Theo đuổi giấc mơ nông sản sạch
(QT) - Khởi nghiệp với một cơ sở sản xuất nhỏ, Phan Thu Giang, ở thị xã Quảng Trị đang từng ngày khẳng định uy tín và thương hiệu của các sản phẩm mình làm ra, khi được nhiều khách hàng gần xa đặt niềm tin sử dụng lâu dài. Theo đuổi đam mê làm nông nghiệp sạch, đằng sau những thành công ban đầu hôm nay của cơ sở sản xuất Liên Giang là câu chuyện về một tấm gương bạn trẻ khởi nghiệp đầy nghị lực và tâm huyết với nghề.

Theo đuổi giấc mơ nông sản sạch

(QT) - Khởi nghiệp với một cơ sở sản xuất nhỏ, Phan Thu Giang, ở thị xã Quảng Trị đang từng ngày khẳng định uy tín và thương hiệu của các sản phẩm mình làm ra, khi được nhiều khách hàng gần xa đặt niềm tin sử dụng lâu dài. Theo đuổi đam mê làm nông nghiệp sạch, đằng sau những thành công ban đầu hôm nay của cơ sở sản xuất Liên Giang là câu chuyện về một tấm gương bạn trẻ khởi nghiệp đầy nghị lực và tâm huyết với nghề.

Các sản phẩm của cơ sở sản xuất Liên Giang được người tiêu dùng tin tưởng

Kĩ sư xây dựng chuyển nghề sản xuất tinh bột nghệ

Phan Thu Giang tốt nghiệp ngành Kinh tế xây dựng, Trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh. Cũng giống như bạn bè mình, học xong đại học, Giang tìm kiếm một công việc phù hợp với vai trò một kĩ sư tại công ty xây dựng tư nhân, chăm chỉ với công việc làm đúng ngành nghề đã được đào tạo. Thời gian làm việc chủ động nên tranh thủ những lúc rảnh rỗi, Giang về phụ mẹ sản xuất tinh bột nghệ, sắn dây. Nghề này ba mẹ Giang đã gắn bó hơn mười năm, là nguồn thu nhập chính của gia đình để có điều kiện nuôi chị em cô ăn học. Cách làm của ba mẹ Giang chủ yếu là sản xuất thủ công truyền thống, công sức bỏ ra nhiều nhưng sản phẩm thu lại hạn chế, đủ bán nhỏ lẻ ra thị trường. Những ngày phụ giúp mẹ làm nghề, nhìn thấy ba mẹ đặt hết tâm huyết vào việc phải lựa chọn sao cho có loại nghệ ngon, đảm bảo chất lượng để làm ra sản phẩm tốt, Giang thấy mình có thêm niềm đam mê được gắn bó cùng nông nghiệp hữu cơ và hiện thực hóa giấc mơ mang nông sản sạch đến với người tiêu dùng. Ý nghĩ này ngày càng thôi thúc Giang phải thực hiện bằng được. Tuy vậy, ban đầu khi Giang bất ngờ quyết định rẽ ngang để khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ, mọi người đều ngỡ ngàng. Cha mẹ của cô, những người gắn bó lâu năm với sản phẩm nông nghiệp, đều tâm tư trước lựa chọn của con vì thấu hiểu sự rủi ro trong lĩnh vực này nhưng cô vẫn cương quyết theo đuổi. Sau nhiều lần thuyết phục và được sự đồng ý của gia đình, Giang nghỉ hẳn công việc ở công ty và chuyên tâm sản xuất tinh bột nghệ, sắn dây. “Để làm ra sản phẩm tinh bột nghệ đạt chất lượng tốt nhất, em tìm tòi nghiên cứu, đầu tư máy móc để tách bỏ tinh dầu và chất xơ còn lại trong củ nghệ, áp dụng các biện pháp phơi, sấy nhằm đạt được hàm lượng curcumin tốt nhất”, Phan Thu Giang chia sẻ. Ngoài ra, để tiện lợi cho khách hàng sử dụng, mang theo bên mình thuận tiện, Giang bào chế tinh bột nghệ dạng viên trộn với mật ong nguyên chất, không chất phụ gia, tạo màu, bảo quản. Đây cũng là dòng sản phẩm bán chạy nhất hiện nay của cơ sở Liên Giang. Những tín hiệu tích cực ban đầu từ việc nối gót nghề truyền thống của ba mẹ làm tinh bột nghệ, bột sắn dây đã cho Giang nhiều ý tưởng mới để mở rộng sản xuất.

Sản phẩm của cơ sở sản xuất Liên Giang được giới thiệu tại nhiều hội chợ thương mại, hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp trong cả nước

Hướng đi bền vững

Trà gạo lứt, trà đậu đen xanh lòng là những sản phẩm mới mà Phan Thu Giang tìm tòi sản xuất, bắt nguồn từ lí do đơn giản là sau khi tìm hiểu công dụng thấy phù hợp cho người bị bệnh tiểu đường, cô nghiên cứu cách làm để trước hết phục vụ cho ba mẹ đang khổ sở sống chung với căn bệnh này nhiều năm nay. Tiêu chí đầu tiên mà Giang đặc biệt đề cao và nghiêm túc tuân thủ là chọn cho được loại nguyên liệu sạch, theo nghĩa không sử dụng các loại phân bón hóa học trong quá trình canh tác. Đặt mình vào thế khó, Giang không quản ngại khó khăn lặn lội về các xã của huyện Vĩnh Linh, lên tận Ba Lòng (Đakrông) để tìm mua cho được nguyên liệu ưng ý. “Mất nhiều công bởi muốn có nguyên liệu như gạo lứt, đậu đen xanh lòng đảm bảo yêu cầu, thời gian đầu tôi phải đi thu gom lẻ từng ít một. Hễ nghe nhà nào có trồng đậu, trồng gạo đảm bảo chất lượng, dù ít hay nhiều tôi cũng cố gắng liên hệ để mua”. Điều khiến Giang phải đau đầu là nếu nguồn nguyên liệu không đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất, nhất là trong điều kiện sản phẩm sản xuất ra ngày một nhiều. Giang tính chuyện lâu dài bằng cách tìm mua 2 ha đất, thuê người trồng các loại đậu xanh, đậu đỏ. Tận dụng xác của nghệ, sắn dây phế phẩm của nhà, Giang đem ủ thành phân hữu cơ để lấy phân bón cho các loại đậu. Cách làm này đã giải quyết được rất nhiều vấn đề, đó là hạn chế tối đa việc thải các phế phẩm trong quá trình sản xuất ảnh hưởng môi trường, đồng thời có được một lượng phân bón hữu cơ dồi dào phục vụ cho trồng cây để có sản phẩm hoàn toàn yên tâm về độ sạch. Ngoài ra, Giang tìm đến các vùng chuyên trồng hoa màu và các loại cây dược liệu có uy tín như nghệ vùng Cùa, sắn dây của Vĩnh Trung (Vĩnh Linh), đậu xanh, đậu đen ở Đakrông, Vĩnh Linh để đặt hàng nguồn nguyên liệu lâu dài cho cơ sở sản xuất.

Phan Thu Giang tự tay kiểm tra nguyên liệu và đóng gói sản phẩm

Khi đã tương đối yên tâm về nguồn nguyên liệu, Giang tiếp tục cho ra các sản phẩm mới như bột mầm đậu xanh, mầm đậu nành, bột ngũ cốc dinh dưỡng, bột gạo lứt mè đen…Mỗi sản phẩm gửi gắm niềm đam mê sáng tạo của cô kĩ sư trẻ rẽ lối theo đuổi giấc mơ nông sản sạch Phan Thu Giang. Tự tay lựa chọn nguồn nguyên liệu, giám sát khâu sản xuất, Giang tự nhận mình khá kĩ tính và cầu toàn. Giang kể: “Có lần làm ra mẻ bột ngũ cốc, đóng gói mấy trăm hộp, sau khi kiểm tra lại tôi phát hiện có một loại đậu bị rang quá lửa nên có mùi hơi khó ăn, dù đã trộn lẫn với các loại nguyên liệu khác. Dù tiếc nhưng tôi cố gắng liên hệ để thu hồi lại tất cả các sản phẩm đã lỡ giao cho khách hàng. Mặc dù nhiều khách hàng dễ tính cho rằng sản phẩm mình đã mua không ảnh hưởng nhiều đến mùi vị, nhưng làm nghề phải có tâm và uy tín nên tôi kiên quyết đổi lại sản phẩm chất lượng cho khách hàng sử dụng. Điều làm tôi thấy vui là những phản hồi tích cực của khách hàng gần xa khi sử dụng các sản phẩm và thấy được hiệu quả rõ rệt đối với sức khỏe”.

Hiện tại, cơ sở sản xuất Liên Giang đã có gần 10 đại lí phân phối ở các tỉnh như Phú Yên, Ninh Bình, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Sản phẩm của Liên Giang cũng liên tục được ngành công thương, ngành nông nghiệp tỉnh lựa chọn tham gia giới thiệu tại các hội chợ thương mại, hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp…được tổ chức ở nhiều địa phương trong cả nước. Đây chính là những cơ hội để Phan Thu Giang đưa sản phẩm nông nghiệp sạch giới thiệu với khách hàng gần xa, đồng thời tìm kiếm cơ hội để mở rộng hệ thống đại lí ở các tỉnh, thành phố. Dù cơ sở sản xuất của Giang vẫn còn ở quy mô khá nhỏ, nhưng cô chia sẻ, mình cố gắng đi những bước ngắn, chắc chắn và hiệu quả, trước mắt giải quyết công việc thường xuyên cho khoảng 5 lao động, doanh thu mỗi tháng hơn 300 triệu đồng. “Cố gắng lấy công làm lãi, đặt chữ tâm lên đầu khi làm ra bất cứ sản phẩm nào và chất lượng phục vụ khách hàng cũng chính là phục vụ cho mình, cho người thân, đó là những gì khiến tôi luôn tâm niệm dù trước mắt sẽ không ít khó khăn”, Giang chia sẻ.

Thanh Trúc