(QT) - Nhờ sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức và sáng tạo của cán bộ và nhân dân xã Vĩnh Sơn; sự ủng hộ nhiệt tình về vật chất cũng như tư vấn nhiều ý tưởng mới của con em trong xã đang sống và công tác khắp mọi miền đất nước đã tạo nên một Vĩnh Sơn giàu sức sống và tươi đẹp như hôm nay. Nhân dịp xã đạt chuẩn nông thôn mới, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc trao đổi với ông Thân Trọng Dũng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn.
- Thưa đồng chí! Xã Vĩnh Sơn có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, là “hậu phương lớn” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những tên đất, tên làng của Vĩnh Sơn đã đi vào lịch sử sáng ngời của nhân dân Vĩnh Linh Anh hùng. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về “hậu phương lớn” Vĩnh Sơn trong những ngày ấy?
- Ngược về cội nguồn truyền thống, nhân dân Vĩnh Sơn luôn có tinh thần yêu nước nồng nàn và khí tiết hiên ngang, bất khuất. Đặc biệt trong những năm cùng cả nước đánh Mỹ, mỗi tên đất, tên làng của Vĩnh Sơn đều hóa thành anh hùng. Sông Bến Hải- Vĩ tuyến 17 tính từ Cửa Tùng ngược lên Bến Tắt dài 20 km thì đoạn chảy qua địa bàn xã Vĩnh Sơn hết 17 km, ôm lấy gần như toàn bộ phía Tây Nam của xã. Tại đoạn sông này có rất nhiều bến, song tiêu biểu nhất là bến Rèn, còn gọi là bến Lội. Khi thủy triều xuống người dân có thể lội qua được sông Bến Hải ở đoạn bến Rèn.
Vị trí bến Rèn nằm trên trục đường thẳng từ Vĩnh Thủy sang nên thuận lợi cho bộ đội hành quân từ miền Bắc vào Vĩnh Chấp qua Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm để đi vào bến Rèn rồi vượt sông Bến Hải vào Nam. Trục đường này có hệ thống giao thông hào liên hoàn được các rặng tre che khuất rất an toàn cho công tác ngụy trang vận chuyển quân, vũ khí. Cách bến Rèn 800 m là Trạm quân y tiền phương của Quân khu 4. Suốt từ năm 1962 đến cuối năm 1972, bến Rèn gắn với Trung đội dân quân thôn Nam Sơn kiên cường chiến đấu, bảo đảm giao thông để đưa hàng vạn cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường miền Nam, hàng ngàn thương binh, liệt sĩ từ Nam ra Bắc. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, Trung đội dân quân thôn Nam Sơn còn đón tiếp hàng ngàn người dân từ miền Nam thân yêu ra dừng chân nghỉ lại một đêm, lo liệu chu đáo nơi ăn, chốn ở để sớm mai bà con tiếp tục về với hậu phương lớn miền Bắc…
Cùng với nhân dân Vĩnh Linh và cả nước, nhân dân Vĩnh Sơn luôn anh dũng đánh trả những trận chiến với quân đội Mỹ giữa đạn pháo, bom nổ vang trời. Trận đánh tạm ngừng, các anh, các chị cùng chia nhau từng miếng cơm vắt, thức trắng đêm đưa đón thương binh, liệt sĩ từ bờ Nam ra, máu, mồ hôi người sống, người mất trộn lẫn vào nhau...Những ngày ấy người dân Vĩnh Sơn không quản gian lao, vất vả, luôn hết lòng đùm bọc cưu mang chiến sĩ, đồng bào cả nước; kiên cường bám trụ nơi tuyến đầu, một tấc không đi, một ly không rời, sẵn sàng hy sinh thân mình, chờ mong sớm đến ngày Bắc- Nam đoàn tụ, thống nhất đất nước.
![]() |
Nông dân xã Vĩnh Sơn thu hoạch tôm sú - Ảnh: T.T.L |
Nhân dân xã Vĩnh Sơn không bao giờ quên ngày 19 và 20/7/1967, quân đội Mỹ mở trận càn lớn từ Gio Linh ra vùng giới tuyến, pháo Hạm đội 7 từ ngoài khơi bắn vào, máy bay phản lực ném bom xuống bến Rèn, bà con chạy trốn bom Mỹ chết rất nhiều giữa dòng sông Bến Hải. Giữa đêm, nhờ ánh trăng sáng, dân quân xã Vĩnh Sơn vớt được rất nhiều thi thể người dân nổi lập lờ trên sông. Sáng hôm sau người dân đi qua bến Rèn nghe tiếng trẻ con khóc, nhìn vào bờ sông, thấy bên gốc tre một đứa trẻ chừng 9 tháng tuổi đang nằm trên bụng mẹ, xác người mẹ nửa chìm nửa nổi bị nước đẩy vào, đẩy ra dập dềnh. Người phụ nữ thiếu may mắn ấy là người dân huyện Gio Linh bồng con chạy càn hôm trước, khi lội đến giữa sông thì trúng đạn, có lẽ chị đã cố hết sức vào bờ rồi tắt thở. Đứa trẻ được Trung đội dân quân xã Vĩnh Sơn nuôi dưới hầm gần một tuần, sau đó một người dân huyện Gio Linh biết tin nên xin nhận cháu mình đưa về chăm sóc. Đứa trẻ ấy bây giờ đã trưởng thành. Thật không thể kể hết tấm lòng bao dung của nhân dân Vĩnh Sơn đối với bà con cả nước trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ .
Tổng kết hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, cán bộ và nhân dân Vĩnh Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, hai lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn xã có 287 liệt sĩ, 198 thương binh và nạn nhân chất độc da cam, 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều bà mẹ VNAH….
- Đứng lên từ hoang tàn đổ nát của chiến tranh, cùng với nhân dân toàn tỉnh, nhân dân xã Vĩnh Sơn có nhiều sáng tạo, nỗ lực trong sản xuất, phát triển kinh tế và hôm nay là xây dựng nông thôn mới. Đồng chí có thể cho biết đôi nét về những thành tựu quan trọng đó?
- Trước hết đó là sự đoàn kết nhất trí trong các thế hệ lãnh đạo của xã Vĩnh Sơn, luôn hướng về người dân, lấy chất lượng sống của người dân làm mục tiêu phấn đấu cho sự thành công của mỗi nhiệm kỳ lãnh đạo. Cùng với truyền thống cần cù, siêng năng lao động sản xuất của người dân đến hôm nay đã làm nên một Vĩnh Sơn với nhiều sức sống mới, tiềm lực và nội lực kinh tế không thua bất kỳ xã nào của huyện Vĩnh Linh. Hiện Vĩnh Sơn đã đạt chuẩn xã Nông thôn mới, dự kiến đến dịp 2/9/2018, lãnh đạo tỉnh và huyện sẽ trao bằng công nhận xã đạt chuẩn cho Vĩnh Sơn. Xã sẽ tiếp tục giữ vững, làm giàu các tiêu chí đã đạt được và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngoài truyền thống cách mạng và văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển bền vững, thì hai điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế đã làm nên thương hiệu cho Vĩnh Sơn hôm nay, đó là phát triển nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng và trồng lúa chất lượng cao. Là một xã nông nghiệp nên trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững và xây dựng nông thôn mới, xã Vĩnh Sơn luôn đi đầu chuyển đổi đất lúa nhiễm mặn, kém hiệu quả sang nuôi tôm cho thu nhập cao và trồng lúa chất lượng cao. Người dân Vĩnh Sơn nhờ thế mà ngày càng có cuộc sống chất lượng hơn. Xã có 8 thôn, gần 1.900 hộ với hơn 6.900 nhân khẩu. Thu nhập bình quân trên đầu người dân của xã đạt 40 triệu đồng/người/ năm.
Ông Thân Trọng Dũng cho biết phấn đấu đến năm 2020, xã Vĩnh Sơn có thêm được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung (hiện đã có vùng tôm, vùng lúa, rừng kinh tế…) đối với các sản phẩm chủ lực của xã, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, kinh doanh hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Có ít nhất 2/6 hợp tác xã kiểu mới liên kết làm ăn hiệu quả. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản sạch, tăng cao hơn nữa giá trị sản phẩm trên cùng diện tích đất, nâng thu nhập bình quân đầu người của xã gấp 1,5 lần hiện tại. Phấn đấu không còn hộ nghèo (trừ các trường hợp thuộc diện bảo trợ xã hội theo quy định, hoặc do tai nạn rủi ro bất khả kháng, do bệnh hiểm nghèo). Có mô hình bảo vệ môi trường tốt, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý theo đúng quy định đạt từ 90% trở lên. 60% tuyến đường xã, thôn có rãnh thoát nước và được trồng cây bóng mát hoặc trồng hoa, cây cảnh toàn tuyến. |
Bây giờ Vĩnh Sơn có 585 ha ruộng tốt để giao cấy lúa và 160 ha ruộng nuôi tôm. Chỉ cần dành ¼ diện tích trong tổng số 585 ha ruộng sản xuất lúa hàng vụ đã đảm bảo an ninh lương thực cho người dân toàn xã. Số diện tích ruộng lúa còn lại được phát triển theo hướng lúa hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nên người dân càng có thu nhập cao hơn. Từ trồng lúa mỗi năm Vĩnh Sơn thu về được 3.000 tấn lúa cho doanh thu gần 20 tỷ đồng. Cùng với đó, mỗi ha nuôi tôm cho năng suất trung bình 4 tấn/vụ, nhân với giá bình quân 150 ngàn đồng/kg sẽ bằng 600 triệu đồng. Với 160 ha nuôi tôm Vĩnh Sơn thu về gần 100 tỷ đồng/vụ. Mỗi năm nông dân ở Vĩnh Sơn nuôi tôm từ 2 đến 3 vụ như trên sẽ cho doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Nuôi tôm trên ruộng lúa nhiễm mặn cho thu nhập gấp mấy chục lần làm lúa. Vĩnh Sơn đã trở thành xã vùng cửa sông có phong trào nuôi tôm tốt nhất tỉnh Quảng Trị.
- Ngoài lúa và tôm thì sự đa dạng về thế mạnh nông nghiệp bền vững của xã Vĩnh Sơn để phát triển lên tầm cao mới là gì, thưa đồng chí?
- Xã Vĩnh Sơn có tổng diện tích đất tự nhiên gần 4.200 ha, trong đó đất nông nghiệp đến 1.200 ha phân bố đủ các địa hình để tập trung thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Đó là những quả đồi có dạng hình bát úp về phía tây thuận lợi phát triển trồng rừng kinh tế và chăn nuôi, trồng cây công nghiệp như cao su, cây ăn quả lâu năm; vùng đồng bằng có ruộng tốt để trồng lúa chất lượng cao, trồng hoa màu và vùng ven cửa sông có đến 200 ha để nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, dư địa để phát triển kinh tế nông nghiệp của Vĩnh Sơn còn rất lớn. Hiện tại xã có những mô hình nông nghiệp mà nhiều xã khác đến học tập như nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, chăn nuôi, trồng rừng kinh tế. Nhờ năng động và sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội nên xã Vĩnh Sơn hôm nay chỉ còn lại 3,92% hộ nghèo. Chúng tôi quyết tâm phấn đấu hơn nữa để số hộ nghèo của xã tiếp tục giảm còn lại ở mức thấp nhất.
Có thể nói đạt được kết quả như hôm nay là nhờ sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức của cán bộ và nhân dân xã Vĩnh Sơn; sự đóng góp, ủng hộ về vật chất, tinh thần của con em Vĩnh Sơn đang sống và công tác khắp mọi miền đất nước góp phần làm cho đời sống của người dân được cải thiện hơn; Đảng bộ xã được Ban chấp hành Đảng bộ huyện Vĩnh Linh công nhận là “Đảng bộ xuất sắc tiêu biểu”; chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã được cấp trên công nhận là vững mạnh và xuất sắc. Năm 2018 này, xã Vĩnh Sơn sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày cán bộ và nhân dân Vĩnh Sơn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. -Xin cảm ơn đồng chí!
Trần Tú Linh (thực hiện)