Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là sự kiện quan trọng, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh. Trước thềm đại hội, nhiều cán bộ, đảng viên và người dân với niềm tin son sắt vào Đảng đã bày tỏ những ý kiến tâm huyết mong muốn vào một nhiệm kỳ mới với nhiều thành công. Phóng viên Báo Quảng Trị ghi nhận và trích đăng các ý kiến tham gia.
* Trung tá TRẦN ĐỨC TỨ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh:
Cần có chủ trương sát đúng để phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng đã có nhiều chủ trương giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ở những địa phương này đã được cải thiện rõ rệt, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt được quan tâm đầu tư. Tuy vậy, thực tiễn cũng cho thấy, kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là ở huyện Hướng Hóa, Đakrông vẫn còn không ít khó khăn, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, năng lực và kinh nghiệm sản xuất của người dân, đầu ra cho sản phẩm nông sản. Trong đó, vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông sản hiện nay là rất cấp thiết bởi người dân thường hay đối mặt với tình trạng được mùa mất giá, rồi thiên tai và dịch bệnh khiến việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn.
Tôi mong muốn Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đánh giá sâu sát tình hình, đề ra những chủ trương sát đúng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, cần đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng giao thông, thủy lợi, hỗ trợ nâng cao kiến thức, năng lực sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, gắn với đó cần tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định các mặt hàng nông sản có thế mạnh của các địa phương này ở trong và ngoài nước. Khi có việc làm, thu nhập ổn định thì đời sống không những được cải thiện mà nhận thức, hành động của người dân trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cũng được nâng lên.
* Ông LÊ HOÀNG VIỆT, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận Khu phố 6, Phường 1, thành phố Đông Hà:
Thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững hơn
Một trong những dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua là bức tranh kinh tế của tỉnh đã có nhiều gam màu tươi sáng. Đó là sự xuất hiện của nhiều dự án đầu tư về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo nền tảng cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với sự xuất hiện của nhiều dự án điện gió được triển khai, chuẩn bị triển khai ở huyện Đakrông, Hướng Hóa, các dự án điện mặt trời ở các xã vùng cát của huyện Gio Linh. Cùng với đó là một số dự án du lịch, dịch vụ biển có quy mô cũng được khởi động.
Để kinh tế phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới, tôi mong Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII có quyết sách cụ thể, hiệu quả hơn để thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai dự án. Cần thực hiện điều này là bởi thực tế cho thấy, số lượng các dự án đầu tư trên địa bàn chưa nhiều, chưa có nhiều nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm và tiềm lực. Việc triển khai các dự án điện gió vẫn còn nhiều vướng mắc về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, về hạ tầng truyền tải. Trong khi đó, khá nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch cũng thực hiện khó khăn do gặp vướng mắc về đất đai… Tháo gỡ được những “rào cản” này sẽ góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025.
* Bà DƯƠNG THỊ THẬU, cán bộ hưu trí xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong:
Cần quan tâm ban hành nhiều chính sách hấp dẫn thu hút nhà đầu tư đến Quảng Trị
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư xây dựng nhiều khu, cụm, điểm công nghiệp (CN) và làng nghề, trong đó có nhiều khu CN lớn như Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu CN Tây Bắc Hồ Xá, Khu CN Quán Ngang, Khu CN Nam Đông Hà... đã thu hút nhiều dự án góp phần giải quyết việc làm cho người dân và tăng thu ngân sách cho địa phương.
Cùng với đầu tư xây dựng khu, cụm, điểm CN, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hấp dẫn thu hút nhà đầu tư. Môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện đáng kể. Tỉnh đã chú trọng thu hút nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là ở Khu kinh tế Đông Nam. Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm 30 năm lập lại tỉnh, đã có 30 dự án được khởi công và khánh thành với tổng vốn đăng ký trên 111.320 tỉ đồng, góp phần tăng tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, so với tiềm năng và thế mạnh thì tốc độ phát triển CN của tỉnh vẫn chưa tương xứng, chưa sử dụng hết nguồn nhân lực có tay nghề ở địa phương. Hiện nay, mỗi năm ở Quảng Trị có hàng ngàn sinh viên ra trường mong muốn có việc làm. Nhiều sinh viên phải tìm kiếm cơ hội việc làm ở các tỉnh, thành phố khác hoặc đi xuất khẩu lao động nước ngoài, trong số đó có rất nhiều em không sử dụng đến kiến thức đã học gây lãng phí chất xám rất lớn. Chính vì vậy, Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020- 2025 cần dành nhiều thời gian bàn bạc đưa ra những quyết sách mang tính đột phá hơn trong thu hút nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư ở các khu, cụm CN trên địa bàn tỉnh. Nếu các khu, cụm CN, nhất là Khu kinh tế Đông Nam có thêm nhiều nhà máy, xí nghiệp thì chắc chắn lực lượng sinh viên ra trường sẽ không thiếu việc làm như hiện nay.
* Ông ĐẶNG HIỀN LƯƠNG, cán bộ hưu trí ở Khóm 3B, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa:
Có chính sách cải thiện hơn nữa cuộc sống của cán bộ hưu trí
Những năm qua, tôi cũng như nhiều cán bộ hưu trí khác được hưởng chế độ theo quy định của Đảng và Nhà nước nhưng chúng tôi vẫn gặp một số khó khăn trong cuộc sống. Tuổi cao, sức yếu, đặc biệt cá nhân tôi và đồng đội từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ nên ít nhiều bị ảnh hưởng bởi chiến tranh nhưng với khoản lương hưu như hiện nay thì không đủ trang trải cuộc sống và thuốc chữa bệnh. Vì vậy, tôi rất mong Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII quan tâm đưa ra một số chính sách để cải thiện hơn nữa cuộc sống của cán bộ hưu trí.
Trước đây khi còn khỏe mạnh, tôi có hơn 20 năm tham gia vào Đội tình nguyện tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ của địa phương, góp phần đưa hơn 1.000 liệt sĩ về với quê hương. Hiện nay, do tuổi cao sức yếu nên tôi không thể tiếp tục công việc này. Mặc dù vậy, tôi vẫn luôn dõi theo và sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm, “tiếp lửa” cho anh em trong đội duy trì tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ. Tuy nhiên, tôi nhận thấy việc tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ hiện nay vẫn gặp một số khó khăn như thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ; địa hình, địa vật thay đổi nhiều không giống như sơ đồ mộ chí; kinh phí hoạt động còn hạn chế; một số đồng chí còn thiếu kinh nghiệm, không nắm rõ địa bàn… Vì vậy, tôi hy vọng rất nhiều vào Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tiếp tục quan tâm, đưa ra những chính sách đúng đắn, phù hợp, hiệu quả cho công tác tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ. Đẩy mạnh huy động nguồn kinh phí thông qua chủ trương xã hội hóa. Chú trọng tuyên truyền, công tác phối hợp của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể liên quan, bố trí đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ tốt nhiệm vụ “Đền ơn đáp nghĩa” này.
* Anh HỒ VĂN BƠN, Trưởng thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông:
Hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương, những năm gần đây thôn A Liêng có nhiều công trình phúc lợi như cầu bắc qua sông Đakrông, đường bê tông vào tận trung tâm thôn…giúp người dân địa phương thuận lợi hơn trong việc đi lại, buôn bán, trao đổi hàng hóa cũng như lao động sản xuất. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bên cạnh những thuận lợi, thôn A Liêng nói riêng và nhiều thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Do đó, tôi mong muốn Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII bầu ra những người có sức khỏe, đủ đức, đủ tài để lãnh đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đặc biệt trong đó, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông, không để xảy ra điểm “nóng” về an ninh trật tự ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Quan tâm hỗ trợ người dân chuyển đổi phương thức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả. Huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đầu tư xây dựng đường nội đồng, nội thôn, liên thôn, sửa chữa hệ thống cấp nước sạch. Công khai các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư... để người dân biết và tham gia quản lý, giám sát quá trình thực hiện. Có các chính sách ưu đãi giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
* Ông HOÀNG NHẬT THI, Chủ tịch UBND Phường 2, thành phố Đông Hà:
Quan tâm phát triển nông nghiệp đô thị
Phát triển nông nghiệp đô thị là xu hướng tất yếu của nông dân các thành phố, thị xã, thị trấn hiện nay bởi nông nghiệp đô thị sẽ giải quyết được vấn đề thiếu đất sản xuất; loại bỏ dần việc tổ chức sản xuất theo kiểu truyền thống để tiếp cận, ứng dụng khoa học nghệ làm gia tăng năng suất, giá trị sản phẩm nông sản cũng như hình thành các mô hình sản xuất chuyên biệt để cung ứng rau, hoa và thực phẩm cao cấp phục vụ các loại hình dịch vụ - du lịch. Nông nghiệp đô thị cũng sẽ góp phần giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm môi trường và cải thiện môi trường, cảnh quan đô thị; cải tạo đất, tái tạo chất dinh dưỡng cho đất thông qua tái sử dụng các chất thải hữu cơ từ các hoạt động của đô thị. Thực tế cho thấy, sau mấy năm tập trung phát triển nông nghiệp đô thị, thành phố Đông Hà đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao trên nhiều mặt, nông dân rất phấn khởi.
Tôi kỳ vọng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII sẽ có chủ trương sát thực hơn để phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung, phát triển nông nghiệp đô thị nói riêng. Trong đó, cần tăng cường đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất; công tác hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất nông sản an toàn theo hướng VietGAP cho các hộ nông dân. Quan tâm thực hiện tốt việc xây dựng chuỗi giá trị, kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông sản. Tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, xem đây là động lực cơ bản để mở rộng quy mô sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản.
(Còn nữa)
TỔ PHÓNG VIÊN (lược ghi)