(QT) - Nhằm đảm bảo mọi người dân đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở y tế; thiết lập hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý sức khỏe, theo dõi tình hình bệnh tật và chăm sóc sức khỏe cho người dân, ngành Y tế đã triển khai lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
![]() |
Cán bộ trạm y tế cập nhật thông tin về hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân |
Hồ sơ sức khỏe điện tử là việc số hóa toàn bộ hồ sơ sức khỏe được lưu trữ bằng giấy qua lưu trữ trên hệ thống thông tin điện tử. Mỗi cá nhân được cấp một mã định danh cá nhân (ID) trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử để xem thông tin về sức khỏe của mình qua hệ thống. Các thông tin hồ sơ sức khỏe cá nhân được bảo mật theo đúng quy định của nhà nước. Người khai thác thông tin, các cơ sở khám, chữa bệnh chỉ lấy được thông tin khi có sự cho phép của mỗi cá nhân (hoặc người bảo hộ) để phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Hệ thống này cũng cảnh báo về thông tin y tế quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đặc biệt quản lý theo dõi thường xuyên, kịp thời các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với cộng đồng. Việc số hóa dữ liệu y tế cá nhân căn cứ vào Quyết định 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ Y tế, bao gồm những nhóm dữ liệu như: nhóm thông tin về hành chính; nhóm thông tin về tiền sử và các yếu tố liên quan (tình trạng lúc sinh; các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cá nhân; tiền sử bệnh tật, dị ứng; khuyết tật; tiền sử phẫu thuật; tiền sử gia đình (bao gồm dị ứng, bệnh tật); sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình); nhóm thông tin liên quan đến tiêm chủng mở rộng (tiêm chủng mở rộng cho trẻ em; tiêm chủng ngoài chương trình TCMR; tiêm chủng vắc xin uốn ván (cho phụ nữ có thai); khám lâm sàng và cận lâm sàng. Đối với các dữ liệu sức khỏe mang tính ổn định (như nhóm máu, thông tin dị ứng,..) dữ liệu sẽ chỉ thực hiện khởi tạo một lần, đối với các dữ liệu sức khỏe thường xuyên thay đổi, dữ liệu sẽ được lưu trữ dưới dạng lịch sử cập nhật.
Thực hiện Nghị Quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Chương trình hành động số 111-CTHĐ/TU ngày 27/4/2018 của Tỉnh ủy Quảng Trị về thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Kế hoạch 2789/ KH-UBND ngày 3/7/2018 của UBND tỉnh về lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 34/SYT-KHTC ngày 23/7/2018 về việc triển khai hệ thống phần mềm hồ sơ y tế cá nhân. Ngày 2/8/2018, Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe người dân. Qua đó, Sở Y tế phối hợp với Viettel Quảng Trị triển khai Hệ thống phần mềm Hồ sơ sức khỏe cá nhân, trước mắt triển khai tại 3 huyện Gio Linh, Cam Lộ và thị xã Quảng Trị trong năm 2018. Theo kế hoạch, trong năm 2019 sẽ tiến hành thực hiện 3 đơn vị bao gồm: thành phố Đông Hà, huyện Triệu Phong và huyện Đakrông. Năm 2020, triển khai các đơn vị còn lại gồm các huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh và Hướng Hóa.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại huyện Cam Lộ, chính quyền địa phương đã triển khai kế hoạch lập hồ sơ khám, quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân trên địa bàn và thống nhất đề ra mục tiêu đến hết năm 2018, 100% người dân tại Cam Lộ được khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử trên hệ thống và 80% dữ liệu sức khỏe của cá nhân được cập nhật đầy đủ vào hồ sơ. Trạm Y tế xã Cam Thủy là một trong những địa phương đưa hệ thống thông tin này vào triển khai, hiện nay, trạm đã tiến hành công tác điều tra thông tin về dữ liệu sức khỏe về tiền sử và các yếu tố liên quan đến sức khỏe. Bác sĩ Hoàng Ngọc Linh, Trưởng Trạm Y tế xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ cho biết: “Tại địa phương, Ban CSSKND của xã họp triển khai lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, tập trung tuyên truyền đến tận người dân để hiểu rõ lợi ích của việc lập hồ sức sức khỏe cá nhân, tại các thôn cử các nhân viên y tế đến tận nhà dân điều tra thông tin hành chính, lịch sử bệnh, yếu tố nguy cơ, vùng dịch để tham khảo cho công tác khám chữa bệnh, giúp tiết kiệm thời gian, thống nhất, khoa học và chính xác. Qua hoạt động này giúp cho trạm y tế xã cảnh báo về thông tin y tế quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đặc biệt quản lý, theo dõi thường xuyên, kịp thời các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với cộng đồng”.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện ngành Y tế sẽ rút ngắn thời gian thực hiện nếu đảm bảo đủ kinh phí triển khai. Hiện nay khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện lập hồ sơ sức khỏe điện tử là dữ liệu điều tra các yếu tố liên quan đến sức khỏe của từng cá nhân, đặc biệt là kinh phí hỗ trợ cho cộng tác viên tham gia điều tra. Ông Mai Năm, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị, cho biết.“Trong thời gian tới, ngành Y tế yêu cầu đối với người dân cần đến cơ sở khám chữa bệnh để được lập hồ sơ sức khỏe, phối hợp cán bộ y tế hoàn thành công tác điều tra lập hồ sơ sức khỏe tại gia đình. Đối với cán bộ y tế thực hiện điều tra, khám và lập hồ sơ sức khỏe cá nhân cho toàn bộ người dân trên địa bàn. Nhập dữ liệu vào phần mềm hồ sơ sức khỏe; liên thông dữ liệu khám bệnh của người dân khi đến khám bệnh tại các cơ sở y tế. Các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội gương mẫu, tiên phong trong việc khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho bản thân và gia đình. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động cán bộ, công chức viên chức, người dân thực hiện lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho bản thân và tuyên truyền lợi ích của việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân”.
Phan Thanh Hải