Triển khai kết luận của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị
(QT) - Sáng qua 9/8/2016, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020 và sơ kết hoạt động của BCĐ 138/CP 6 ...

Triển khai kết luận của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị

(QT) - Sáng qua 9/8/2016, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020 và sơ kết hoạt động của BCĐ 138/CP 6 tháng đầu năm 2016. Tham dự hội nghị có đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 138/CP; các thành viên trong BCĐ 138/CP; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự hội nghị tại đầu cầu Quảng Trị có các đồng chí trong BCĐ 138 tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị ở đầu cầu Quảng Trị

Thời gian qua, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trên toàn quốc đã triển khai quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ban chỉ đạo 138/CP. Nhờ thế, công tác phòng, chống tội phạm đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong 6 tháng đầu năm 2016, những vấn đề phức tạp về tội phạm và trật tự xã hội nổi lên đã kịp thời được giải quyết. Số vụ phạm pháp hình sự giảm 4,66%. Tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự đạt 78,47%. Lực lượng chức năng phát hiện và điều tra khám phá án kinh tế, tham nhũng, công nghệ cao, môi trường, ma túy nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2015... Với quyết tâm cao, các cấp chính quyền đã có nhiều nỗ lực góp phần làm giảm 13% số vụ mua bán người so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tình hình tội phạm hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số loại tội phạm có xu hướng tăng; thành phần tội phạm đa dạng, trẻ hóa… Vì vậy, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới là hết sức cần thiết. Tại hội nghị, các đại biểu đã được triển khai kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2030; Chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020. Để thực hiện kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần xác định công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm trước hết về tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách; tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm; củng cố, nâng cao trách nhiệm, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm; các cấp, ngành cần hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp phòng, chống tội phạm; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm… Về Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2030, mục tiêu đặt ra là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân; kịp thời làm rõ nguyên nhân, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập và điều kiện nảy sinh tội phạm; đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm… Bộ Công an được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình thực hiện Chiến lược trong từng giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ. Trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2030, thời gian tới, có 15 đề án sẽ được triển khai, do các Bộ, ngành liên quan chủ trì. Về Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, tập trung triển khai 5 đề án lớn gồm: Truyền thông phòng, chống mua bán người; đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; hoàn thiện pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người. Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu Trung ương và địa phương đã có những ý kiến trao đổi, thảo luận xoay quanh vấn đề làm thế nào tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; những khó khăn trong việc phòng, chống nạn mua bán người; tình hình, diễn biến của các loại tội phạm ở địa phương; hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm… Dịp này, theo quyết định số 1471/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 138/CP đã được kiện toàn gồm 1 đồng chí Trưởng ban, 3 Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ 138/CP ghi nhận và biểu dương nỗ lực của BCĐ 138/CP và các địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số cấp ủy, chính quyền còn chỉ đạo thiếu quyết liệt; có dấu hiệu bao che tội phạm; đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ có biểu hiện suy thoái… Trong thời gian tới, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị các cấp ủy, chính quyền cần xác định công tác phòng ngừa tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, lâu dài, cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của toàn dân. Để phòng, chống tội phạm trong tình hình mới một cách hiệu quả, đồng chí Trưởng BCĐ 138/CP yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: Tích cực triển khai, quán triệt một cách sâu rộng kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X; tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền về phòng chống tội phạm; khẩn trương hoàn thiện chính sách pháp luật; đẩy mạnh công tác điều tra, xét xử, tránh oan sai; quan tâm nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ các cơ quan thi hành pháp luật, đấu tranh với tội phạm… Tin, ảnh: Q.H