Cổ vật làng Trung Yên
Đình làng Trung Yên- nơi lưu giữ 19 sắc phong của các vua Triều Nguyễn ban cho làngSau nén hương kính cáo với tổ tiên xin được mang mười chín sắc phong lần lượt qua các đời vua Nguyễn là cổ vật được lưu truyền, gìn giữ như máu thịt trong suốt quãng thời gian gần bốn trăm năm của làng xuống cho khách xem, cụ Trương Văn Tiếp, Hội chủ làng Trung Yên (xã Triệu Độ, Triệu Phong) nhẹ nhàng trải chiếu ra giữa sân đình rồi từ từ mở chiếc hộp gỗ, sau đó cẩn thận mang từng sắc phong đựng trong hộp bày ra ...

Cổ vật làng Trung Yên

Đình làng Trung Yên- nơi lưu giữ 19 sắc phong của các vua Triều Nguyễn ban cho làng
Sau nén hương kính cáo với tổ tiên xin được mang mười chín sắc phong lần lượt qua các đời vua Nguyễn là cổ vật được lưu truyền, gìn giữ như máu thịt trong suốt quãng thời gian gần bốn trăm năm của làng xuống cho khách xem, cụ Trương Văn Tiếp, Hội chủ làng Trung Yên (xã Triệu Độ, Triệu Phong) nhẹ nhàng trải chiếu ra giữa sân đình rồi từ từ mở chiếc hộp gỗ, sau đó cẩn thận mang từng sắc phong đựng trong hộp bày ra chiếu. Nâng niu từng tờ sắc phong trên tay, cụ Tiếp trầm ngâm mà bảo với tôi rằng các sắc phong vua ban là cổ vật ghi dấu lịch sử thăng trầm, biến thiên của đất làng. Những biến thiên, thăng trầm của đất làng Trung Yên như lời cụ Tiếp nói được ghi cẩn thận trong cuốn sử làng vừa mới được biên soạn lại. Cuốn sử làng Trung Yên ghi: Vào khoảng thế kỷ XIV, theo chính sách di dân lập ấp của nhà Trần, có ba dòng họ là Hồ, Lê, Nguyễn của xứ Thuỵ Lôi (vùng đồng bằng Bắc Bộ) hưởng ứng và khi vào đến tỉnh Thanh Hoá đã vận động thêm bốn dòng họ gồm Huỳnh, Trương, Trần, Phạm cùng nhập đoàn người Nam tiến để khai hoang, lập ấp. Khi đến bên bờ sông Lô Dung (sông Hương ngày nay) thấy đất đai trù phú, non nước hữu tình liền dừng chân chiêu mộ thêm dân chúng để lập ấp và đặt tên cho vùng đất mới là ấp Thuỵ Lôi để tưởng nhớ nguồn cội. Thời gian dần trôi, ấp Thuỵ Lôi từ chỗ dân cư thưa thớt đã trở nên đông đúc. Để xứng đáng với tầm vóc của vùng đất mới, khoảng năm 1553, các bô lão ấp Thuỵ Lôi đã đổi tên ấp Thuỵ Lội thành làng Phú Xuân với 3 thôn Giáp Thượng, Giáp Trung, Giáp Hạ. Năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Tần chọn đất làng Phú Xuân làm dinh phủ của chúa cho đến năm 1774, khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương sau đó xuống chiếu lấy làng Phú Xuân làm kinh đô của triều Nguyễn (thời bấy giờ quy mô của kinh đô chưa lớn lắm nên chỉ nằm đúng vào thôn Giáp Trung mãi cho đến năm 1802, khi vua Gia Long lên ngôi mới lấy trọn làng Phú Xuân làm kinh đô). Vâng chiếu vua ban, ngài thỉ tổ dòng họ Trương là Trương Văn Thành đã bỏ lại điền sản mang gia quyến ngược ra Bắc tìm nơi lập làng mới. Khi đến bên dòng sông Thạch Hãn, thấy cảnh vật không khác mấy với đất làng Phú Xuân, ngài đã dừng lại chiêu mộ dân chúng lập làng mới là làng Trung An Phường Giáp Trung (chính là làng Trung Yên bây giờ). Ghi nhận những đóng góp cũng như công trạng của ngài thỉ tổ dòng họ Trương cùng người dân làng Phú Xuân khi nhường lại nhà cửa, điền sản cho việc thành lập, mở mang kinh đô để tự nguyện ra tỉnh Quảng Trị khai khẩn đất đai, lập làng mới, các vị vua triều Nguyễn đã lần lượt ban mười chín sắc phong cho làng. Các sắc phong gồm: "Minh Mạng thất hiền cửu nguyệt sơ thập nhất ” là sắc phong Hoả Đức Thánh bà; " Thiệu Trị tam niên nhị nguyệt sơ thập nhất ” là sắc phong Thành hoàng làng; " Thiệu Trị tam niên nhị nguyệt sơ thập nhất ” là sắc phong Hoả Đức phu nhân; " Thiệu Trị tam niên tam nguyệt thập cửu nhật ” là sắc phong Hoả Đức phu nhân; " Thiệu Trị ngũ niên thập nhất nguyệt thập nhất nhật ” là sắc phong Thổ Đức phu nhân; " Thiệu Trị ngũ niên thập nhị nguyệt thập lục nhật ” là sắc phong Thổ Đức phu nhân; "Thiệu Trị tam niên tam nguyệt thập cửu nhật ” là sắc phong Bảo An chính thần; " Tự Đức tam niên cửu nguyệt tam thập nhật” là sắc phong Thổ Đức phu nhân; " Tự Đức tam nguyên cửu nguyệt thập nhất ” là sắc phong Thành hoàng làng; "Tự Đức tam thập tam niên nhất nguyệt nhị thập tự nhật ” là sắc phong Hoả Đức phu nhân; " Tự Đức tam niên thập nhất nguyệt tứ nhật ” là sắc phong Thành hoàng làng; “ Duy Tân tam niên bát nguyệt thập nhất nhật” là sắc phong Thổ Đức phu nhân; “Duy Tân tam niên bát nguyệt thập nhất nhật ” là sắc phong Thành hoàng làng; “ Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt sơ nhất nhật ” là sắc phong Thành hoàng làng; “ Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt sơ nhất nhật ” là sắc phong Hoả Đức phu nhân; “Khải Định nhị niên tam nguyệt thập bát nhất ” là sắc phong ngài tiền khai khẩn; “ Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật ” là sắc phong Thành hoàng làng; “ Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhất ” là sắc phong Hoả Đức phu nhân...
Cụ Trương Văn Tiếp bên 19 sắc phong làng Trung Yên
Dừng câu chuyện chốc lát, cụ Tiếp thành kính châm chén rượu lên bàn thờ tổ tiên, rồi tiếp: Những cổ vật ấy ngoài giá trị lịch sử bây giờ nó còn có ý nghĩa là ánh hồi quang của quá khứ soi chiếu cho con cháu ngày nay học tập bậc tiền nhân xưa mà phấn đấu đóng góp sức người, sức của để xây dựng quê hương thêm giàu, thêm đẹp. Ánh hồi quang đó được tiếp thêm sinh khí, sức sống lâu bền hơn mỗi khi làng có người đỗ đạt là các bô lão trong làng lại thắp hương lên bàn thờ tổ tiên xin rước các sắc phong xuống cho con cháu xem để tự hào về truyền thống của quê hương mà cố gắng vươn lên trong công tác, học tập. Bằng chứng sinh động nhất cho việc làm đó là làng chỉ có 81 hộ, 390 khẩu nhưng đã có đến gần 50 người là cử nhân, thạc sĩ...hiện đang đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau ở trong và ngoài tỉnh. Nghe cụ Tiếp nói chuyện người làng Trung Yên học hành thành đạt với tôi, anh Trương Văn Quyền làm từ giữ đình cũng góp chuyện bằng câu chuyện của chính gia đình anh. Anh cho biết: Gia đình anh có 6 con thì hiện có 5 người theo học các trường Đại học, Cao đẳng (có 3 người đã đi làm việc ở Tp. Đà Nẵng và tỉnh Đắc Lắc). Nhớ lại hồi các con lần lượt vào Đại học, gia đình không có tiền bởi cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào vài sào ruộng cố gắng làm lụng lắm may ra mới đủ ăn, anh phải bàn với vợ vay Ngân hàng gần 20 triệu đồng cho con đi học. Trước ngày con vào trường nhập học, anh đưa các con ra đình làng để nhờ cụ Tiếp khấn với tổ tiên cho các con anh mạnh khoẻ, học giỏi, sau đó xin được rước sắc phong xuống cho các con cầm nắm trên tay như để nói với các con rằng dù có đi đến tận chân trời góc biển nào cũng phải luôn lưu giữ niềm tự hào trong tim mình về mảnh đất quê hương. Tôi hiểu hành động đưa con đến đình làng để được cầm trên tay tấm sắc phong vua ban cho làng của anh Quyền cũng như nhiều người làng Trung Yên vẫn làm khi có người đi xa học hành, công tác như là biểu trưng của hành động cầm nắm cội rễ văn hoá làng trên tay. Để cho dù sau này có đi đến đâu, làm việc gì thì cũng phải cố gắng đóng góp sức mình mà xây dựng quê hương. Bài, ảnh: Hoàng Tiến Sỹ