Hoạt động công đoàn khu vực kinh tế ngoài nhà nước- Thực trạng và giải pháp
(QT) - Thực hiện chương trình phát triển đoàn viên Công đoàn giai đoạn 2008-2013 của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam (Khoá X) và Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Quảng Trị về phát triển 7.000 đoàn viên trong nhiệm kỳ mới, tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh tổ chức đầu tháng tư vừa qua đã bàn bạc và thông qua kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phát triển đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS) trên địa bàn.  Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể cho giai đoạn 2008-2013 là: Phấn đấu hoàn ...

Hoạt động công đoàn khu vực kinh tế ngoài nhà nước- Thực trạng và giải pháp

(QT) - Thực hiện chương trình phát triển đoàn viên Công đoàn giai đoạn 2008-2013 của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam (Khoá X) và Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Quảng Trị về phát triển 7.000 đoàn viên trong nhiệm kỳ mới, tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh tổ chức đầu tháng tư vừa qua đã bàn bạc và thông qua kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phát triển đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS) trên địa bàn. Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể cho giai đoạn 2008-2013 là: Phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển mới 7.000 đoàn viên, trong đó khu vực kinh tế ngoài nhà nước có khoảng 75% doanh nghiệp thành lập được CĐCS và bình quân mỗi CĐCS thu hút khoảng 65% số lao động của doanh nghiệp tham gia. Đây được coi là một trong những chỉ tiêu thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của BCH LĐLĐ tỉnh cũng như các cấp Công đoàn trong tỉnh.

Tổ chức tuyên truyền phát triển đoàn viên thành lập CĐCS tại Công ty Camei, Khu KTTMĐBLao Bảo. Ảnh: Võ Quyết
Trong những năm qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực để vận động phát triển đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, cho đến nay số Công đoàn cơ sở ở khu vực này chỉ chiếm hơn 8% so với tổng số CĐCS trong toàn tỉnh. Số lượng đoàn viên cũng chỉ chiếm tỷ lệ trên 9,6%. Trong lúc số doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước đủ điều kiện để thành lập CĐCS trên địa bàn tỉnh không phải ít và hoạt động SXKD của các doanh nghiệp này thu hút ngày càng mạnh mẽ lực lượng lao động, kéo theo quan hệ lao động trong các doanh nghiệp ngày càng diễn biến đa dạng và phức tạp. Hoạt động Công đoàn khu vực kinh tế ngoài nhà nước gặp khó khăn thách thức ngay từ khâu vận động thành lập, phát triển đoàn viên và cả trong quá trình tổ chức, chỉ đạo hoạt động. Trở ngại đầu tiên xuất phát từ sự nhận thức hạn chế của người lao động và người sử dụng lao động. Mặt khác, cán bộ Công đoàn chưa có được cơ chế bảo vệ hữu hiệu và kỹ năng hoạt động Công đoàn còn nhiều hạn chế. CĐCS chưa có được tính độc lập trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn ở trong doanh nghiệp. Có thể nhận thấy, ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tình trạng người sử dụng lao động lách luật, lẩn tránh đóng BHXH, BHYT cho người lao động bằng cách ký "hợp đồng xâu chuỗi", tức là hợp đồng dưới 3 tháng cho lao động làm một công việc ổn định, liên tục không phải ít, nếu không nói là phổ biến. Việc đăng ký thang lương, bảng lương, nội quy lao động, ký kết thoả ước lao động tập thể, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động...còn quá nhiều bất cập. Bên cạnh những tồn tại từ phía người sử dụng lao động còn có nguyên nhân từ phía người lao động. Đa phần công nhân xuất thân từ nông dân, trình độ học vấn, tay nghề, nhất là trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Đây cũng chính là cơ sở xã hội để tổ chức Công đoàn xác định mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài đối với việc tổ chức hoạt động, thực hiện vai trò, vị trí, chức năng của mình trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Nghị quyết 20 của BCHTƯ Đảng (Khoá X) đã xác định mục tiêu giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân, tạo được sự chuyển biến thực sự mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân, như vấn đề nhà ở, tiền lương, nơi sinh hoạt văn hoá... Chỉ thị 22 của Ban Bí thư cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập trong quan hệ lao động, đòi hỏi phải đẩy mạnh và nâng cao năng lực hoạt động Công đoàn trong doanh nghiệp và sự tất yếu phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Đây chính là cơ sở lý luận chính trị quan trọng, là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị mà tổ chức Công đoàn với tư cách là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động có vai trò hết sức quan trọng, được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó. Để làm tròn trách nhiệm của mình, thiết nghĩ các cấp Công đoàn cần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau: -Tập trung nguồn lực để đẩy mạnh công tác vận động, tập hợp, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, nhất là CĐCS khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đảm bảo sự phát triển tương xứng của tổ chức Công đoàn so với sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. -Cùng với việc phát triển về số lượng, cần chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn thông qua việc tăng cường chỉ đạo, bám sát cơ sở. Thực tế hiện nay, trong số 79 CĐCS khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã được thành lập trên địa bàn toàn tỉnh, tỷ lệ CĐCS hoạt động có chất lượng, hiệu quả chỉ chiếm khoảng 15%. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho cán bộ CĐCS. Đề xuất chính sách đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ CĐCS trong doanh nghiệp. -Đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là nhận thức chính trị và hiểu biết pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động. Có tác động tích cực trong việc tạo ra mối quan hệ lao động hài hoà trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Công đoàn cấp trên cơ sở mà trực tiếp là các Công đoàn ngành, LĐLĐ các huyện, thị xã cần chỉ đạo CĐCS xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động thật cụ thể, sát hợp với điều kiện thực tiễn, tổ chức tốt các hoạt động chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tham gia có hiệu quả trong việc xây dựng nội quy lao động, thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể theo hướng đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người lao động; xây dựng thang, bảng lương, định mức tiền lương, đảm bảo công bằng và phù hợp trong phân phối thu nhập. Tham gia tích cực trong việc đảm bảo môi trường, điều kiện làm việc. Cùng với doanh nghiệp hoạch định kế hoạch, chiến lược phát triển SXKD, bố trí, sử dụng tốt nguồn nhân lực. Tham gia các biện pháp nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề; tham gia cải thiện điều kiện sinh hoạt, tổ chức các hoạt động VHVN, TDTT, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Thành Chung