Tôn tạo đình làng Câu Nhi- đạo lý hướng về cội nguồn
(QT) - Đình làng Câu Nhi, Hải Tân (Hải Lăng, Quảng Trị) là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Trải qua hàng trăm năm tồn tại trở thành một chứng tích quan trọng phản ánh quá trình hình thành và phát triển của làng Câu Nhi nói riêng và của các làng xã của miền quê Hải Lăng, Quảng Trị nói chung. Với giá trị và tính chất đặc biệt đó, đình làng Câu Nhi đã được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là Di tích quốc gia theo quyết định số 08/2001/QĐ-BVHTT, ngày 13/3/2001. Câu Nhi xưa có tên là ...

Tôn tạo đình làng Câu Nhi- đạo lý hướng về cội nguồn

(QT) - Đình làng Câu Nhi, Hải Tân (Hải Lăng, Quảng Trị) là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Trải qua hàng trăm năm tồn tại trở thành một chứng tích quan trọng phản ánh quá trình hình thành và phát triển của làng Câu Nhi nói riêng và của các làng xã của miền quê Hải Lăng, Quảng Trị nói chung. Với giá trị và tính chất đặc biệt đó, đình làng Câu Nhi đã được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là Di tích quốc gia theo quyết định số 08/2001/QĐ-BVHTT, ngày 13/3/2001. Câu Nhi xưa có tên là Câu Lãm, mảnh đất này đã sinh ra nhiều nhân vật nổi tiếng như: Hoàng Bôi, Hoàng Phúc, Trần Hữu Mậu, Bùi Văn Tú, Hoàng Trình…Trong đó, nổi danh là Tiến sĩ Bùi Dục Tài. Các tài liệu hiện còn cho biết làng được thành lập từ đầu thế kỷ XV nhờ công lao của 12 họ (Bùi, Hoàng, Nguyễn, Phạm, Trần, Lê, Đào, Đỗ, Trương, Phan, Đặng, Đề), trong đó đứng đầu là vị tiền khai khẩn Bùi Trành.

Đình làng Câu Nhi

Đình làng Câu Nhi xưa là ngôi đình lớn và đẹp có tiếng khắp vùng. Theo các cụ cao niên thì ngôi đình đầu tiên được dựng lên ở khu đất có tên gọi là Cồn Đình vào khoảng những năm đầu thời Lê sơ (1428-1443). Đến thời Tây Sơn, đình được chuyển đến khu vực đầu làng, ở ngã ba sông (tại địa điểm hiện nay). Đình làng được dựng vào năm 1879, đến năm 1882 mới hoàn thành. Kiến trúc của ngôi đình được xây dựng là một ngôi nhà rường rộng 5 gian 2 chái. Bộ khung gỗ có kết cấu vững chãi, các cột cái bằng gỗ lim có đường kính hơn 0,5m, những cột khác bằng gỗ mít to một người ôm không xuể; bộ mái lợp bằng ngói liệt; xung quanh đại đình có tường gạch che chắn ba mặt. Năm 1950, ngôi đình đã bị giặc pháp đốt cháy, khói lửa nghi ngút sau 1 tuần mới cháy trụi hoàn toàn. Do số lượng gỗ đã sử dụng để xây dựng ngôi đình rất lớn, vào năm 1955, các vị tộc trưởng, các bô lão trong làng và nhân dân đã quyên góp tiền của để tôn tạo lại ngôi đình, nhưng do không có đủ vật lực nên diện tích ngôi đình phải thu hẹp và diện mạo kiến trúc cũng bị thay đổi. Đó là hai nếp nhà song ngang theo kiểu chữ nhị làm theo lối nhà rường 3 gian 2 chái. Phía trước là tiền đường, phía sau là chính điện. Trong kháng chiến chống Mỹ, đình làng bị bom đạn tàn phá nặng nề. Đình làng đã trải qua hai lần trùng tu vào các năm 1967 và 1985. Năm 1991, xây lại bình phong và cổng tứ trụ phía trước khá quy mô. Đình hiện nay là 1 ngôi nhà 3 gian, quy mô nhỏ, ba phía xây tường gạch, mặt trước lắp hệ thống cửa “Thượng song hạ bản”. Cấu trúc kiểu vài chông, cột nóc, mái lợp ngói móc. Bên trong đình thờ Thần Hoàng và các vị tiền khai khẩn, khai canh, thuỷ tổ 12 họ tộc. Hàng năm, ở đình làng Câu Nhi tổ chức lễ cầu an vào những ngày đầu năm, lễ tế ngài khai khẩn Bùi Trành vào ngày mồng 2 tháng 7 âm lịch, lễ tế tại khu Văn Thánh vào các ngày của tháng 2 hoặc tháng 8. Trong tiến trình lịch sử, đình làng là nơi diễn ra nhiều sự kiện gắn với làng Câu Nhi và vùng đất Hải Lăng, Quảng Trị. Dưới thời Mạc (1527-1592), nhân dân Câu Nhi do quan tướng địa phương Hoàng Bôi lãnh đạo đã dùng đình làng làm nơi hội họp, rèn luyện võ nghệ, tích trữ lương thực. Các cuộc khởi nghĩa Hoàng Bôi đã để lại những dấu ấn lịch sử trên vùng đất Ô Lâu. Trong kháng chiến chống Pháp, đình làng là trụ sở của Uỷ ban hành chính kháng chiến xã Hải Tân. Nơi đây lần đầu tiên người dân bên bờ sông Ô Lâu được cầm lá phiếu bầu Quốc hội khoá I, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với tư cách là người dân làm chủ. Đây cũng là nơi tổ chức hội họp, tập luyện tự vệ, thực hiện các phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, tuần lễ vàng... Do chiến tranh nên toà đại đình uy nghi nổi tiếng đã cháy trụi, hiện chỉ còn những viên đá táng của ngôi nhà rường 5 gian 2 chái. Ngôi nhà xây dựng vào năm 1955 theo lối nhà rường 3 gian 2 chái, do thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, năm 2002, Cục Di sản, Bộ Văn hoá-Thông tin đã nhiều lần vào khảo sát và lập phương án đầu tư tôn tạo đình làng Câu Nhi. Tuy nhiên, về sau do nhiều nguyên nhân khách quan mà đình làng vẫn chưa tôn tạo. Ông Cáp Xuân Tá, Trưởng phòng Văn hoá thể thao & Du lịch huyện Hải Lăng cho biết: "Sau khi được xếp hạng di tích cấp quốc gia, năm 2005, UBND huyện đã tiến hành lập dự án đầu tư tôn tạo đình làng Câu Nhi. Thời gian 5 năm chuẩn bị, qua nhiều lần chỉnh sửa, có sự tham gia của các ngành chức năng ở tỉnh, huyện, chính quyền địa phương, hội đồng tộc trưởng làng Câu Nhi, sự phối hợp đầy trách nhiệm của Công ty cổ phần tư vấn Thừa Thiên Huế, ngày 31/8/2009 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt với tinh thần: Bảo vệ được yếu tố gốc của di tích theo Luật Di sản, nguồn vốn phù hợp và thực hiện theo hướng xã hội hoá. Quy mô và phương án cụ thể là: trùng tu, tôn tạo 7 hạng mục gồm: Toà đại đình, miếu thờ Tiến sĩ Bùi Dục Tài; cổng tứ trụ, bức bình phong, tường rào, sân đình, hệ thống điện với tổng mức đầu tư của dự án là 3.107 triệu đồng, trong đó: Nhà nước đầu tư 2.200 triệu đồng để tôn tạo toà Đại đình, xây miếu thờ Tiến sĩ Bùi Dục Tài và chi phí quản lý dự án. Các hạng mục còn lại do địa phương đóng góp xây dựng theo thiết kế đã được phê duyệt". Phương án về Toà đại đình sẽ giữ nguyên những viên đá táng đã được xây dựng từ năm 1879, giữ nguyên hướng chính, nâng cao nền đình và dịch về phía sau khoảng 4 m. Bổ sung thêm 1 nhà “vỏ cua” phía trước và 2 chái ở 2 bên đình. Thay các cột, kèo, trếng, đòn tay, rui, lác bị hỏng bằng loại gỗ kiền và chạm trổ lại. Phần mái lợp ngói liệt, các đường bờ nóc, tè trang trí hình thú vật, hoa lá, ở đỉnh nóc là hoạ cảnh “lưỡng long chầu nguyệt” được đắp bằng các mảnh sành sứ. Xung quanh tòa đại đình được xây bằng tường gạch, nền được lát bằng gạch Hạ Long. Công trình do công ty TNHH xây dựng số 1 Quảng Trị thi công gói thầu: tháo dỡ hiện trạng, xây lắp hạng mục Tòa đại đình, miếu thờ Tiến sĩ Bùi Dục Tài trong thời gian 8 tháng. Các hạng mục còn lại gồm: Cải tạo cổng tứ trụ, tường rào, sân, bình phong, điện sân vườn, địa phương sẽ vận động quyên góp và thực hiện sau. Đông đảo bà con dân làng đã đến dự lễ khởi công tôn tạo đình làng Câu Nhi, ai nấy đều hoan hĩ vì đây là một việc làm hết sức cần thiết, thể hiện đạo lý hướng về cội nguồn của người Việt Nam, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá, góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nâng cao lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước. Bài, ảnh: Minh Tuấn