Đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân
QTO - Sáng nay 4/6/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự tại điểm cầu Quảng Trị.

Đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân

Sáng nay 4/6/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự tại điểm cầu Quảng Trị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: M.Đ

Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai

Trong năm 2020, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, vượt mốc lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước; đã xảy ra 16/22 loại hình thiên tai, trong đó, có 14 cơn bão và một ATNĐ; 265 trận giông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển. Trong năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế trên 39.962 tỉ đồng.

Mặc dù thiên tai diễn ra rất nghiêm trọng cùng với diễn biến COVID-19 hết sức phức tạp, song công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, kịp thời và hiệu quả cùng với sự chủ động của các tổ chức chính trị xã hội và nỗ lực của người dân, nhờ đó, đã giảm thiểu được thiệt hại, đồng thời, sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của Nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng.

Nổi bật trong công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai trong năm vừa qua là toàn xã hội đã chủ động triển khai các biện pháp. Công tác phòng, chống thiên tai đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương tới cơ sở; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được tăng cường; việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào kế hoạch, hoạt động đã được nhiều bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện; công tác xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với các kịch bản cụ thể được quan tâm chỉ đạo và thực hiện; các tổ chức, cá nhân chủ động phòng ngừa rủi ro thiên tai; công tác đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng được chú trọng; công tác truyền thông được thực hiện liên tục; ứng dụng khoa học công nghệ phát huy hiệu quả; hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai được đẩy mạnh…

Năng lực ứng phó với thiên tai được nâng cao như: Công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai có nhiều tiến bộ; hệ thống công trình phòng, chống thiên tai đã được quan tâm đầu tư và phát huy tác dụng; vai trò của lực lượng phòng chống thiên tai cấp cơ sở được phát huy; sự chủ động của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng… Công tác khắc phục hậu quả được triển khai kịp thời, hiệu quả như: Công tác cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đặc biệt quan tâm triển khai kịp thời theo sát nhu cầu thực tế; nguồn lực khắc phục hậu quả đa dạng hóa, thu hút được toàn xã hội trong và ngoài nước tham gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống thiên tai năm 2020 vẫn còn bộc lộ một số vấn đề hạn chế như: Thông tin dự báo, cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất còn rất khó khăn; công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, cứu nạn từ Trung ương đến địa phương còn thiếu cơ sở dữ liệu, thiếu trang thiết bị chuyên dùng; hoạt động quyên góp, cứu trợ ở một số nơi chưa được tổ chức tốt, nhất là tình trạng tự phát của một số tổ chức, cá nhân gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân…

Chủ động ứng phó với thiên tai

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: Năm 2020, đất nước gặp nhiều khó khăn do thiên tai và COVID-19, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống Nhân dân. Công tác khắc phục hậu quả đã được triển khai nhanh chóng, tích cực, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại xảy ra. Đồng thời ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức, cá nhân trong ứng phó với thiên tai, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho Nhân dân; bày tỏ lòng tri ân đối với những người hy sinh và đã làm việc tích cực, hết lòng vì người dân trong hoạn nạn, khó khăn; chia sẻ khó khăn với người dân và các địa phương bị thiệt hại nặng do thiên tai và COVID-19; cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là quyết tâm cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2021; chủ động triển khai các giải pháp quyết liệt, hiệu quả với mục tiêu bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng đặt lên hàng đầu; lấy sự an toàn của Nhân dân làm thước đo hiệu quả công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, tình hình thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các tháng còn lại của năm 2021 khả năng xuất hiện khoảng 12-14 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó, có 5-7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lũ trên các hệ thống sông tiếp tục dự báo diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông; ngập úng vùng đồng bằng. Bên cạnh đó, tình hình COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành trung ương và các địa phương phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động ứng phó với thiên tai và công tác phòng, chống COVID-19. Các bộ, ngành trung ương, địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công; tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; lên phương án ứng phó, di dời dân khi có tình huống khẩn cấp, phù hợp với tình hình COVID-19 ở từng địa phương.

Nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương đến cơ sở; phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và Nhân dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường đưa tin kịp thời, chính xác để người dân và chính quyền nắm bắt, có giải pháp phù hợp trong việc ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Minh Đức