Tiến độ xây dựng nông thôn mới ở Đakrông còn chậm
(QT) - Nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, xã Tà Rụt được xem là thị tứ của huyện Đakrông (Quảng Trị). Những năm gần đây, diện mạo xã vùng cao này đã có nhiều thay đổi, cuộc sống người dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, điều đáng nói là phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Tà Rụt vẫn chưa đạt tiến độ. Đến nay, xã chỉ đạt 3 tiêu chí xây dựng NTM về quy hoạch, bưu điện và văn hóa. Ở tốp cuối trong bảng thống kê hiện trạng xây dựng NTM của huyện Đakrông, ngoài Tà Rụt còn có hai xã khác ...

Tiến độ xây dựng nông thôn mới ở Đakrông còn chậm

(QT) - Nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, xã Tà Rụt được xem là thị tứ của huyện Đakrông (Quảng Trị). Những năm gần đây, diện mạo xã vùng cao này đã có nhiều thay đổi, cuộc sống người dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, điều đáng nói là phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Tà Rụt vẫn chưa đạt tiến độ. Đến nay, xã chỉ đạt 3 tiêu chí xây dựng NTM về quy hoạch, bưu điện và văn hóa. Ở tốp cuối trong bảng thống kê hiện trạng xây dựng NTM của huyện Đakrông, ngoài Tà Rụt còn có hai xã khác là A Vao và Ba Nang. Được biết, hiện tại, xã A Vao chỉ mới đạt tiêu chí quy hoạch và văn hóa, xã Ba Nang đạt hai tiêu chí là quy hoạch và thủy lợi.

Người dân huyện Đakrông đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng
Mặc dù gặp nhiều khó khăn song những năm qua, huyện Đakrông luôn quan tâm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo các xã thành lập ban chỉ đạo, kiện toàn ban quản lý xây dựng nông thôn mới; lên kế hoạch và triển khai các tiêu chí xây dựng NTM cho từng năm; đưa các chương trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vào triển khai thực hiện… Công tác tuyên truyền, tập huấn được tăng cường nhằm tạo bước chuyển biến trong nhận thức của người dân. Đến nay, đề án xây dựng NTM của 13 xã đã được phê duyệt. Tất cả các xã hoàn thành việc tổ chức hội nghị công bố quy hoạch cùng các cuộc họp tại thôn bản để phổ biến những nội dung về xây dựng NTM. Nhờ đó, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM được nâng cao... Xuất phát từ thực tế địa phương, huyện Đakrông đã tập trung làm tốt công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong năm 2014, tổng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của huyện là 9.743 triệu đồng. Qua đó, địa phương đã phân bổ cho các hoạt động tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, máy móc thiết bị… Năm qua, trên địa bàn huyện, nhiều mô hình phát triển kinh tế đã được xây dựng và nhân rộng như: Nuôi lợn bản, thâm canh lúa nước, nuôi bò sinh sản, trồng cao su tiểu điền, trồng cây lâm sản ngoài gỗ… Kết cấu hạ tầng thiết yếu của các xã xây dựng NTM được tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh. Năm 2014, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phân bổ cho 13/13 xã NTM của huyện là hơn 70.000 triệu đồng. Qua đó, huyện đã tiến hành xây dựng, nâng cấp, sửa chữa mới 58 tuyến đường giao thông nông thôn, 4 công trình thủy lợi, 2 hệ thống điện nông thôn, 43 phòng học của 14 trường, 2 trạm y tế, 8 công trình nước sinh hoạt tự chảy, 5 ngôi nhà cho đối tượng có công với cách mạng… Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, môi trường, an ninh trật tự… đều được quan tâm, đầu tư phát triển, tạo nên diện mạo mới cho các bản làng vùng cao. Điều đáng nói là mặc dù nhận được sự quan tâm, đầu tư tích cực như trên nhưng kết quả xây dựng NTM của các xã thuộc huyện Đakrông vẫn còn hạn chế. Riêng trong năm 2014, tất cả các xã trong toàn huyện đã đạt chuẩn tổng số 14 tiêu chí xây dựng NTM, chỉ chiếm 47% so với kế hoạch đề ra là 30 tiêu chí. Trong đó, 9 xã chưa đạt kế hoạch do huyện đề ra gồm: Hướng Hiệp (chỉ đạt 1/4 tiêu chí), Mò Ó (1/2 tiêu chí), Triệu Nguyên (1/3 tiêu chí), Ba Lòng (2/5 tiêu chí), Hải Phúc (0/1 tiêu chí), Ba Nang (1/2 tiêu chí), Tà Long (1/2 tiêu chí), Tà Rụt (1/3 tiêu chí), A Ngo (1/3 tiêu chí). Theo số liệu thống kê của UBND huyện Đakrông, hiện nay toàn huyện chưa có xã đạt trên 8 tiêu chí. Các xã đạt được 7 tiêu chí gồm: Mò Ó, Triệu Nguyên, Ba Lòng, Hải Phúc. Một số xã chỉ đạt dưới 5 tiêu chí như: A Vao, Ba Nang (2 tiêu chí), Tà Rụt (3 tiêu chí), Tà Long, Húc Nghì (4 tiêu chí). Nhiều tiêu chí chưa xã nào trên địa bàn huyện Đakrông đạt được như: Giao thông, trường học, nhà ở, thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hệ thống chính trị, cơ sở vật chất văn hóa… Tiến độ xây dựng NTM của các xã thuộc huyện Đakrông còn chậm xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhận thức về Chương trình MTQG xây dựng NTM ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa rõ ràng. Việc triển khai thực hiện các tiêu chí NTM tại hầu hết các xã còn lúng túng, chưa phân công cụ thể cho từng cán bộ, tổ chức trong hệ thống chính trị để chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh đó, tư tưởng trông chờ, ỷ lại còn nặng nề. Một số địa phương chủ yếu trông chờ nguồn vốn phân bổ để xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa chủ động triển khai thực hiện các tiêu chí không cần hoặc cần ít kinh phí. Trong khi đó, sự huy động nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, đặc biệt là từ doanh nghiệp trên địa bàn và nhân dân còn kém. Tại nhiều xã, hoạt động của ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng NTM vẫn mang tính hình thức, không duy trì chế độ hội họp, giao ban, báo cáo. Hầu hết các ban phát triển ở thôn bản không hoạt động. Vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của các phòng, ban được phân công phụ trách lĩnh vực, địa bàn các xã mờ nhạt, thiếu quan tâm, thậm chí lúng túng trong khâu chỉ đạo, hướng dẫn. Chế độ thông tin, báo cáo của hầu hết các xã thực hiện chậm trễ, cá biệt có xã không thực hiện. Một số cơ quan, tổ chức, đoàn thể liên quan đến chương trình xây dựng NTM không báo cáo về những hoạt động đã triển khai cho Ban chỉ đạo cấp huyện. Năm 2015, toàn huyện Đakrông phấn đấu tăng thêm 31 tiêu chí so với cuối năm 2014; có 1 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên, 12 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí; không còn xã ở dưới mức 5 tiêu chí. Để đạt được chỉ tiêu này rất cần sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương, có như vậy phong trào NTM ở huyện Đakrông mới đạt được tiến độ đề ra. Bài, ảnh: QUANG HIỆP