Thông tin thêm về bài viết “Cần có giải pháp đối với hàng loạt công trình nước sạch “đắp chiếu””: UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương vào cuộc
(QT) - UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn. Trước đó, Báo Quảng Trị số 5471, ngày 5/4/2018 đăng bài viết phản ánh về việc hàng loạt công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh “đắp chiếu”.

Thông tin thêm về bài viết “Cần có giải pháp đối với hàng loạt công trình nước sạch “đắp chiếu””: UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương vào cuộc

(QT) - UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn. Trước đó, Báo Quảng Trị số 5471, ngày 5/4/2018 đăng bài viết phản ánh về việc hàng loạt công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh “đắp chiếu”.

Nhiều công trình cấp nước sạch ở xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông từ lâu đã không còn cấp nước

Từ ghi nhận thực tế, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan sớm triển khai một số công việc nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước tập trung, đảm bảo cấp nước sạch, ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Tài chính đẩy nhanh việc rà soát các công trình cấp nước tập trung, làm thủ tục thanh lý đối với các công trình ngừng hoạt động theo hướng dẫn của Thông tư số 54/ TT-BTC ngày 4/5/2013 của Bộ Tài chính. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất UBND tỉnh bố trí ngân sách, ưu tiên từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới để thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình cấp nước bị xuống cấp, hư hỏng nhằm phát huy hiệu quả công trình cấp nước tập trung trên địa bàn. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình hoạt động của các công trình cấp nước; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ vận hành công trình cấp nước; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia sử dụng và bảo vệ công trình cấp nước…UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm đảm bảo hoạt động của các công trình cấp nước do cộng đồng tại địa phương mình quản lý; chỉ đạo rà soát, củng cố mô hình giao cộng đồng quản lý theo hướng có sự tham gia thực chất của người sử dụng nước sinh hoạt.

Trước đó, như Báo Quảng Trị thông tin, hiện nay trên địa bàn có 202 công trình cấp nước nông thôn tập trung. Điều đáng nói là sau một thời gian đưa vào sử dụng, 99/202 công trình cấp nước tập trung nông thôn hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động. Trong đó, nhiều công trình được xây dựng với số tiền tỉ và đã bị “đắp chiếu” trong thời gian dài. Thực tế ấy khiến cuộc sống người dân nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng các công trình cấp nước tập trung nông thôn không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do nhiều công trình xây dựng đã lâu, bị xuống cấp; mưa, lũ làm công trình hư hỏng; biến đổi khí hậu, nạn chặt phá rừng làm cạn kiệt nguồn nước; mô hình quản lý không phù hợp, nguồn thu không đủ chi phí cho công tác quản lý, vận hành; việc thông tin, giáo dục, truyền thông cho người dân chưa được chú trọng…

Tây Long