đốc đầu tiên của WTO đến từ châu Phi và là lãnh đạo nữ đầu tiên của tổ chức này. Trong khi đó, văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết sẵn sàng làm việc với bà Okonjo-Iweala, cho rằng bà nhận được sự tôn trọng rộng rãi vì khả năng lãnh đạo hiệu quả và chứng tỏ kinh nghiệm quản lý một tổ chức quốc tế lớn với các thành viên đa dạng.

Nữ Tổng Giám đốc tương lai của WTO là ai?

Bà Ngozi Okonjo-Iweala. Ảnh: Getty

Bà Okonjo-Iweala là một chuyên gia tài chính toàn cầu, từng làm Bộ trưởng Tài chính của Nigeria trong hai nhiệm kỳ. Bà Okonjo-Iweala từng được vinh danh là một trong số các nữ “chiến binh” chống tham nhũng, người truyền cảm hứng, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế bình chọn. Năm 2014, bà được tạp chí Time vinh danh là một trong số 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Với kinh nghiệm 25 năm làm việc tại Ngân hàng Thế giới (WB) và là Giám đốc điều hành hoạt động của WB, bà Okonjo-Iweala nhận được sự ủng hộ của các thành viên WTO như EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Australia. Còn đối với Mỹ, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, bà không nhận được sự ủng hộ do chính quyền của ông Donald Trump dành hậu thuẫn cho bà Yoo Myung-hee. Chính việc này đã khiến quá trình lựa chọn tân tổng giám đốc WTO thêm phức tạp, vì việc chọn lãnh đạo mới cần phải được sự đồng thuận của tất cả các thành viên.

Uy tín cùng kinh nghiệm của bà Okonjo-Iweala đã giúp nữ ứng cử viên này nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ 164 quốc gia thành viên so với ứng cử viên Hàn Quốc vào tháng 10-2020. Khi đó, sau khi tham vấn 164 nước thành viên, hội đồng lựa chọn của WTO đã đề nghị chọn bà Okonjo-Iweala, song vấp phải sự phản đối của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Ngoài ra, năm 2018, bà Okonjo-Iweala còn có tên trong Hội đồng quản trị của Twitter. Hiện bà đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Gavi, một tổ chức liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng.

Vào năm ngoái, bà từng bày tỏ trên CNN rằng, thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục từ đại dịch. “WTO cần một lãnh đạo ở thời điểm này. WTO cần một góc nhìn mới, một gương mặt mới, một người từ bên ngoài, có khả năng thực hiện các cải tổ và làm việc với các thành viên để đưa WTO ra khỏi tình trạng tê liệt một phần hiện tại”, theo bà Okonjo-Iweala.

Cho dù tiếp quản cương vị mới vào thời gian nào, bà Okonjo-Iweala cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức do WTO đang phải chật vật để giải quyết các xung đột thương mại giữa các nước thành viên, nhất là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Chính quyền tiền nhiệm ở Washington đã phớt lờ vai trò của WTO để áp thuế nhập khẩu lên một loạt quốc gia như Canada, Mexico, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Cho dù Tổng thống Joe Biden đã có các bước đi nhằm khôi phục sự ủng hộ với các tổ chức đa phương, nhưng với những hiệp định thương mại mới, ông được cho là sẽ vẫn phải đi những bước thận trọng. Sứ mệnh cải tổ WTO theo yêu cầu của các nước thành viên để thích ứng với tình hình thế giới hiện nay cũng sẽ rất nặng nề đối với tân lãnh đạo của tổ chức này.

Ngoài vị trí điều hành tổ chức bộ máy gồm khoảng 700 viên chức và nhân viên, người đứng đầu WTO có nhiệm kỳ 4 năm còn đóng vai trò chính trị rất quan trọng trong hệ thống thương mại đa phương toàn cầu. Chính vì vậy, cuộc đua vào chiếc ghế Tổng giám đốc WTO luôn diễn ra quyết liệt giữa các chính khách quan trọng của các nước, ở cấp bộ trưởng, phó thủ tướng hoặc tổng thống.

Tuy nhiên, chiếc “ghế nóng” của Tổng giám đốc WTO cũng không dễ ngồi, bởi 164 quốc gia thành viên đều có quyền phủ quyết và tổ chức hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận. Nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung phức tạp, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và kinh tế thế giới bị giáng đòn nặng bởi đại dịch Covid-19, cho dù là ai lên nắm quyền, đó cũng phải là một nhà lãnh đạo thực sự mạnh mẽ và quyết đoán.

XUÂN PHONG