(QT) - Nhận thức sâu sắc vai trò của doanh nghiệp trong sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thuận lợi, hấp dẫn. Quyết tâm ấy một lần nữa được khẳng định khi vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã chọn năm 2018 là “Năm Doanh nghiệp”. Phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn đồng chí NGUYỄN QUÂN CHÍNH, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xoay quanh vấn đề này.
- Thưa đồng chí! Đề nghị đồng chí điểm lại những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua?
- Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI, trong hai năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đã đoàn kết thống nhất, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, ra sức phấn đấu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đạt được những kết quả tích cực.
Năm 2017, tỉnh đã hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Một số kết quả cụ thể là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2016 đạt 6,35%, năm 2017 ước đạt trên 7,02%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách trên địa bàn năm qua đạt 2.398 tỷ đồng, cao hơn so với năm trước. GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 39,24 triệu đồng. Số xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới là 40 xã, tăng 9 xã so với năm 2016. Với sự quyết tâm, nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, môi trường đầu tư đã được cải thiện. Cùng với đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính có bước tiến đáng kể. Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư gia tăng về tần suất cũng như hiệu quả. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2017 ước đạt 12.688 tỷ đồng, tăng 14,33% so cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2017 đạt 25.000 tỷ đồng, tăng 2.875 tỷ đồng so với năm 2016. Công tác giải quyết các vấn đề về xã hội, nhất là bảo đảm an sinh xã hội được đặc biệt chú trọng thực hiện và đã đem lại kết quả rất tốt. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 năm 2016 và 2017 đạt 1,7%. Hàng năm, trên 9.500 lao động được tạo việc làm mới. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2016 đạt 83%, năm 2017 đạt 90,5%. Tỉnh đã xử lý sự cố môi trường biển kịp thời, đúng pháp luật, ít nảy sinh các tình huống phức tạp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm. Quốc phòng - an ninh được giữ vững…
![]() |
Doanh nghiệp trên địa bàn tạo việc làm cho nhiều lao động. Ảnh: Q.H |
Những thành tựu trong hai năm 2016, 2017 của tỉnh là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI đã đề ra.
- Trong sự phát triển chung của địa phương, đội ngũ doanh nghiệp đã có những đóng góp cụ thể, hiệu quả như thế nào, thưa đồng chí?
- Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đã đóng góp rất lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Năm 2017, có hơn 35.500 lao động được sử dụng trong các doanh nghiệp. Thu nhập hàng tháng cho người lao động trong các doanh nghiệp bình quân 4 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2011. Tổng sản phẩm của doanh nghiệp trong tỉnh năm 2017 đạt 8.264,9 tỷ đồng, đóng góp khoảng 47,6% GRDP của tỉnh. Trong năm qua, các doanh nghiệp đã thu nộp ngân sách 1.326,15 tỷ đồng. Cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giúp tỉnh giải quyết tốt hơn các vấn đề nảy sinh như: Tình trạng thất nghiệp, tội phạm, tệ nạn xã hội...
- Xuất phát từ lý do nào mà lãnh đạo tỉnh quyết định chọn năm 2018 là “Năm Doanh nghiệp”, thưa đồng chí?
- Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, vừa qua, UBND tỉnh đã quyết định chọn năm 2018 là “Năm Doanh nghiệp”. Khi đưa ra quyết định này, mục đích của chúng tôi là nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó, quyết định này xuất phát từ mong muốn tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo động lực mới để doanh nghiệp phát triển, khơi dậy tinh thần doanh nghiệp khởi nghiệp. Việc chọn năm 2018 là “Năm Doanh nghiệp” còn nhằm giúp tạo động lực, giúp cộng đồng doanh nghiệp phấn đấu tăng trưởng mạnh cả về số lượng, chất lượng, năng lực cạnh tranh và đóng góp ngày càng lớn vào ngân sách Nhà nước, huy động cao nhất các nguồn lực xã hội. Chúng tôi hy vọng, quyết định này sẽ góp phần làm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2018 và các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng các Doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam. Ảnh: Q.H |
- Đề nghị đồng chí cho biết lãnh đạo tỉnh sẽ có những định hướng, quyết sách cụ thể gì để thực hiện chủ đề của năm?
- Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo xây dựng đề án “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2021” và chương trình hoạt động “Năm Doanh nghiệp” 2018. Trong đó, chúng tôi đề ra nhiều chính sách, giải pháp và hoạt động cụ thể để hỗ trợ, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai thông qua các giải pháp cụ thể như: Công khai, công bố quy hoạch sử dụng đất, quỹ đất “sạch” thu hút đầu tư; hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; rà soát, sắp xếp, hình thành quỹ nhà, cơ sở hạ tầng của tỉnh để cho doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp thuê mặt bằng với giá ưu đãi; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê mặt bằng với giá ưu đãi tại các khu, cụm công nghiệp... Cùng với đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường bằng các giải pháp cụ thể như: Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước; tuyển chọn các sản phẩm đặc trưng, đặc sản chất lượng trong tỉnh để hỗ trợ tham gia vào các quầy hàng giới thiệu và bán sản phẩm của tỉnh tại các hội chợ trong tỉnh, trong nước và nước ngoài, điểm tham quan du lịch, các khu trưng bày... để quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương; tổ chức chương trình “Kết nối doanh nghiệp” giữa doanh nghiệp của tỉnh với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài…
Trước mắt, UBND tỉnh sẽ tổ chức chương trình kết nối giữa doanh nghiệp dân doanh với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp đang đầu tư ở Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp xúc, tìm hiểu cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, từng bước hình thành các cụm liên kết doanh nghiệp theo ngành và lĩnh vực hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp... Hiện nay, lãnh đạo tỉnh cũng đang nghiên cứu xây dựng quy chế thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp nhằm mục đích hỗ trợ, ươm tạo và phát triển các ý tưởng, các mô hình khởi nghiệp, các mô hình sản xuất kinh doanh sáng tạo sớm gia nhập thị trường, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
![]() |
Khu công nghiệp Nam Đông Hà. Ảnh: Q.H |
Ngoài ra, chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo và xác lập quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp trong nước, bao gồm: Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó ưu tiên xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản, làng nghề, sản phẩm chế biến và xuất khẩu, dịch vụ và du lịch; ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các nội dung hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2025...
- Xin cám ơn đồng chí!
Tây Long (thực hiện)