Giúp dân thoát nghèo từ mô hình nuôi ngan
QTO - Đồn Biên phòng Ba Nang phụ trách địa bàn 2 xã biên giới là Tà Long và Ba Nang, huyện Đakrông với 1.390 hộ/7.043 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Vân Kiều chiếm tỉ lệ trên 88%. Do phương thức chăn nuôi, trồng trọt của người dân còn hạn chế nên kinh tế phát triển chậm, vì thế tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Để giúp người dân từng bước thoát nghèo, Đồn Biên phòng Ba Nang đã tích cực triển khai mô hình nuôi ngan, tạo nên cách làm mới giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập, từng bước nâng cao đời sống.

Giúp dân thoát nghèo từ mô hình nuôi ngan

Đồn Biên phòng Ba Nang phụ trách địa bàn 2 xã biên giới là Tà Long và Ba Nang, huyện Đakrông với 1.390 hộ/7.043 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Vân Kiều chiếm tỉ lệ trên 88%. Do phương thức chăn nuôi, trồng trọt của người dân còn hạn chế nên kinh tế phát triển chậm, vì thế tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Để giúp người dân từng bước thoát nghèo, Đồn Biên phòng Ba Nang đã tích cực triển khai mô hình nuôi ngan, tạo nên cách làm mới giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập, từng bước nâng cao đời sống.

Từ mô hình thí điểm

Tháng 6/2022, sau khi khảo sát, nghiên cứu thực tế địa bàn, đơn vị đã chọn 15 hộ gia đình tại thôn Ba Nang và thôn Sa Trầm để nuôi thử nghiệm với số lượng 50 con ngan giống cho mỗi hộ gia đình. Những ngày đầu khi tiếp nhận ngan con, một số thành viên gia đình ông Hồ Văn Bin, (42 tuổi), trú tại thôn Sa Trầm cùng đại úy Nguyễn Văn Tám, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng hầu như chẳng có đêm nào ngủ trọn giấc bởi thỉnh thoảng phải thức dậy để theo dõi đàn ngan.

Giúp dân thoát nghèo từ mô hình nuôi ngan

Trao tặng ngan giống đợt 2 cho người dân để mở rộng mô hình nuôi ngan -Ảnh: N.T.P

Sự khác biệt về khí hậu, thời tiết giữa miền xuôi và miền núi là trở ngại lớn nhất trong việc nuôi ngan bởi chỉ cần sơ suất về chuồng trại che chắn không kín, không thoáng hay chậm tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc những ngày trời trở lạnh quên bật đèn sấy... là ngan sẽ bị ảnh hưởng về sức khỏe dẫn đến chậm phát triển hoặc bị chết.

Đại úy Nguyễn Văn Tám chia sẻ: “Người dân vùng cao vẫn đang còn giữ thói quen chăn nuôi theo tập quán cũ, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, theo dõi vật nuôi... vì thế trước đây đã có một số nơi tặng con giống cho người dân nhưng không hướng dẫn về kỹ thuật nên tỉ lệ sống rất thấp và hiệu quả không cao.

Rút kinh nghiệm, lần này sau khi tặng ngan giống cho người dân, đơn vị cử cán bộ bám sát từng nhà, hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật cho ăn, tiêm thuốc phòng dịch bệnh, theo dõi ngan từng ngày. Vì vậy đàn ngan tăng trưởng tốt, đã có một số nhà bán được ngan thịt với trọng lượng từ 2 - 2,5 kg/con và tỉ lệ ngan sống đạt trên 95%”.

Sau khi tham quan mô hình gia đình ông Hồ Văn Bin, đại úy Tám tiếp tục đưa chúng tôi đến nhà bà Hồ Thị Lua, (42 tuổi) ở thôn Ba Nang. Cũng giống như ông Bin, gia đình bà Lua được tặng 50 con ngan giống.

Bà tiếp thu kiến thức chăn nuôi từ bộ đội biên phòng để chăm đàn ngan theo từng giai đoạn sinh trưởng. Chỉ sau từ 4 - 5 tháng, đàn ngan của gia đình bà có con đã nặng tới hơn 3 kg, bà Lua bán đợt đầu 15 con với giá 70.000 đồng/kg, tiếp theo bà bán 15 con với tổng thu nhập cả 2 đợt trên 6 triệu đồng.

Số còn lại bà nuôi ngan đẻ trứng vừa để bán, vừa để sử dụng trong gia đình và cho ngan ấp để tái đàn. Hiện nay, số ngan của gia đình bà vẫn giữ nguyên 50 con mặc dù bà đã bán 30 con. Bà Lua chia sẻ: “Nuôi ngan đúng kỹ thuật vừa nhanh lớn lại không bị dịch bệnh nên cho thu nhập khá. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nuôi và tăng thêm số ngan giống để phát triển kinh tế gia đình”.

Khắc phục khó khăn để nhân rộng mô hình

Tháng 2/2023, được sự tài trợ của nhóm Ong Chăm, Thành phố Hà Nội và sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, đã có thêm hơn 1.000 con ngan giống cùng với 100 kg thức ăn chăn nuôi và một số loại thuốc phòng dịch bệnh cho ngan đã được trao tặng cho 20 hộ người dân Vân Kiều ở xã Ba Nang và Tà Long.

Thêm những ngày vất vả nhưng cũng tràn đầy niềm vui đối với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Nang bởi sẽ có tiếp nhiều hộ dân tin tưởng, tham gia mô hình nuôi ngan theo kỹ thuật mới để phát triển kinh tế gia đình.

Địa bàn biên giới thời gian này đang là chu kỳ giao mùa nên khí hậu, thời tiết khá thất thường, ban ngày có khi nhiệt độ lên tới 260 C nhưng đến chiều tối và ban đêm, nhiệt độ giảm chỉ còn từ 12 - 150 C.

Đây là thời điểm mà người dân trên vùng cao này gọi là “mùa khí độc” nên dịch bệnh rất hay xảy ra đối với gia súc, gia cầm. Chính vì thế, việc theo dõi sức khỏe cho ngan con là vô cùng quan trọng. Mô hình thí điểm đã cho kết quả khả quan, bước đầu tạo được niềm tin trong Nhân dân, thế nhưng chỉ cần một vài gia đình nuôi không hiệu quả hoặc do chăm sóc chưa đảm bảo mà ngan bị chết thì việc nuôi ngan sẽ bị ảnh hưởng.

Từ khi tặng ngan giống cho người dân vào giữa tháng 2 đến nay, cán bộ, nhân viên đội vận động quần chúng và đội trinh sát của đơn vị hầu như ngày nào cũng có mặt tại số hộ nuôi ngan, khi thì nhắc nhở dân che chắn chuồng trại, lúc hướng dẫn tăng dần khẩu phần thức ăn theo chu kỳ sinh trưởng của ngan. Những đêm nhiệt độ xuống thấp, bộ đội phải đi hết một vòng để vừa kiểm tra, vừa nhắc nhở bà con bật đèn sưởi ấm cho ngan con... Nhờ sự tận tâm, tận tụy của các anh đã đem lại kết quả bước đầu rất tốt.

Đã qua 20 ngày nuôi, số ngan giống vẫn đảm bảo tỉ lệ sống 100%. Thượng tá Bùi Văn Hưng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ba Nang cho biết: “Qua thử nghiệm và thời gian đầu của giai đoạn tiếp theo đã cho kết quả tốt, vì thế sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục động viên cán bộ, chiến sĩ đơn vị đóng góp kinh phí, ngày công giúp bà con xây dựng chuồng trại, đồng thời kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm nguồn kinh phí mua ngan giống, thức ăn, thuốc thú y để mở rộng mô hình, tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân cho lai tạo với giống ngan thuần chủng địa phương để ngan vừa tăng về trọng lượng, vừa nâng cao chất lượng thịt và ít bị dịch bệnh”.

Có thể mô hình nuôi ngan của đồng bào Vân Kiều trên địa bàn 2 xã Ba Nang và Tà Long cần thêm một thời gian nữa để khẳng định tính hiệu quả, song bước đầu đã cho thấy nếu người dân tuân thủ theo cách chăn nuôi mới thì mô hình sẽ đem lại hiệu quả cao.

Phó Chủ tịch UBND xã Ba Nang Lê Văn Thắng chia sẻ: “Chuyển đổi giống cây, giống con theo hướng hiệu quả là nhiệm vụ rất quan trọng của địa phương. Qua theo dõi, chúng tôi thấy nuôi ngan do Đồn Biên phòng Ba Nang triển khai là một mô hình tốt, giúp người dân thay đổi về nhận thức trong chăn nuôi. Địa phương tin rằng với cách làm mới này, mô hình sẽ phát triển bền vững và đem lại hiệu quả cao”.

Nguyễn Thành Phú

Nguyễn Thành Phú