Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân
* NGUYỄN QUANG LÂM, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng (Quảng Trị) Hải Lăng là mảnh đất có bề dày lịch sử và văn hóa. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, con người nơi đây đã vượt qua mọi gian nan, thử thách để làm nên những kỳ tích hào hùng trong đấu tranh và xây dựng. Là vùng đất từng chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, chịu đựng bao hy sinh mất mát nhưng cũng là nơi thể hiện cao nhất chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Không một địa danh nào, không một xóm làng nào không có dấu tích những chiến công và đã thấm bao máu xương của các anh hùng liệt sĩ ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; mỗi địa danh là một bản anh hùng ca bất khuất, góp phần làm nên khúc khải hoàn của mùa Xuân đại thắng. Bước ra khỏi cuộc chiến tranh, Hải Lăng mang trên mình đầy thương tích đạn bom, nhà cửa tan hoang, ruộng vườn xơ xác... Vượt qua những thời kỳ khó khăn nhất để hàn gắn vết thương chiến tranh, đặc biệt là từ khi hòa trong làn gió đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, cùng với cả tỉnh và cả nước, người và đất Hải Lăng chuyển mình mạnh mẽ. 40 năm giải phóng, gần 30 năm đổi mới và 25 năm lập lại huyện là những dấu son thật đáng tự hào. Ở đó, luôn hội tụ và thăng hoa tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường vượt qua khó khăn, thử thách để đạt được những thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực KT-XH, AN-QP.
 |
Văn nghệ chào mừng Lễ hội văn hóa huyện Hải Lăng lần thứ XI -Ảnh: T.L |
Xác định văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội, cùng với việc tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế với mức tăng trưởng hàng năm đạt 2 con số, huyện đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo phát triển văn hóa. Những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền ở huyện Hải Lăng đã quán triệt sâu rộng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và có những cách làm năng động, sáng tạo để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Khắp nơi trên địa bàn huyện đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh, tiến bộ và văn hoá đã tác động tích cực đến tất cả các lĩnh vực KT-XH, AN-QP, góp phần xây dựng bộ mặt làng quê ngày thêm đổi mới. Với phương châm nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa gắn với chủ đề “cảnh quan đẹp, môi trường trong sạch, ứng xử văn minh”, gắn với đề án “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới”, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, nhiệm vụ xây dựng văn hóa đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được tập trung chỉ đạo, ngày càng đi vào chiều sâu, tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ và nhân dân về vai trò của văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của mỗi người dân và cộng đồng được củng cố và thắt chặt. Các giá trị truyền thống của mỗi gia đình, làng xóm, họ tộc, cộng đồng dân cư được khơi dậy và có tác động tích cực trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa. Từ đó xây dựng nên bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, kinh tế phát triển, các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng được đầu tư tôn tạo, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước ở 97/97 làng, thôn, khóm văn hóa để phù hợp với thực tiễn của mỗi địa phương, đơn vị. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, hạn chế được tình trạng phô trương hình thức tốn kém, lãng phí. Trong việc tang, các làng, thôn, khóm đều xây dựng hương ước như: trợ tang, giới hạn thời hạn từ khi mất đến khi đưa tang, không tổ chức mời cơm, các thủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được giảm trừ. Các địa phương, đơn vị đã lấy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” làm phong trào trung tâm, từ đó Mặt trận, các ngành và các đoàn thể, các tổ chức xã hội đã gắn kết các cuộc vận động, các phong trào của ngành mình vào phong trào chung, tạo nên sức mạnh tổng hợp, mang lại hiệu quả cao. Tính đến nay, đã có 88/97 làng, thôn, khóm - chiếm 90,7%; 134/141 cơ quan, đơn vị- chiếm 95% đạt danh hiệu văn hóa (trong đó có 24 đơn vị xuất sắc cấp huyện; 20 đơn vị xuất sắc cấp tỉnh); có 20.226/22.984 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm 88%. Trước đây huyện đã chỉ đạo các cơ quan xã, thị trấn, các trạm y tế... đều phát động xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa; gần đây, huyện đã sớm chỉ đạo 100% xã phát động xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” gắn với xây dựng nông thôn mới và phát động thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Sau khi phát động, các địa phương đã bám sát các tiêu chí theo Đề án đã ban hành, đồng thời gắn với 6 nội dung chỉnh trang nông thôn để tổ chức thực hiện. Toàn huyện đã phát quang, mở rộng, làm mới hàng trăm km đường giao thông; vận động nhân dân hiến gần 130.000 m 2 đất các loại, huy động được gần 20.000 ngày công để phát quang, mở rộng đường. Tổng chiều dài đường giao thông nông thôn được thắp sáng là hơn 158 km, với gần 4.000 bóng đèn điện các loại, ước tổng kinh phí thực hiện 2,114 tỷ đồng. Vận động nhân dân thực hiện việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa; chỉnh trang hàng rào, cổng, xây dựng đường làng, ngõ xóm. Toàn huyện có 2.364 hộ đã tham gia cải tạo vườn tạp; xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở đã được đầu tư xây dựng. Đã đầu tư xây dựng 15 nhà văn hóa xã, thị trấn, 17/20 điểm bưu điện văn hoá xã. Thư viện huyện có hơn 11.000 đầu sách. Nhà Bảo tàng huyện trưng bày 302 hiện vật, hàng năm đón trên 3.000 lượt người tham quan. Các địa phương đã huy động các nguồn lực trong nhân dân xây dựng mới 98 cổng chào, đến nay toàn huyện có 153 cổng chào, có 82 nhà văn hóa và Trung tâm học tập và sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các làng, thôn, khóm. Trên địa bàn huyện có 75 di tích cấp tỉnh và 4 di tích cấp quốc gia. Để tiếp tục phát huy và khơi dậy các giá trị văn hóa và các hoạt động thể dục, thể thao, Huyện uỷ, UBND huyện đã chọn ngày giải phóng Hải Lăng 19/3 hàng năm làm Ngày hội văn hóa của huyện và đã tổ chức thành công 12 lần lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng phong phú, thu hút hàng chục ngàn người đến tham dự. Đặc biệt hội đua thuyền truyền thống đã tạo sự quan tâm và để lại ấn tượng tốt đẹp trong cán bộ và nhân dân. Hàng năm các xã cũng chọn ngày có ý nghĩa để tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao của địa phương mình. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo xây dựng đời sống văn hoá gắn với việc thực hiện các tiêu chí “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới”, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Trong đó, chú trọng mục tiêu xây dựng con người phát triển toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, hiệu quả và có nhiều mô hình nổi trội, trong đó tập trung mạnh vào việc xây dựng làng, khóm, đơn vị văn hóa và gia đình văn hóa; thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hoá. Chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa thông tin. Gắn kết phát triển văn hóa với phát triển du lịch của địa phương theo hướng bền vững, góp phần vào sự ổn định chính trị - xã hội và thúc đẩy kinh tế phát triển. Đẩy mạnh tổ chức các lễ hội truyền thống, phát triển các loại hình văn hoá văn nghệ, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá tại địa phương. Có chính sách khuyến khích sáng tác âm nhạc, thơ văn, hội họa ca ngợi mảnh đất, con người Hải Lăng. Ra sức phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, xây dựng các thiết chế văn hóa, tạo điều kiện cho nhân dân hưởng thụ ngày càng nhiều hơn các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí lành mạnh. Quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hoá, thể thao hiện có. Tiếp tục đầu tư để tất cả các xã đều có nhà văn hóa; quy hoạch và xây dựng trung tâm văn hóa, khu thể thao xã và thôn. Đầu tư xây dựng và khai thác có hiệu quả công trình Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện và các thiết chế văn hóa. Chú trọng công tác quản lý các hoạt động về du lịch. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch. Tổ chức tốt Ngày hội văn hóa huyện hàng năm, đẩy mạnh các phong trào tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể lực. Xây dựng và phát huy có hiệu quả đề án “Quỹ phát triển văn hoá” huyện Hải Lăng trong giai đoạn mới.