Những vấn đề đặt ra đối với việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe
Sự việc "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" của bà Lê Thị Như, nhân viên hồ sơ Trường Công nhân kỹ thuật và nghiệp vụ giao thông- vận tải (CNKT&NVGT-VT) móc nối với một số đối tượng khác để làm giả giấy phép lái xe bị cơ quan điều tra phanh phui giữa tháng 10 vừa qua đã làm cho nhân dân thêm nghi ngại.  Bởi trên thực tế, tình trạng tai nạn giao thông trên địa bàn Quảng Trị diễn biến hết sức phức tạp gây hậu quả nặng nề, trong số đó, không biết bao nhiêu trường hợp đã sử dụng ...

Những vấn đề đặt ra đối với việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe

Sự việc "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" của bà Lê Thị Như, nhân viên hồ sơ Trường Công nhân kỹ thuật và nghiệp vụ giao thông- vận tải (CNKT&NVGT-VT) móc nối với một số đối tượng khác để làm giả giấy phép lái xe bị cơ quan điều tra phanh phui giữa tháng 10 vừa qua đã làm cho nhân dân thêm nghi ngại. Bởi trên thực tế, tình trạng tai nạn giao thông trên địa bàn Quảng Trị diễn biến hết sức phức tạp gây hậu quả nặng nề, trong số đó, không biết bao nhiêu trường hợp đã sử dụng loại giấy phép giả này để điều khiển phương tiện rồi gây ra tai nạn thì chưa có một cơ quan chức năng nào có kết luận chính thức.

Giáo viên Trường CNKTGT-VT hướng dẫn học viên lái xe ô tô
Trường CNKT&NVGT-VT có nhiệm vụ đào tạo nghiệp vụ giao thông- vận tải cho nhân dân. Chỉ tính từ đầu năm 2008 đến nay, đã có hơn 17.000 người đến học lái xe gắn máy và gần 850 người học lái xe ô tô các loại. Để có được kết quả này, trường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa để mở lớp tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân tham gia. Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn, trong lúc đó cán bộ, nhân viên của trường còn thiếu nên thời gian giảng dạy luôn nằm trong tình trạng quá tải, vượt quá qui định của ngành. Bên cạnh đó, đối với việc sát hạch lấy bằng lái xe ô tô do trường chưa có trung tâm sát hạch tự động nên phải nhờ trung tâm của các tỉnh bạn vừa xa, vừa tốn kém cho người học. S ố giờ học đối với lái xe gắn máy quá ít hơn 12 giờ, trong đó chủ yếu học về Luật Giao thông đường bộ, lý thuyết kỹ thuật lái xe và thực hành. Đối với xe ô tô số giờ học nhiều nhưng chủ yếu học về nghiệp vụ còn môn đạo đức của người lái xe rất ít, chỉ chiếm 12/616 giờ học đối với hạng B1, 16/648 giờ học đối với hạng B2... Việc chấm thi đối với lái xe gắn máy còn bằng trực quan, chỉ có ô tô mới sử dụng thiết bị tự động nên khó tránh khỏi sai sót chủ quan của người chấm thi. Thêm nữa, do không có qui định nào của ngành chức năng yêu cầu người học lái xe gắn máy cũng như ô tô (trừ người học lái xe ô tô khách từ 30 chỗ ngồi trở lên mới yêu cầu có trình độ nhất định) phải có trình độ học vấn nhất định nên hàng năm có trên dưới 100 người không biết chữ tham gia học thi lấy bằng lái xe. Với những bất cập trên, phải chăng chất lượng đào tạo thi lấy giấy phép lái xe chưa cao dẫn đến góp phần làm gia tăng tình trạng tai nạn giao thông như hiện nay? Ông Lê Thanh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nguyên nhân tai nạn giao thông thì có nhiều nhưng lỗi chủ yếu là do ý thức của người điều khiển phương tiện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân xuất phát từ việc cơ cấu số giờ học về đạo đức của người lái xe ô tô rất ít, còn với người điều khiển xe gắn máy thì hoàn toàn không có. Trước thực trạng TNGT diễn biến phức tạp, trong đó có nguyên nhân chất lượng đào tạo cấp giấy phép lái xe của các cơ sở đào tạo chưa cao, hiện tượng học giả cấp bằng thật và cấp bằng giả vẫn xảy ra nên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/2007 yêu cầu ngành Giao thông- Vận tải chủ trì phối hợp với ngành Lao động- Thương binh và Xã hội thường xuyên kiểm tra chất lượng đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và thu hồi có thời hạn hoặc vĩnh viễn giấy phép những cơ sở đào tạo lái xe không đảm bảo tiêu chuẩn theo qui định hoặc bị phát hiện có tiêu cực, cắt giảm chương trình đào tạo lái xe...; kiên quyết xử lý nghiêm khắc các hành vi tiêu cực và lãnh đạo của đơn vị có hành vi tiêu cực phải chịu trách nhiệm liên đới. Tuy nhiên, theo Chánh Thanh tra Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thì từ trước đến nay, nhất là sau khi có Nghị quyết 32 của Chính phủ ngành Giao thông- Vận tải vẫn chưa có một động thái nào trong việc phối hợp với ngành LĐ- TB & XH để kiểm tra chất lượng đào tạo cấp giấy phép lái xe. Việc kiểm tra chất lượng dạy và học của các cơ sở đào tạo cấp giấy phép lái xe cho nhân dân là rất cần thiết vì có như thế mới tránh được những tiêu cực không đáng có trong thời gian qua cũng như yêu cầu cơ sở đào tạo thực hiện đúng qui định trong việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe. Bài, ảnh: NGUYỄN VINH