Huyện Đakrông sẵn sàng cho năm học mới
(QT) - Năm học 2017 - 2018, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng quy mô trường lớp trên địa bàn huyện Đakrông vẫn được duy trì ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn như cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu công tác dạy và học. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN SĨ HUẤN, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đakrông về những giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học trong năm học mới này.

Huyện Đakrông sẵn sàng cho năm học mới

(QT) - Năm học 2017 - 2018, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng quy mô trường lớp trên địa bàn huyện Đakrông vẫn được duy trì ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn như cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu công tác dạy và học. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN SĨ HUẤN, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đakrông về những giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học trong năm học mới này.

- Thưa ông! Đề nghị ông cho biết những kết quả đạt được của ngành Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) huyện Đakrông trong năm học 2017 - 2018?

- Năm học 2017 - 2018, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng quy mô trường lớp trên địa bàn huyện Đakrông vẫn được duy trì ổn định. Hầu hết các đơn vị trường học đều thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động trẻ trong độ tuổi ra lớp; sắp xếp, bố trí hợp lý phòng làm việc, phòng ở để có đủ số lượng phòng tổ chức dạy học, đáp ứng cơ bản nhu cầu đến trường của trẻ. Đối với cấp học mầm non có 167 nhóm, lớp với 3.446 cháu; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 99,81%. Đối với cấp tiểu học có 339 lớp (trong đó có 30 lớp ghép) với 4.939 học sinh, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%. Đối với cấp THCS có 105 lớp với 3.203 học sinh. Tỷ lệ huy động trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99%.

Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được tăng cường đầu tư. Trong năm học, toàn ngành đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng 25 phòng học, 5 phòng học bộ môn, 1 nhà hiệu bộ, 7 phòng ở cho giáo viên với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng. Đã khởi công xây dựng và đang hoàn thiện 99 phòng học, 6 phòng học bộ môn, 2 nhà hiệu bộ... Công tác quy hoạch khuôn viên trường, lớp học được đẩy mạnh, môi trường giáo dục ngày càng an toàn và thân thiện hơn. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm đầu tư. Trong năm học có 2 trường được công nhận lại và 1 trường được công nhận mới.

Chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học được duy trì, ổn định; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng các thể giảm so với đầu năm học. Chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và xóa mù chữ từng bước được nâng lên. 100% xã, thị trấn duy trì vững chắc kết quả đã đạt được trong phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 14/14 xã, thị trấn đạt chuẩn mức độ 3 trong phổ cập giáo dục tiểu học; đối với phổ cập giáo dục THCS tất cả 14/14 xã, thị trấn đạt chuẩn, trong đó có 2 xã đạt mức độ 1; 10 xã, thị trấn đạt mức độ 2 và 2 xã đạt mức độ 3; đối với phổ cập bậc trung học có 1/14 xã, thị trấn đạt chuẩn; 14/14 xã, thị trấn đạt chuẩn trong công tác xóa mù chữ, trong đó có 5 xã đạt mức độ 1; 9 xã, thị trấn đạt mức độ 2. Đặc biệt, quy mô dạy Tiếng Anh cho học sinh lớp 3, lớp 6 hệ 10 năm và theo chương trình mới tiếp tục được mở rộng. Trong năm học 2017 - 2018, toàn huyện có 12 đơn vị giáo dục tiểu học thực hiện dạy học Tiếng Anh theo đề án với 94 lớp, 1.730 học sinh; 5 trường, đơn vị giáo dục THCS dạy Tiếng Anh theo chương trình thí điểm với 21 lớp, 637 học sinh.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn như cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu công tác dạy và học. Phòng học còn thiếu phải sử dụng phòng học tạm, phòng học mượn, phòng học xuống cấp. Hầu hết các trường chưa có phòng học bộ môn, phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, nhà đa năng; công trình nước sạch, nhà vệ sinh ở một số điểm trường lẻ chưa đảm bảo; một số đơn vị còn thiếu quỹ đất để xây dựng các hạng mục công trình và làm sân chơi, bãi tập. Nhà công vụ cho giáo viên ở vùng khó khăn còn thiếu. Thiết bị dạy học mặc dù được trang cấp và mua sắm bổ sung nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu dạy và học; đồ dùng, đồ chơi chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ, nhất là tại các điểm trường lẻ. Ngoài ra, số lượng cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trường học còn thiếu so với vị trí việc làm và so với chỉ tiêu được giao, đặc biệt đối với cấp học mầm non. Thiếu nguồn kinh phí để hợp đồng nhân viên cấp dưỡng cho các trường mầm non ở vùng đặc biệt khó khăn để tổ chức bán trú cho trẻ. Đặc biệt, do đặc thù là địa bàn miền núi, học sinh hầu hết là con em đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, học tiếng Việt được xem là ngôn ngữ thứ hai, vì vậy hạn chế năng lực học tập ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa.

Trường Tiểu học thị trấn KrôngKlang chuẩn bị đưa vào sử dụng năm học 2018 - 2019. Ảnh: LA

- Để chuẩn bị cho năm học mới 2018 - 2019, Phòng GD-ĐT huyện đã có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn huyện, thưa ông?

- Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2018 - 2019, ngay từ đầu kỳ nghỉ hè, Phòng GD-ĐT phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất các đơn vị trường học. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã cấp 4,874 tỷ đồng cho các đơn vị để tiến hành sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất trong hè, đảm bảo điều kiện cho năm học mới. Tiếp tục tham mưu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để xóa phòng học tạm, mượn, phòng học xuống cấp; tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia; đẩy nhanh tiến độ các công trình đã khởi công xây dựng.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng chính trị hè 2018 để nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo. Đến nay 100% cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn ngành đã được bồi dưỡng, tập huấn về chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ trước khi bước vào năm học mới. Qua đó, đã nâng cao nhận thức, tư tưởng chính trị, ý thức trách nhiệm của nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và viên chức, nhân viên trong giai đoạn mới. Từ các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, giáo viên được chia sẻ những kinh nghiệm hay, những bài học tốt để áp dụng vào thực tế góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục.

Phòng cũng đã tổ chức rà soát đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên toàn ngành, trên cơ sở đó tham mưu điều động, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, tuyển dụng, bố trí viên chức trúng tuyển theo chỉ tiêu năm học 2016 - 2017; xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục theo chỉ tiêu năm 2018 nhằm đảm bảo đội ngũ giáo viên thực hiện kế hoạch dạy học năm học 2018 - 2019. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trường học trong lộ trình sáp nhập trường, xây dựng đề án sáp nhập, tham mưu UBND huyện quyết định thành lập các trường trên cơ sở sáp nhập trước ngày 30/8/2018 để các đơn vị ổn định ngay từ đầu năm học mới. Cùng với đó, phòng cũng đã chỉ đạo các đơn vị trường học tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, huy động trẻ, học sinh trong độ tuổi đến trường nhằm nâng cao tỷ lệ huy động; hoàn thành công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp. Chuẩn bị các điều kiện, khai giảng năm học mới, “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Giảng dạy theo khung thời gian năm học 2018 - 2019 của UBND tỉnh ban hành.

- Xin cảm ơn ông!

Lê An (thực hiện)