Học căng đến rối loạn tâm thần
(TTO) - Trầm uất, rối loạn cơ thể, tự kỷ, loạn thần, rối nhiễu tâm - thể... Ít ai ngờ những chẩn đoán như thế này lại dành cho nhiều bệnh nhân đang ở lứa tuổi học sinh phổ thông, trong đó có nguyên nhân từ áp lực của việc học.

Học căng đến rối loạn tâm thần

(TTO) - Trầm uất, rối loạn cơ thể, tự kỷ, loạn thần, rối nhiễu tâm - thể... Ít ai ngờ những chẩn đoán như thế này lại dành cho nhiều bệnh nhân đang ở lứa tuổi học sinh phổ thông, trong đó có nguyên nhân từ áp lực của việc học.

Nhiều học sinh không đủ sức đáp ứng cường độ học căng thẳng trước các kỳ thi - Ảnh: Như Hùng
Những áp lực đến từ gia đình, nhà trường cộng với sự thiếu quan tâm đến tâm lý lứa tuổi dậy thì đang đưa đến những hậu quả khó lường. Câu chuyện từ những học sinh đến khám ở các phòng khám tâm thần khiến các bậc phụ huynh phải giật mình...

Bỏ trốn và ngơ ngẩn

Theo bệnh án gần đây của một số học sinh đến khám tại phòng khám tâm thần trẻ em (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM): P.L., HS lớp 5 ở Q.10, TP.HCM, được đưa đến phòng khám với những triệu chứng: mất ngủ triền miên, suốt ngày nằm trên giường, không tiếp xúc với ai, kêu nhức đầu, buồn nôn. Gần một tháng nay, kết quả học tập của L. tụt hẳn xuống, dù trước đó em là HS giỏi.

Gia đình phát hiện L. thường ngồi rất lâu trước tập vở nhưng không tập trung. Khi mẹ nhắc nhở, L. bực dọc, nổi cáu, phản ứng dữ dội, dễ khóc, đôi khi xé tập vở. Đến giờ đi học, L. nằm lì trên giường để phản đối.

"Em bị thầy “đì” suốt từ năm lớp 8. Em luôn ấm ức, bức xúc vì thầy cho điểm không thỏa đáng. Vào những ngày có tiết của thầy, em không muốn đi học, bị nôn mửa và mệt mỏi. Khi về nhà, em mất ngủ, chán nản"

T.T. (học sinh lớp 9, Q.2, TP.HCM)

Sau buổi trò chuyện với L. và ba mẹ của L. kéo dài hơn một giờ, các bác sĩ phát hiện ba mẹ L. muốn L. thi đậu vào lớp 6 một trường chuyên ở Q.1, thường thể hiện mong muốn đó trong những buổi nói chuyện với con hoặc trong bữa ăn.

Lịch học của L. vì vậy rất căng: ngày hai buổi ở trường, từ 17g-19g học thêm, về nhà lại học bài đến 22g, không có thời gian xem tivi hay chơi đùa. Khi được bác sĩ phân tích hướng điều trị bằng tâm lý và cả can thiệp bằng thuốc, ba mẹ L. mới thật sự giật mình và hối hận về những áp lực đè nặng lên đứa bé đang ở tuổi ăn tuổi ngủ.

Trong khi đó, T.T., HS lớp 9 ở Q.2, kể với bác sĩ rằng em có những cơn ác mộng giết người, thường hốt hoảng bật dậy trong đêm. T. luôn trong trạng thái lo âu, mệt mỏi, cứ ăn vào lại ói ra. Gia đình tưởng T. bị viêm dạ dày nên đưa đi điều trị. Khi đến bệnh viện tâm thần, bác sĩ phát hiện rằng ở trường T. có một giáo viên khó tính thường đánh học trò khi làm bài sai.

Trường hợp của H., HS lớp 11, nhiều năm liền là HS giỏi. Gia đình không ép học nhưng H. luôn ganh đua với bạn bè để đứng đầu lớp, em thức khuya, dậy sớm, toàn tâm cho chuyện học. Thời gian gần đây H. thường than nhức đầu, ăn uống kém nhưng ba mẹ nghĩ là không sao. Đến kỳ thi học kỳ I vừa qua, đang trong giờ làm bài thì H. bỏ trốn khỏi trường. Ngày hôm sau, khi công an tìm thấy H. thì em trong trạng thái ngơ ngẩn, không nhận ra ai. Phải mất khá nhiều công sức, các bác sĩ mới kéo H. ra khỏi trạng thái lơ mơ đó và giúp em có thể tiếp tục đến trường.

Quá căng thẳng, mệt mỏi, nhiều HS ngủ gật ngay trong giờ ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tại một trường THPT ở TP.HCM (ảnh chụp ngày 19-5-2010) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Số ca bệnh tại phòng khám tâm thần nhi đầu năm 2010

Tháng

Tổng số

Lứa tuổi HS

1

1.882

1.313

2

1.624

1.133

3

2.119

1.461

4

1.994

1.403

Tăng cao vào mùa thi

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, bác sĩ Ngô Xuân Điệp, phó khoa tâm lý, còn giữ nhiều tranh vẽ của HS M., 14 tuổi, ở Q.Bình Thạnh. Tranh của em vẽ trận chiến giữa những con rồng với người, vẽ người thiếu bàn tay hoặc bàn tay thiếu ngón, người không có mắt, không có tai.

Bác sĩ nhận định: “Những bức tranh đều thể hiện sự tự ti, mặc cảm bản thân, hoang tưởng, cô lập và sợ hãi”. M. vừa học xong lớp 8, lý do đến khám là “nghe thấy những âm thanh sỉ nhục trong đầu”. Tìm hiểu của bác sĩ cho thấy ba em là kỹ sư điện tử, mẹ ở nhà chăm con. Mẹ là người nóng tính, hay quát mắng, ép M. học bài, la chửi khi M. học sút. Ba mẹ M. đều không hiểu nguyên nhân con mình trở nên ù lì, nói năng lảm nhảm. Gia đình không chấp nhận chuyện M. bị bệnh tâm thần nên trước đó không đưa đi khám ở bệnh viện tâm thần, dù các bác sĩ đã nghi ngờ M. bị rối loạn hoang tưởng.

Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng:

Hậu quả âm ỉ, kéo dài

Áp lực từ việc học hành khiến các em không chỉ bị ảnh hưởng về tinh thần mà còn về tình cảm. Nhiều HS bị tổn thương, không còn tìm thấy niềm vui cuộc sống do có quá nhiều áp lực học tập, khiến các em luôn trong trạng thái lo âu, mệt mỏi.

Sự tổn thương này sẽ gây ra những tổn thương khác về chức năng nhận thức, khiến HS bị rối loạn, tư duy chậm, khó nhớ, sa sút về trí tuệ rồi trở thành những bệnh nhân tâm thần. Vì vậy, có thể nói áp lực học tập luôn mang theo những tác hại vô hình nhưng nặng nề, âm ỉ, kéo dài.

Tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, các ca bệnh là HS thường có những triệu chứng dễ nhận biết như tính tình thay đổi, khó kiềm chế cảm xúc, khó kiểm soát hành động (thường xé tập vở, vò giấy), khó ăn, ngủ, nằm mơ giật mình, hốt hoảng. Nhiều em nói với bác sĩ là không muốn đi học, sợ học bài. Nặng hơn là các triệu chứng nhức đầu, trầm uất, hoảng loạn, la hét, nói nhảm. Nhiều gia đình chỉ đưa con đến vì con có ý tưởng muốn chết khi thấy mình thất bại trong học hành. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp đến khám tại khoa tâm thần trẻ em rơi vào những HS đầu cấp hoặc cuối cấp.

Một bác sĩ cho biết số ca bệnh là HS thường tăng lên kể từ tháng 3, tháng 4 hằng năm do áp lực thi cử, học hành. Số liệu đối tượng là HS khám tại phòng khám tâm thần nhi năm 2009 cho thấy các ca bệnh là HS tăng nhanh và cao nhất từ tháng 5 đến tháng 7.

Bác sĩ Phạm Quỳnh Diệp, trưởng phòng khám tâm thần trẻ em, phân tích: “Rối loạn tâm thần ở trẻ có đa nguyên nhân, có những em đã có bệnh lý tiềm ẩn, áp lực học tập có thể chỉ là nguyên nhân liên quan. Tuy nhiên, áp lực học tập còn nặng nề hiện nay khiến nhiều em HS dễ căng thẳng, bị ám ảnh bởi chuyện học, bị áp lực từ thầy cô, cha mẹ, xã hội về thành tích. Vì vậy, phụ huynh nên phòng ngừa từ xa bằng cách đánh giá đúng thực lực, đừng đòi hỏi, ép buộc con học bài. Trẻ lớp 5 mà học đến 22g là không nên. Ngưỡng chịu đựng áp lực của mỗi đứa trẻ là khác nhau, khi quá ngưỡng sẽ gây căng thẳng thần kinh”.

Theo bác sĩ Diệp, đa số trường hợp sau khi được nâng đỡ tâm lý hoặc nặng hơn thì can thiệp bằng thuốc đều có thể quay lại môi trường học tập, nhưng khó trở lại trạng thái tốt 100% như trước.

LƯU TRANG