Truyện ngắn: Lão Gạt
1. Tôi đánh bạn với lão Gạt từ thuở tóc cháy nắng vàng hoe, cứ lẽo đẽo theo lão xuống biển mỗi chiều để mê mải ngồi ngắm lão sắp xếp cẩn thận từng thứ dây câu, mồi câu vào chiếc bầu khum khum đan bằng nan tre phủ dày lớp hắc ín chống thấm nước. Theo cách giải thích không cầu kỳ của lão thì chiếc bầu vừa là vật đựng đồ nghề đi biển cũng là chiếc phao cứu sinh của ngư dân khi gặp sóng to, gió lớn. Bao giờ cũng thế, trước khi bơi thuyền ra biển lão lại rút mấy cây hương chuẩn bị sẵn đốt lên rồi ...

Truyện ngắn: Lão Gạt

1. Tôi đánh bạn với lão Gạt từ thuở tóc cháy nắng vàng hoe, cứ lẽo đẽo theo lão xuống biển mỗi chiều để mê mải ngồi ngắm lão sắp xếp cẩn thận từng thứ dây câu, mồi câu vào chiếc bầu khum khum đan bằng nan tre phủ dày lớp hắc ín chống thấm nước. Theo cách giải thích không cầu kỳ của lão thì chiếc bầu vừa là vật đựng đồ nghề đi biển cũng là chiếc phao cứu sinh của ngư dân khi gặp sóng to, gió lớn. Bao giờ cũng thế, trước khi bơi thuyền ra biển lão lại rút mấy cây hương chuẩn bị sẵn đốt lên rồi cắm xuống bãi biển sau đó quỳ xuống chắp tay lầm rầm khấn vái điều gì đó khá lâu mới lên thuyền mất hút về phía những đợt sóng cồn tung bọt trắng xoá.

Sáng hôm sau, tôi lại xuống bãi biển ngồi chờ tiếng cười ầm ào tựa sóng biển phát ra từ chiếc cổ đỏ au màu đồng hun của lão cùng bao câu chuyện buồn vui của kiếp ngư dân rong ruổi một đời theo nghiệp biển, cứ ngỡ sẽ yên ngủ triệu năm trong lòng đại dương bao la được lão bí mật kể với riêng tôi sau chuyến biển trở về. Một già, một trẻ nằm gối đầu lên chiếc bầu đựng đồ nghề của lão bên bóng mát của mạn thuyền để rồi lão bắt đầu mang trí tưởng tượng tuổi thơ tôi vượt qua từng đợt sóng bờ hung hãn như muốn nuốt chửng chiếc thuyền câu bé nhỏ của lão trên đó có tôi đang lừ lừ tiến ra khơi. Biển khơi trong câu chuyện của lão là nơi lão thực sự trở thành con kình ngư am hiểu tường tận hướng chảy của dòng hải lưu mang theo đàn cá, mực say phù du di cư từ rạn san hô này đến rạn san hô khác mà dong thuyền, buông câu. Mỗi lần ra đến biển, khi ánh sáng ngọn đèn măng xông được “gói lại” bằng chiếc tán gỗ chỉ để ánh sáng tụ lại, soi chiếu xuống mặt biển khoảng vài vuông chiếu cói thì lão cũng bắt đầu dong chiếc cần câu có gắn mồi câu là khúc chì hình thoi bằng ngón tay cái được lão khéo léo gắn nhiều lưỡi câu tua tủa ở xung quanh sau đó nguỵ trang bằng mảnh kim tuyến xanh, đỏ óng ánh để làm mồi nhử mực, cá...Miếng mồi nhử khi lặn sâu vào nước biển xanh thẫm càng óng ánh, rực rỡ hơn bởi bàn tay khéo léo của lão điều khiển cần câu cho nhấp lên, nhấp xuống, mãi đến khi những con mực háu ăn tưởng mồi bám chiếc vòi ôm lấy miếng mồi nhử bị lưỡi câu cắm phập vào thớ thịt săn chắc thì cũng là lúc lão điệu nghệ cuốn dây câu mang nó lên khỏi mặt biển, gỡ thân hình tươi rói đến trong suốt có thể nhìn thấy cả lục phủ ngũ tạng bên trong rồi từ từ bỏ vào khoang thuyền. Cứ mài miệt câu cho đến quá nửa đêm khi mực không còn nhiều nữa thì lão tắt đèn sau đó lôi từ trong chiếc bầu ra cút rượu ngồi nhâm nhi ngắm biển. Biển về đêm dập dềnh ánh đèn thuyền câu giăng mắc cứ ngỡ như thành phố nào đó bị tách hẳn ra khỏi đất liền trôi tuột ra biển sau một biến động địa chất của vỏ trái đất. Trong hiu hiu của ngọn gió Nồm lang bạt trở về mang theo tiếng hát của ngư dân thuyền bạn hát lên cho quên nỗi cô đơn một mình giữa mênh mông trên trời, dưới nước. Tiếng hát văng vẳng lúc gần, lúc xa như linh hồn xưa cũ của bao ngư dân vùi thân xác dưới lòng đại dương thăm thẳm bởi giông tố bất ngờ trong giây phút nhớ vợ, thương quê gửi lời thở than theo ngọn gió. Trời sáng dần, lão sắp xếp dây câu, mồi câu vào chiếc bầu rồi néo lại mái chèo lặng lẽ chèo thuyền vào bờ. Mớ mực, cá kiếm được bán cho người trong làng chỉ đủ tiền cho lão đong gạo, mua thêm cút rượu ấm lòng giữa biển khơi. Biển khơi là nơi có đận lão gặp được cá ngài là loại cá lớn có hai chiếc vi cong vút lên và trên đầu vi có tua màu đỏ như cắm cờ mỗi khi dạt vào bờ thường được ngư dân vùng biển đem chôn cất, thờ cúng theo tín ngưỡng bái vật giáo. Đêm ấy, lão phải cố gắng đến lúc ánh bình mình đỏ quạch ló dạng ở đường chân trời mới dìu được cá ngài vào bờ. Gặp được cá ngài là niềm vinh dự lớn nhất trong đời người theo nghiệp biển bởi ai đưa được cá ngài vào bờ, người đó được làng thưởng công cho một cái đầu heo sau khi cúng cá ngài xong. Cá ngài được đưa lên bờ lập tức các bô lão đánh trống triệu tập trai tráng trong làng đến tụ họp tại sân đình. Khi đã đủ mặt trai tráng, các bô lão bắt đầu giao việc cho từng người. Người khéo tay thì kết bốn mái chèo lại thành chiếc đòn dài sau đó cẩn thận quấn giấy hồng điều quanh thân cá ngài rồi buộc cá ngài lên chiếc đòn. Người biết lễ nghi thì bày biện chuối, trầu, cau lên mâm lễ dâng cá ngài. Khi xong việc, đội kèn trồng tấu lên điệu nhạc đưa linh theo sau là bốn thanh niên lực lưỡng gánh ngài chầm chậm tiến ra đồi cát. Cũng theo lời của lão thì mỗi khi cá ngài kịch chiến với loại cá mập để bảo vệ mùa màng cho ngư dân nếu bị lâm nạn cá ngài thường tìm đến bám vào thuyền ngư dân hoặc bơi vào bờ để được ngư dân mang lên bờ chôn cất cho xứng với công lao của cá ngài dành cho ngư dân. Sau khi chôn cất cá ngài xong khoảng vài ngày sau chỉ cần ra biển là cá, mực đầy khoang mà không phải nhọc công chờ con nước mang theo luồng cá, mực. Câu chuyện của lão kết thúc khi mặt trời chiếu ánh nắng gắt xuống chỗ tôi với lão nằm. Lão véo đùi tôi một cái đau điếng rồi đứng dậy khoát tay bảo tôi về nhà ăn cơm. 2. Một buổi chiều sau cơn lốc biển khiến làng biển của tôi trắng toát vành khăn tang của nhiều gia đình có người mất tích trên biển. Trong không khí nhốn nháo cảnh vợ ôm manh chiếu vừa chạy, vừa gào thét, điên dại gọi tên chồng, mẹ lưng còng lẩy bẩy từng bước chân gọi tên con theo suốt dọc bờ biển ầm ào từng đợt sóng dữ dội xô vào bờ, lão Gạt tạt qua nhà kéo tay tôi bảo tôi xuống biển cùng lão. Tôi thấy trong đôi mắt ngầu đỏ của lão, ngân ngấn từng giọt nước đùng đục chực ứa ra. Khác mọi lần cứ xuống đến biển là lão bắt đầu rì rầm kể về đời đi biển của lão, lần này lão ngồi bó gối nhìn đăm đăm từng con sóng trắng xoá xô vào bờ. Giây phút lặng lẽ chấm dứt bằng giọng nói âng âng nước mắt của lão bật ra từ đôi môi nứt nẻ của dân miệt biển. - Cơn lốc tố lần này dữ dằn quá. Cả chục người mất tích, chắc sang năm làng mình làm đám giỗ tập thể mất thôi. Biển giả...biển giả...cho người ta mực, cá rồi lấy thân xác người ta cũng dễ dàng như trở bàn tay...Mày biết không? Mới hôm qua thằng Châm con ông Hoà sát nhà tao còn uống rượu với tao rồi còn nói đùa rằng sau chuyến biển này là hắn nghỉ hẳn ở nhà phụ vợ nuôi lợn cho khoẻ xác. Vậy là bây giờ khoẻ xác rồi Châm ơi...ơi...Từ nay tao còn biết uống rượu với ai đây... Lão bắt đầu khóc to thành tiếng. Đáp lại tiếng khóc của lão là tiếng sóng vu vơ xô vào bờ. Đêm bắt đầu đi qua chúng tôi ngập tràn gió lạnh đẫm hơi nước. Càng về khuya càng lạnh. Mưa lại bắt đầu rơi. Hạt mưa không vồ vập mà liêu xiêu, thanh mảnh rải đều lên đêm. Có giọt mưa nào bay lưu lạc về đây từ cơn tố lốc định mệnh mang đến cái chết tức tưởi giữa trùng khơi của bao ngư dân quê tôi hay từ cõi vô biên trời cao trên mái đầu tôi xuyên thẳng xuống bãi biển đêm vắng cho tan rữa nỗi đau giăng mắc trên cuộc đời lão Gạt. Tuổi thơ bé dại, tôi không thể hiểu thấu nỗi lòng của lão Gạt nên chỉ biết ngồi bên lão để nhìn lão khóc. Không nén được lòng mình, lão ôm ghì lấy tôi bằng cánh tay nổi lên từng thớ thịt săn chắc rồi rối rít xoa đầu tôi để hé mở cho tôi niềm đau phong kín trong lòng lão. - Mày biết không? Cách đây mười năm cũng cơn lốc tố dữ dội như lần này, vợ con tao phải bỏ mình giữa biển khơi. Hôm ấy, không biết trời xui đất khiến thế nào mà tao lại mang theo thằng con bằng tầm tuổi mày bây giờ ra biển. Vừa mới thắp đèn măng xông chuẩn bị buông câu thì mây kéo đến âm u, đen kịt mặt biển. Sóng to, gió lớn bắt đầu nổi lên gầm rú. Biết có lốc to sắp xảy ra, tao bảo vợ quẳng vội dây câu vào khoang thuyền để nhanh chóng chèo vào bờ. Nhưng không kịp nữa...Từng ngọn sóng to như mái nhà đổ ập xuống chiếc thuyền câu bé nhỏ. Thằng con tao bị sóng quăng đi xa một quãng rồi chìm nghỉm trước khi tao bơi đến kiếm tìm nó trong vô vọng. Vợ tao vớ được chiếc bầu đựng đồ nghề đi biển nhưng rồi mấy phút sau cũng bị sóng nuốt chửng. Tao điên dại vừa bơi, vừa gào thét lạc giọng tìm vợ con giữa cơn lốc tố bời bời cho đến sáng hôm sau có chiếc tàu chở hàng ngang qua vớt được thân xác bợt bã của tao lên tàu. Tao định không ăn, không uống để được chết theo vợ con tao mà không được...Tao hèn quá phải không mày?! Sau lần ấy tao quyết không đi biển nữa nhưng rồi dân vùng biển không đi biển thì biết lấy gì mà ăn nên tao lại tiếp tục ra biển đến tận bây giờ... Như vơi bớt nỗi đau khi kể cho tôi nghe câu chuyện đời bất hạnh của lão dẫu lão biết rằng tôi có nghe cũng chỉ biết giương mắt ngơ ngác nhìn lão chứ chẳng chia sẻ được gì. Kể xong, lão đứng dậy băng qua đồi cát như mộ trời chôn kín mưa đêm trở về túp lều tranh rách nát cuối làng của lão. Tôi lặng lẽ theo sau lão như cái bóng. 3. Mười lăm năm trôi qua nhanh như đời người mong manh tựa kiếp phù dung chớp mắt sinh ra, chớp mắt tồn tại, chớp mắt tan biến vào cõi hư vô sau khi nếm đủ cung bậc ái, ố, hỷ, nộ đời mình. Quãng thời gian trôi qua ấy, tôi kịp học xong đại học rồi tìm cho mình công việc phù hợp với mức lương chật vật lắm mới đủ sống ở cái thị xã nhỏ bé nhiều khói bụi, nên từ lâu tôi cũng quên mất người bạn già của tôi là lão Gạt ở làng biển quê nhà. Ghé vội về nhà sau hơn hai tháng lu bù công việc, vừa ngồi xuống phản mẹ tôi ôn tồn bảo: - Con còn nhớ lão Gạt làng mình không? Ngày xưa con cứ suốt ngày theo lão xuống biển bây giờ lão đang ốm liệt giường, con nên qua đó thăm lão một chút. Ăn ở với nhau cốt ở cái tình con ạ...Mấy năm nay lão đau ốm liên miên nên không đi biển được nữa với lại không có vợ con, anh em ruột thịt thì lại bỏ làng vào Nam làm ăn cả chục năm chẳng thấy ai quay về nên đến bữa ai cho lão thứ gì lão ăn thứ ấy. Tội nghiệp lão lắm....Lúc trưa mẹ mang cháo sang cho lão, lão có nhắn khi nào con về thì ghé quá chỗ lão. Hình như lão có điều gì đó muốn nói với con... Lão Gạt. Tâm trí tôi lại hiện bóng lão Gạt. Tôi bươn bả băng qua trảng cát đến túp lều xiêu vẹo như chực sụm xuống bởi nắng mưa của lão. Lão nằm cong queo trên chiếc giường ọp ẹp. Tôi đến bên lão cúi xuống sát mặt lão khẽ khàng hỏi: - Ông có còn nhớ con không? Con là thằng cu Nhật con mẹ Tưởng đây. Vậy ông ốm mấy ngày rồi... Lão cựa mình quay mặt ra phía tôi rồi giương đôi mắt mờ đục nhìn tôi từ đầu đến chân sau đó phều phào khó nhọc trong cổ họng: - Mày về khi nào vậy...Tưởng mày quên tao rồi chứ....Mấy ngày ốm liệt giường vừa rồi nếu không có mấy bát cháo mẹ mày mang sang cho chắc tao không chết vì ốm thì cũng chết vì đói từ lâu rồi... - Dạ. Con vừa về đến nhà nghe ông ốm nên qua thăm ông. - Lại gần đây...lại gần đây....tao nói cho mày nghe chuyện này... - Có chuyện gì ông cứ nói, con đang nghe đây. - Mày còn nhớ chuyện tao kể cho mày nghe về cái chết của vợ con tao chứ... Tao gạt mày cũng như gạt cả làng này lâu nay đấy... Chính tao gây ra cái chết cho vợ, con tao...ao...ao... - Ông nói gì con không hiểu? - Mày không hiểu cũng đúng thôi...Lần này tao ốm nặng chắc không sống được bao lâu nữa...Trước khi chết, tao muốn có ít nhất một người biết được bí mật khủng khiếp mà tao cố chôn dấu bấy lâu nay để lúc chết mang được chút yên ổn về chịu tội với vợ con tao ...Mày có sẵn sàng nghe rồi tha thứ cho tao chứ? - Ông cứ nói đi. - Đêm ấy, tao cùng vợ với thằng con ra biển...Vừa thắp đèn măng xông lên định câu mực thì bỗng lù lù xuất hiện một chiếc thuyền máy...Trên thuyền là đoàn người cả nam lẫn nữ đói khát lả đi vì không có thức ăn, nước uống tao nghĩ họ bị nạn lâu ngày trên biển...Trên tay họ, trên cổ họ đeo rất nhiều vàng...Cả đời trần lưng ra với biển chưa bao giờ tao thấy vàng nhiều đến thế. Lòng tham nổi lên, thay vì cứu họ, tao đã lần lượt lột hết vàng của họ... - Trời.... - Mày biết không? Tao run rẩy gỡ từng sợi dây chuyền, từng chiếc nhẫn vàng sáng chói lên trước ánh đèn măng xông...Khi gói đầy vàng vào chiếc áo đi biển sờn rách, tao quay lại thì không thấy vợ con tao đâu nữa...Chắc quá khủng khiếp trước hành động man rợ của tao nên vợ tao bồng con nhảy xuống biển bơi vào bờ....Tao cố gắng chèo thuyền tìm kiếm vợ tao cho đến khoảng nửa đêm thì cơn tố lốc nổi lên. Chiếc thuyền nhỏ không chịu nổi từng đợt sóng cao như mái nhà nên đã vỡ tan tành sau đợt sóng đầu tiên...Tao vớ được chiếc bầu đựng đồ nghề đi biển cố lách từng ngọn sóng cao vút bơi vào bờ cho đến khi ngất lịm... Sáng hôm sau tao được chiếc tàu chở hàng đi ngang qua vớt lên.... Tỉnh lại trên chiếc tàu hàng tao hoảng hốt sờ khắp người tìm chiếc áo chứa đầy vàng nhưng chiếc áo không còn bên cạnh tao nữa. Vợ con tao cùng chiếc thuyền chở đoàn người bị nạn đã mất hút vào lòng biển sau cơn lốc tố...Tất cả trôi qua như ác mộng...Đêm đêm ra biển câu mực, cá kiếm sống cứ ngồi câu được một lát là bên tai tao lại văng vẳng tiếng rên rỉ yếu ớt của họ và tiếng than khóc của vợ con tao...Mày thường nhìn thấy tao mang rượu ra biển...Tao mang rượu để uống cho đỡ sợ...Họ đòi mạng tao mày ạ...Mày hiểu cho tao...ao...ao...Tao sắp đi đền mạng cho họ rồi...ôi..ôi.. - Trời ơi... - Mấy chục năm qua....tao gạt được tất cả mọi người bằng cái vẻ hiền lành, lương thiện...nhưng tao không gạt được bản thân tao...ao...ao... Tôi ngồi trơ khấc nhìn lão. Lão ho sù sụ từng đợt và rũ xuống như tàu lá chuối tan tác sau gió bão. Tôi đứng dậy ra về mà không thèm chào lão lấy một tiếng. Lão nhìn tôi bằng ánh mắt van lơn. Từ hốc mắt già nua, giọt nước mắt đùng đục chầm chậm lăn qua gò má nhăn nheo chảy xuống mảnh chiếu rách bươm lão đang nằm. 4. Mấy tháng sau, mẹ tôi gọi điện thông báo với tôi là lão Gạt đã chết. Lão được người làng tôi gom góp mỗi người một ít tiền để lo đám tang. Mộ lão nằm dưới chân đồi cát sát mé biển. Mẹ tôi thở dài rồi bảo rằng trước khi lão trút hơi thở cuối cùng, lão cố gắng trườn khỏi chiếc giường ọp ép lê thân tàn lên đồi cát để rồi nằm chết trên đỉnh đồi cát. Tư thế chết của lão cũng rất đặc biệt bởi đó là tư thế của người đang bơi giữa biển với hai tay choãi rộng, xộc sâu vào cát và mắt trừng trừng nhìn về phía biển. Để khâm liệm vào quan tài có đến năm thanh niên lực lưỡng làng tôi phải gồng hết sức mình nhưng vẫn không thể nào kéo ngay ngắn được cái xác khô quắt của lão nên cuối cùng người làng quyết định chôn lão theo thế chết của lão. Còn tôi, ít lâu sau cái chết của lão Gạt, cơn lốc cơm áo cuốn tôi rối mù vào bao toan lo cuộc sống nên tôi quên bẵng đi câu chuyện dữ dội của lão. Nhiều khi chợt nhớ tới lão, tôi cũng chỉ biết chặc lưỡi thở dài, thế là lão chết yên phận lão. Người ta sinh ra đi đứng, nói cười có người còn nhớ đến sự tồn tại của mình chứ chết năm ba ngày có ai còn hiện hữu được trong trí nhớ của người đời... Hoàng Tiến Sỹ