(QT) - Hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi uống cà phê… 8000 đồng/ly ở Sài Gòn, chuyện ông lội xuống ruộng rau của nông dân khi trời còn chưa sáng, vào chợ để kiểm tra thực tế về an toàn thực phẩm…đã được truyền thông quan tâm và người dân cảm thấy phấn khích.
Trả lời phỏng vấn Báo Tuổi Trẻ trên số Xuân Đinh Dậu, Thủ tướng rất chân thành: “Tôi thích dùng từ “đi thực tế” hơn là “vi hành”, những lần đi thực tế như vậy rất hữu ích, giúp cho các quyết định, chỉ đạo, lãnh đạo trở nên sâu sắc, bám sát thực tiễn, giải quyết thấu đáo nhu cầu của nhân dân. Tôi đề nghị điều này cần phải trở thành thói quen, yêu cầu công tác trong toàn bộ cán bộ như sinh thời Bác Hồ thường căn dặn và là tấm gương cho chúng ta…”. Hình ảnh thân thiện gần gũi ấy chính là điều mà người dân đang chờ mong ở những người lãnh đạo. Nghị quyết số 04-NQ/TW chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có nêu rõ ở mục 5 của phần nhận diện suy thoái về đạo đức lối sống: “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”. Vấn đề “quan liêu, xa rời quần chúng” được Nghị quyết 04 của Đảng nhấn mạnh như thế càng cho thấy những câu chuyện “gần dân” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã và đang làm khiến người dân được nhóm thêm tin yêu. Và không phải ngẫu nhiên mà trong câu chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ, Thủ tướng đã nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ.
Nói đến chuyện gần dân của Bác Hồ, hẳn ai cũng biết câu chuyện khi đến một cơ quan, đơn vị cơ sở, nơi Bác đến thăm đầu tiên là nhà vệ sinh và nhà bếp. Nhìn vào đó, Bác biết cán bộ, bộ đội, dân mình đang sống thế nào. Không ít lần Bác cải trang để “vi hành”, hòa vào giữa nhân dân để lắng nghe và thấu hiểu dân, thấu hiểu để có những quyết sách cải thiện cuộc sống người dân. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng là một người hay có những chuyến vi hành để gần dân và hiểu dân, trong những ấn tượng tốt đẹp của ông Sáu Dân để lại trong lòng mọi người, có những câu chuyện “vi hành” như thế của ông. Dường như những câu chuyện cán bộ “vi hành” để gần dân, nghe thực lòng dân giờ đây ít nghe kể nữa. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh có lần kể một câu chuyện ông đi nhờ xe của một thủ trưởng từ Hạ Long lên Hà Nội, xe gắn biển 80B, có còi hụ, bởi thế thay vì đi bình thường mất gần 4 giờ đồng hồ cho chặng Hạ Long-Hà Nội, hôm đó ông chỉ đi mất chưa đầy 2 tiếng. Thủ trưởng cho ông đi nhờ xe thú thực chưa bao giờ biết cảnh hạn chế tốc độ. Như vậy, biển hạn chế tốc độ chỉ dành cho dân và xe khác, còn xe thủ trưởng biển xanh 80B thì không cần biết? Và ông Doanh đã cảm khái: “Đành rằng thủ trưởng cần đi nhanh nhưng đến cái mức vì thế mà mất cả liên hệ với cuộc sống thực của dân thì cần phải xem lại”. Chợt nhớ một câu chuyện vẫn thường được kể về một bà má miền Nam, có lần mang lá đơn đến gặp người chủ tịch huyện, ngày xưa vốn là cán bộ nằm hầm bí mật được má nuôi. Bà đến muộn, ông chủ tịch đã đóng phòng làm việc và nói : “Hết giờ rồi má ơi!”. Bà má mới mắng yêu: “Cha tổ mày, xưa giặc bố ráp hầm, khuya khoắt tao mang cơm ra hầm cho mày, sao khi đó mày không nói hết giờ rồi má ơi cho tao nhờ!”. Dĩ nhiên là sau đó, câu chuyện lá đơn của má có một kết thúc có hậu! Đó cũng là câu chuyện về lòng dân với Đảng. Lòng dân vốn bao dung, bao nhiêu năm cơ cực vẫn sát cánh bền lòng, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng.
Chưa có nơi đâu trên thế giới này có một chính đảng như Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân che chở, đùm bọc thương yêu đến thế! Và chính vì vậy mà những cán bộ lãnh đạo có khi nào tự hỏi rằng lâu nay đã có khi nào đắm mình giữa nhân dân, đắm mình thực sự chứ không phải là về như một chuyến công cán với túi quà cho em bé, tấm áo cho mẹ già rồi sau đó biền biệt. Đắm mình để thực sự thấu cảm từ thẳm sâu những khó nhọc đời dân, nghe trọn những tâm tư lòng dân, để biết rằng cái câu hỏi của hơn nửa thế kỷ trước vẫn còn thao thức: “Phố đông, còn nhớ bản làng/ Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?” (Tố Hữu).
LÊ VIỆT THƯỜNG